Bảo đảm hài hòa quyền lợi của người mua bảo hiểm với tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm 

(Chinhphu.vn) – Cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải bảo đảm hài hòa hơn nữa quyền lợi của người mua bảo hiểm với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Bảo đảm hài hòa quyền lợi của người mua bảo hiểm với tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm - Ảnh 1.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào sáng 29/3

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào sáng 29/3.

Hành lang pháp lý cho thúc đẩy thị trường kinh doanh bảo hiểm

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) và một số đại biểu cho rằng, các quy định trong dự luật cần bảo đảm hài hòa hơn nữa quyền lợi của người mua bảo hiểm với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm như quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người mua bảo hiểm, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các loại hình bảo hiểm để đảm bảo cách phân loại có hệ thống và thống nhất trong dự thảo.

Đánh giá dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung khá nhiều điều khoản nhằm tạo hành lang pháp lý cho thúc đẩy thị trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, bên cạnh những điều khoản nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.

Đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe hay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) đề nghị bổ sung một số nguyên tắc gồm: Quy định việc công ty bảo hiểm đảm bảo rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng và đầy đủ về quyền lợi được bảo hiểm và những phạm vi bị loại trừ liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và việc sử dụng dịch vụ y tế, tránh trường hợp đại lý bảo hiểm chỉ thông tin về quyền lợi được hưởng mà không thông tin về những quyền lợi bị loại trừ. Các thông tin người mua bảo hiểm tự khai không phù hợp với chuyên môn về y tế, phải được thảo luận, tìm hiểu để thống nhất giữa người mua và công ty bảo hiểm.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ phối hợp cùng với Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu phát biểu tại Hội nghị để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng chia sẻ, đây là luật rất khó, có chuyên môn rất sâu. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban Kinh tế nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến của nhiều bên có liên quan, những vấn đề gì đã rõ, đã được thống nhất cao sẽ tiếp thu tối đa để đưa vào dự án luật. Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc chưa tạo sự thống nhất cao, sẽ nghiên cứu hoặc giao cho Chính phủ có thể quy định chi tiết, tránh tuổi thọ của luật ngắn phải sửa đi, sửa lại nhiều.

Cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đề ra

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; ghi nhận dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết theo các hiệp định quốc tế và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật, như áp dụng pháp luật, kết cấu của dự thảo luật, các nội dung lớn của từng nhóm vấn đề đã được nêu ra trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các luật đã được thảo luận tại Hội nghị lần này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3./.

Nguyễn Hoàng

310 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 868
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 868
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87248448