Bảo đảm cho công tác quản lý thuế được thực hiện hiệu quả hơn 

(Chinhphu.vn) - Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 31 diễn ra vào sáng 21/2.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc Ngân sách Nhà nước. Đối tượng áp dụng gồm: Người nộp thuế; tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ ngày 12/11/2018 và tại Hội trường ngày 15/11/2018 về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Cơ quan soạn thảo đã tổ chức các cuộc làm việc để tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), một số ý kiến đề nghị làm rõ các khoản thu khác thuộc NSNN không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu tại Khoản 2 và xác định có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này không.

Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất giải trình, tiếp thu như sau: Việc quy định như dự thảo Luật sẽ bảo đảm bao quát nguồn thu của NSNN và tăng cường quy trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác quản lý các nguồn thu của NSNN. Đồng thời, việc quy định giao Chính phủ căn cứ vào quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan để quy định việc quản lý thu đối với các khoản thu không do cơ quan quản lý thuế thu sẽ không làm xáo trộn các quy trình quản lý thuế trong Luật này và vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý nguồn thu NSNN tại các luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát tất cả các nguồn thu NSNN, không tách bạch nguồn thu do cơ quan quản lý thuế thu và nguồn thu không do cơ quan quản lý thuế thu và chuyển nội dung của Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật xuống Điều 151 cho phù hợp. Nội dung này được thể hiện tại Điều 1 và Khoản 1 Điều 151 của dự thảo Luật.

Về giải thích từ ngữ (Điều 3), một số ý kiến  đề nghị quy định một cách dễ hiểu hơn “Nguyên tắc bản chất quyết định hình thức”, đồng thời đề nghị bổ sung ngay trong dự thảo Luật các thuật ngữ, khái niệm mới như: Giao dịch liên kết, dữ liệu thương mại, giao dịch độc lập, công ty mẹ tối cao của tập đoàn… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất sửa lại tên của khái niệm theo hướng: “Nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế” và nội hàm của khái niệm. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, bổ sung vào nội dung giải thích từ ngữ về cơ sở dữ liệu thương mại; các bên có quan hệ liên kết, giao dịch độc lập, giao dịch liên kết và công ty mẹ tối cao của tập đoàn...

Liên quan đến nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ trong quản lý thuế (Điều 15), ông Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu cụ thể như sau: Bổ sung nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế như trách nhiệm của Bộ Công Thương liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong phối hợp với cơ quan quản lý thuế, nhượng quyền thương mại và các hoạt động liên quan; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan; sửa đổi quy định về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc thẩm định dự án đầu tư để xác định giá trị đầu tư của dự án, làm căn cứ để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật, thay cho nhiệm vụ “Phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế” đã được quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Nội dung cụ thể thể hiện tại Điều 15 của dự thảo Luật.

 

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về khai thuế, tính thuế (Chương IV), một số ý kiến cho rằng, để hoàn thành Tờ khai Giao dịch liên kết cần phải có Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ, trong khi đó, thông thường phải mất một năm để hoàn thành Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Do đó, việc quy định nộp Tờ khai giao dịch liên kết cùng với báo cáo quyết toán thuế năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính là chưa phù hợp với thực tế và không khả thi.

Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu như sau: Mỗi quốc gia có quy định riêng về thời hạn hoàn thành Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, do đó để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo chỉnh sửa theo hướng giao Chính phủ quy định về thời hạn nộp hồ sơ đối với báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Đồng thời, chỉnh sửa lại quy định đối với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý và loại thuế có kỳ tính thuế theo năm cho phù hợp với thực tiễn, theo đó quy định thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng, không quy định theo ngày như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Nội dung này được thể hiện tại Điểm b Khoản 1, Điểm a, b, c Khoản 2 và Khoản 5 Điều 44 của dự thảo Luật.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH cho rằng, việc xây dựng dự án luật phải bảo đảm cho công tác quản lý thuế được thực hiện hiệu quả hơn, công khai và minh bạch hơn; hạn chế được tối đa các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nợ thuế… Cần có các quy định chặt chẽ hơn trong thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử cũng như thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế và đẩy lùi những tiêu cực, những vụ việc bị lạm dụng trong quản lý thuế, kê khai, nộp thuế.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người đi thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế. Một số ý kiến đề nghị cần có đánh giá kỹ hơn về tình hình nợ thuế...

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra dự án Luật tiếp tục rà soát, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của UBTVQH để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, nhất là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế; việc áp dụng thuế điện tử; vấn đề về kê khai thuế, xóa nợ thuế; rà soát kỹ thuật văn bản; cụ thể hóa hơn nữa các điều, khoản, tránh để có quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy đinh chi tiết;... Sau khi bổ sung hoàn thiện, gửi tới các đoàn Đại biểu Quốc hội xin ý kiến trước khi trình dự án Luật ra Quốc hội.

Nguyễn Hoàng

420 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 765
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 765
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77300345