Bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng trị 

Tỉnh Quảng Trị có 10 huyện, thị, thành phố, trong đó có 02 huyện miền núi với 125 xã, phường, thị trấn; có 38 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có 28 dân tộc thiểu số, đông nhất là đồng bào Bru -Vân Kiều (Vân Kiều) sau đó đồng bào Tà Ôi - PaKô (PaKô). Hiện nay, dân số đồng bào dân tộc Vân Kiều là 74.079 người, chiếm tỷ lệ 79,8%; đồng bào dân tộc Pa Kô là 18.663 người, chiếm 20,1%; Các dân tộc khác chỉ chiếm tỷ lệ 0,1%.

Bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện toàn diện các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Năm 2022, tỉnh đã triển khai và hoàn thành việc tổng điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 67,24% trong tổng số hộ nghèo và chiếm 59,93% so với hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 12.585 hộ; toàn tỉnh có 2.170 hộ cận nghèo, chiếm 21,73% so với hộ cận nghèo và chiếm 10,33% so với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Chính sách vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số, giúp bà con có nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Trong 6 tháng đầu năm, thực hiện chương trình ủy thác cho vay qua các Hội, đoàn thể, Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân cho 11.222 lượt hộ vay vốn với tổng kinh phí giải ngân trêm 492,6 tỷ đồng, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay 1.637 lượt hộ vay. Thực hiện Quyết định 653/QĐ-TTg, ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 và thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025, huyện Đakrông được phân bổ trên 206.908 triệu đồng để thực hiện Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo. Năm 2022, dự kiến phân bổ cho huyện ĐaKrông 78.800 triệu đồng, trong đó: 66.585 triệu đồng để thực hiện Dự án.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác việc làm bằng nhiều hình thức, phù hợp nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức trong việc tìm, kiếm việc làm để từ đó tìm được việc làm phù hợp với khả năng của mình. Mời gọi và tạo điều kiến tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động có uy tín trên cả nước đến tỉnh Quảng Trị tư vấn, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động, nhằm tạo điều kiện cho người lao động đồng bào dân tộc thiểu số kết nối thông tin thị trường lao động để lựa chọn thị trường phù hợp với khả năng của mình. Các chính sách hỗ trợ đối với người lao động được chú trọng, triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã giúp một phần cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 6 tháng đầu năm 2022 đã tạo được việc làm cho 2.392 lượt lao động người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số được chú trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm thực hiện tốt chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đa số các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề đã chủ động xây dựng kế
hoạch, đưa nội dung đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số thành một chỉ
tiêu cụ thể trong việc xây dựng và triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao
động tại địa phương. Để triển khai hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1638/QĐ-UBND, ngày 22/6/2022 về việc phê duyệt kế hoạch dạy nghề cho nông thôn đợt I năm 2022; theo đó, đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 100 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Quan tâm thực hiện chính sách phát triển giáo dục miền núi, đầu tư nhà ở cho giáo viên; hỗ trợ đời sống giáo viên; hỗ trợ sách, vở cho học sinh; đầu tư trang thiết bị dạy và học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi bậc tiểu học và THCS đến trường đạt 96%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp đạt 98%. 100% giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học sư phạm trở lên, có chuyên môn tốt, đạt chuẩn về giảng dạy theo yêu cầu của ngành giáo dục.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào đạt được những kết quả quan trọng. 100% xã đều có bác sỹ, nhân viên y tế thôn, bản, cán bộ y tế cộng đồng, có trình độ chuyên môn khá. Chất lượng công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh từng bước được nâng cao. Toàn vùng có gần 100% xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, có 126 bác sỹ.

Tỷ lệ số hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đảm bảo khoảng hơn 31% và nước hợp vệ sinh trên 80%. Tỷ lệ hộ dân sử sụng nhà vệ sinh đảm bảo đạt gần 62%.

Các hình thức sinh hoạt văn hoá được đầu tư xây dựng và khôi phục; các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc ngày càng được quan tâm tổ chức thực hiện; giao lưu văn hoá giữa các dân tộc được tăng cường triển khai như tổ chức các lễ hội, điệu múa, cồng chiêng, làn điệu dân ca… của đồng bào từng bước phát huy và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc.

Nhìn chung, các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh ban hành khá đầy đủ và toàn diện, tạo động lực giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Với mục tiêu và phương châm “Đầu tư cho an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển”; “Công bằng trong tiếp cận an sinh xã hội là quyền của con người và phải được ưu tiên”, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện quyết liệt, phấn đấu thực hiện thắng lợi nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân tộc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khổi đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Thứ hai, Thúc đẩy quá trình xây dựng năng lực nội sinh để đồng bào dân tộc thực thi hội nhập trong chính sách phát triển, biết tự chọn lọc, tự bảo vệ các giá trị và quyền lợi cơ bản cá nhân cũng như cộng đồng. Chú trọng làm tốt công tác giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, việc làm cho người dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại nhằm phát huy nội lực, tự vươn lên làm giàu chính đáng trong sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, Tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là giao thông, điện, trường học và thủy lợi; gắn với bố trí, sắp xếp lại dân cư, giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, đất phục vụ cộng đồng, nước sinh hoạt, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên. Chú trọng tới những hộ đồng bào thiếu đất sản xuất, các điểm nóng về di cư tự phát, dự án tái định cư thủy lợi, thủy điện... Tập trung phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình quan hệ sản xuất mới; Tăng cường và đẩy mạnh công tác đưa lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở tỉnh bạn và làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giới thiệu các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có năng lực trong sản xuất -kinh doanh, xuất khẩu lao động về tuyển dụng và tư vấn cho lao động là người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện và cơ hội giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao mức sống.

Thứ tư, Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới trong các vùng dân tộc thiểu số. Tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, gắn liền với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng. Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng với xóa đói, giảm nghèo.

Thứ năm, Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm, lợi dụng chính sách, kể cả việc thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện chính sách. Thủy Phương

1432 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 917
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 917
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87012040