Báo chí ở ‘tuyến đầu’ xây dựng các chuẩn mực văn hoá ứng xử 

(Chinhphu.vn) - Sáng 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự hội thảo.

Trong phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho biết những năm qua, nhiều bộ ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành các bộ quy tắc về văn hoá ứng xử ở nơi công cộng, trong gia đình, tại công sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa vẫn còn hạn chế. Vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân gây bức xúc trong dư luận. Bạo lực gia đình, học đường, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm vẫn còn tồn tại.

Các ý kiến tại hội thảo đã xác định những đặc điểm chung của văn hóa ứng xử của con người Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện nay. Phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những thông điệp để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử. Nhiều bài học, kinh nghiệm đã được chia sẻ trong quá trình tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; phổ biến, lan tỏa vẻ đẹp của ứng xử văn hóa.

Đề cập đến văn hoá học đường, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng giáo dục phải là một điểm sáng để góp phần xây dựng văn hoá ứng xử, chuẩn mực mới cho lớp trẻ nói riêng và người dân nói chung.

Với vai trò Tổng chủ biên, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống.

Đối với văn hoá công sở, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nêu quan điểm xây dựng văn hoá công vụ không chỉ giới hạn ở trong các cơ quan, công sở mà khi công chức, cán bộ giao tiếp đúng mực sẽ góp phần nêu gương để lan toả thái độ ứng xử tốt đẹp ra xã hội.

Theo bà Trịnh Thị Thuỷ, công tác truyền thông trên báo chí có vai trò quan trọng trong định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội mới; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng và xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm các gian trưng bày tại Hội Báo Toàn quốc. - Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Chủ tịch Hội  Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử trong cộng đồng, trong xã hội, nhiều khi đến mức báo động, được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo thực hiện.

“Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực cho việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn. Báo chí tuyên truyền, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện cổ vũ những gương người tốt, những tấm gương điển hình, những cách làm hay; phê phán những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa ứng xử…”, ông Hồ Quang Lợi nêu rõ.

Nhà báo Trần Thị Thanh Thuỳ, Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội nhận xét, để các chuẩn mực văn hoá ứng xử “ăn sâu, bám rễ”, hình thành thói quen của người dân, cần tuyên truyền liên tục trong thời gian dài chứ không thể theo kỳ cuộc. Đi đôi với đó là các hình thức xử lý, răn đe mạnh mẽ để loại bỏ các hành vi lệch chuẩn ra khỏi xã hội.

Bên cạnh đó, hầu hết các cơ quan báo chí đều có các chuyên mục hoặc các chương trình hoạt động xã hội, từ thiện hướng vào việc tôn vinh cái hay, cái tốt. Khi báo chí “vào cuộc”, các chương trình này có sức lôi cuốn công chúng, xã hội, doanh nghiệp đồng hành, thực hiện các hoạt động xã hội, vì cộng đồng hết sức có ý nghĩa.

Từ một góc nhìn khác, Đại tá Nguyễn Văn Hải, Báo Quân đội Nhân dân dẫn ra nhiều ví dụ cụ thể cho thấy tác động tiêu cực của việc lựa chọn chủ đề, khai thác đề tài chưa phù hợp, chạy theo thị hiếu thông tin tầm thường, thậm chí cổ vũ cho những hành vi lệch chuẩn, đi ngược lại văn hoá truyền thống, gây phản cảm, định hướng sai lệch về thị hiếu thẩm mỹ.

Phân tích thêm về điều này, chuyên gia văn hoá Nguyễn Viết Chức cho rằng rất cần những chuẩn mực rõ ràng, cụ thể để người ta có thể hiểu và làm được. Vai trò của báo chí không chỉ phản ánh những vấn đề lệch chuẩn, mà phải có chuẩn mực văn hoá ứng xử của chính mình. Đây cũng là điều mà nhiều tác giả, cơ quan báo chí vẫn còn thiếu dẫn đến việc đề tài giật gân, câu khách, phản cảm…

Còn Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Công Đáng nêu quan đểm trong xây dựng nếp sống văn hoá bên cạnh những việc hay, ứng xử đẹp thì cần mạnh dạn lên án, phê bình những hành vi xấu mặc dù khi làm vậy báo chí chịu rất nhiều áp lực. Có như vậy mới nâng cao chất lượng chuyên mục người tốt, việc tốt, cảnh tỉnh những hành vi phản văn hoá, thuyết phục và thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

Nhiều đại biểu đã chứng minh và thống nhất về vai trò hết sức quan trọng của truyền thông trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh thông tin xã hội hiện nay.

Đình Nam

398 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1116
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1116
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87145144