Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023 

(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai; phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan.

 

 Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023 (Ảnh minh họa: Trần Sơn Nam)

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái La Nina đến hết mùa Xuân 2023, sau đó chuyển sang trạng thái trung tính. Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ nửa cuối tháng 6/2023. Khả năng cao xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc trong những tháng chuyển mùa.

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan; mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật. Riêng năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 15 đợt mưa lớn diện rộng, nhiều điểm đã ghi được lượng mưa ngày, tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử.

Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.

Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp; bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc, nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp xâm phạm gây mất an toàn an toàn công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; bố trí kinh phí để xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Trong đó, ưu tiên các đập, hồ chứa có nguy cơ cao xảy ra sự cố và đập, hồ chứa có lưu vực tập trung dòng chảy nhanh. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, nhất là các hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên (quy định tại Thông tư 03/2022/TT-BNNPTNT ngày 16/6/2022); quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền và diễn tập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là thành phố, thị xã, khu công nghiệp, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Cùng với đó, kiểm tra việc vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát và có giải pháp xử lý ách tắc dòng chảy, không đủ khả năng thoát lũ khi vận hành xả lũ của hồ chứa thủy lợi; đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du.

Chỉ đạo nghiêm việc thực hiện các quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi. Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước,…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thủy lợi theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về thủy lợi; thường xuyên tổng hợp tình hình an toàn công trình, đề xuất lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo giải pháp ứng phó.

Đối với các hồ chứa nước do Bộ quản lý, phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác, các địa phương và các đơn vị tư vấn, vận hành theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để tính toán phương án vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các đập, hồ chứa nước, tham mưu cho Bộ quyết định việc tích nước, điều tiết nước của các hồ chứa. Đề xuất các công trình, hạng mục công trình cần sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn trong mùa mưa, lũ.

Tổng hợp hiện trạng các công trình đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn của các địa phương; đề xuất, trình Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đối với Cục Quản lý xây dựng công trình, chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng phương án ứng phó thiên tai và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trong phạm vi quản lý. Đồng thời, bố trí kinh phí trong tổng mức đầu tư của Dự án để thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước,…/.

 
B.T
162 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 604
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 604
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76704530