Công nhân EVN Hà Nội. (Ảnh: vnexpress.net)

Báo cáo công tác điều hành giá điện nêu rõ: Về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài nghành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Báo cáo của EVN tại Văn bản 2586/EVN-TCKT ngày 21/5/2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 về phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN, các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành.

Cụ thể, EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỷ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỷ đồng, thặng dư vốn 127 tỷ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.

Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xác định mức giá bán lẻ điện bình quân.

Về các thông tin báo chí nêu về số dư tiền gửi ngân hàng của EVN và quản lý dòng tiền của EVN tại thời điểm 30/6/2018, theo Báo cáo, số dư tiền gửi tại thời điểm 30/6/2018 là 42.798 tỷ đồng như báo chí đã nêu là số liệu tại Báo cáo tài chính hợp nhất toàn EVN thời điểm 30/6/2018. Đây là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng.

So với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106 ngàn tỷ đồng), thì số dư tiền gửi nêu trên chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, dầu), bán điện (55 ngàn tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn tiền mua điện của các nhà máy điện (10 ngàn tỷ đồng), trả nợ ngân hàng đến hạn (22 ngàn tỷ đồng), thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (2,5 ngàn tỷ đồng) và các khoản phải trả phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng (16,5 ngàn tỷ đồng).

Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, tiền điện thường tập trung vào cuối tháng nên số dư tiền gửi của EVN vào các ngày cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.

Một số khoản vay nước ngoài các đơn vị phải sử dụng tài khoản đặc biệt  hoặc giải ngân một lần về tài khoản chuyên dụng của Người vay theo quy định của Hiệp định vay nên đã tăng thêm số dư tiền gửi của các đơn vị.

Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Đối với Công ty mẹ - EVN, trung bình 1 tháng của năm 2018 thực hiện chi thanh toán khoảng 18.806 tỷ đồng cho thanh toán tiền mua điện và chi phí đầu tư chưa kể thanh toán các khoản chi phí khác.

Đối với các Công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước.

Trong lĩnh vực đầu tư, EVN có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.

Báo cáo nêu rõ, khi có thông tin từ khách hàng về giá điện tăng cao đột xuất trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019.

Bộ Công Thương đang phối hợp tích cực với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài Chính và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, để sớm có kết luận cụ thể, công bố công khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Trước phản ánh của một số khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã thành lập 3 Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Tài chính; Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, EVN và thực hiện kiểm tra từ ngày 8 đến 10/5/2019 tại 55 Tổng Công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện trên cả 3 miền Bắc – Trung - Nam. Theo kết quả, trong tháng 4/2019, nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 4/2019 tăng 16% so với tháng 3 năm 2019 dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc và ở cả 3 miền trong tháng 4 tăng cao hơn so với tháng 3 và cùng kỳ 2018.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.

Số liệu thống kê của EVN cũng cho thấy tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị về chỉ số, hóa đơn ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại. Thay vào đó, số lượng khách hàng chủ động truy cập vào các trang web của các Trung tâm Chăm sóc khách hàng để tìm hiểu các thông tin về quy định giá điện, tra cứu chỉ số công tơ trong kỳ thay đổi giá điện tăng lên nhiều.

Như vậy, quá trình điều hành giá điện (cả về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh) trong thời gian qua nói chung và quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện vào ngày 20/3/2019 vừa qua đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố, xem xét đánh giá tác động nhiều chiều và bảo đảm tuân thủ đúng các qui định pháp luật hiện hành. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành bám sát thực tiễn, đề xuất các biện pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành giá điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân./.

Theo TTXVN