Hang Dơi, động Nước thuộc phân khu dịch vụ hành chính, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) và còn khá lạ lẫm với du khách vì chưa được đưa vào khai thác du lịch. Tuy vậy, vẫn có thể đến tham quan các hang động này dưới sự chỉ dẫn của cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Từ trụ sở khu bảo tồn này, đi bộ khoảng 1 km là đến hang Dơi. Dọc đường, người đi bắt gặp nhiều khối đá xù xì quần tụ, thoạt nhìn tựa như những dãy núi đá nhấp nhô thu nhỏ hay nhiều loài lan rừng đến mùa bung hoa khoe sắc rực rỡ trên những thân cây rừng lớn. Lối vào hang Dơi khá rộng, thoáng cao nên rất dễ khám phá. Càng vào sâu, thạch nhũ xuất hiện càng nhiều với đủ hình thù, màu sắc. Ngay giữa hang Dơi có một lỗ tròn thông lên đỉnh núi. Người dân địa phương gọi đó là "giếng trời". Đến thăm hang động này vào mùa hè sẽ thấy ánh nắng từ "giếng trời" xiên xuống đáy hang, đẹp diệu vợi.
Hang Dơi dù kỳ vĩ nhưng ít người biết đến. Đến nay, người khám phá hang động này vào sâu nhất chỉ khoảng 300 m. Càng vào sâu, hang Dơi càng tối và lối đi thu hẹp dần. Bởi vậy, câu hỏi hang động này dẫn đến đâu và điểm cuối ra sao vẫn đang bỏ ngỏ, chờ được khám phá.
Ngoài hang Dơi, dưới chân núi đá vôi này còn có thêm 2 hang động khác là động Nước và động Khô. Động Nước nằm cách hang Dơi độ vài chục bước chân. Gọi là động Nước vì lối vào hang động này quanh năm nước chảy róc rách. Nước ngập tầm mắt cá chân và luôn mát lạnh, trong vắt. Ở giữa động Nước có một vũng nước lớn, người dân gọi đó là "giếng tiên", đủ chỗ cho 4-5 người tắm. Riêng động Khô - nằm cạnh động Nước - thì rất ít người khám phá vì lối vào khá nhỏ hẹp, nhiều ngóc ngách.
Theo nhiều cao niên người dân tộc Vân Kiều, tương truyền trên ngọn núi đá vôi này có con vượn trắng một vú sinh sống. Nó vạm vỡ và to lớn như người trưởng thành. Tuy nhiên, rất ít người nhìn thấy bởi nó thoắt ẩn thoắt hiện. Sự hiện diện của con vượn trắng một vú này khiến người dân bản địa tin rằng đây là ngọn núi thiêng. Vì thế đến nay, nhiều câu chuyện nhuốm màu liêu trai về ngọn núi này vẫn được người dân lưu truyền.
Theo một lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, trong thời gian tới, đơn vị sẽ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế được UBND tỉnh giao để phục hồi hệ thống đường mòn dẫn đến hang Dơi, động Nước. Khi hoàn thành, lối đi vào các hang động này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu kết hợp với các điểm du lịch khác hình thành nên tuyến du lịch sinh thái thì hang Dơi, động Nước sẽ trở thành một trong những điểm đến mang nhiều ấn tượng cho du khách.
Bài và ảnh: Đức Nghĩa