Bảo đảm an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) - Sáng 17/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì Hội nghị.

 

Toàn cảnh phiên giải trình tại Nhà Quốc hội. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là vấn đề cấp thiết

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: An ninh nguồn nước là vấn đề của toàn thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết. Ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai… Bên cạnh các luật này, cần có giải pháp để quản lý tổng thể các ngành kinh tế sử dụng nước, bảo đảm phát triển bền vững; nâng cao tính thích ứng của nền sản xuất. 

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phát huy tốt vai trò trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng chống lũ; tạo tăng trưởng lớn cho các ngành kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do đã được xây dựng từ nhiều năm nên có tới trên 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp; 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Đây cũng là thách thức lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế-xã hội; vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân. 

“Trước tình hình đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập đang đặt ra cấp thiết, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh. 

Mục tiêu của Hội nghị nhằm làm rõ thực trạng an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay và trong 20 đến 30 năm tới (về trữ lượng, năng lực khai thác, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, sinh hoạt; an ninh nguồn nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; về ô nhiễm nguồn nước và xả thải vào lưu vực sông; về hợp tác quốc tế trong quản trị nguồn nước); giải pháp quản lý, ứng phó, kiểm soát vấn đề này.

Các thách thức với an ninh nguồn nước 

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, trong tháng 7/2020, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ; duyên hải Miền Trung; Nam Trung Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Bắc. 

Qua khảo sát, Đoàn công tác đã chỉ ra một số thách thức với an ninh nguồn nước. Cụ thể, vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt; mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn. Việc thiếu nước còn do nhu cầu sử dụng tăng do phát triển kinh tế-xã hội như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; sử dụng trong sinh hoạt hoặc cho mục đích phát điện. Bên cạnh đó, việc quản trị nước còn hạn chế, chưa sử dụng nước tiết kiệm... 

Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. Biến đổi khí hậu kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài, mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột; xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, thay đổi lưu lượng dòng chảy... gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác. Biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan kéo theo mưa lớn, lũ, việc phòng lũ, chống úng, tiêu thoát nước đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các hồ chứa. 

Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt; nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế... Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn còn hạn chế.

Đáng chú ý, hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%... 

Liên quan đến quản lý an toàn hồ, đập, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà lưu ý đến tình trạng đập, hồ chứa quan trọng, hồ chứa nước lớn có thì độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lý đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, những đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30-50 năm, điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn. 

Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn còn không ít hồ đập hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Ví dụ, ở Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn. Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao. Tại Hòa Bình, trong tổng số 544 hồ chứa có tới 192 hồ hư hỏng xuống cấp. 

Đến 2045, phải bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và 100% tưới tiêu 

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại ba lưu vực sông lớn: Hồng-Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai. Dự kiến nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, ĐBS Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo giải trình. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Do vậy, để quản lý, sử dụng hiệu quả bảo đảm an ninh nguồn nước, thực hiện Luật Tài nguyên nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung lập quy hoạch tài nguyên nước, hiện nay Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia (Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 04/12/2019); triển khai lập quy hoạch 05 lưu vực sông: Hồng-Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk và Cửu Long (trong đó 03 quy hoạch lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2020 và 02 lưu vực sông Hồng-Thái Bình và Cửu Long dự kiến trình phê duyệt tháng 12/2021); 08 lưu vực sông còn lại đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, đối với nước mặt, việc đánh giá diễn biến dòng chảy, tài nguyên nước mặt trong sông đã được thực hiện ở hầu hết các trạm thủy văn, trạm tài nguyên nước hiện có trên các hệ thống sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Cửu Long và một số sông ven biển Miền Trung. 

Đánh giá an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Chúng ta phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học hiện đại cho 100% diện tích đất canh tác (hiện có trên 11 triệu ha đất canh tác, trong khi chúng ta mới tưới tiêu được 4,2 triệu ha đất canh tác). Phải đáp ứng được nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115-120 triệu dân lúc bấy giờ, bảo đảm nước cho cả thành thị và nông thôn. 

Lê Sơn

261 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 3541
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 3541
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87378752