Hợp tác giáo dục giữa DAAD và Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh minh họa:vdz.edu.vn)
Theo Đại sứ quán CHLB Đức cho biết, Hội thảo lần này với sự tham gia của các khách mời là chuyên gia đến từ CHLB Đức và Việt Nam để cùng thảo luận về chủ đề này. Hội thảo có 45 đại diện của 27 trường đại học Việt Nam trong đó có 20 Hiệu trưởng, Hiệu phó và thành viên của hội đồng khoa học trường. Thông qua các bài thuyết trình và các cuộc thảo luận các thành viên sẽ có cơ hội học hỏi lẫn nhau cũng như trao đổi kinh nghiệm thực tế. DAAD muốn đóng góp một phần cho quá trình cải cách trường đại học tại Việt Nam.
Tự chủ đại học tại các trường đại học của Việt Nam hiện đang là chủ đề bàn luận chính trong cải cách giáo dục đại học. Trong đó vấn đề tự chủ tài chính với các trường đại học được thảo luận nhiều.
Tuy nhiên, tự chủ của các trường đại học được hiểu chính xác như thế nào và làm sao để tự chủ thành công cũng chính là những chủ đề quan trọng cần bàn đến tại Hội thảo lần này như: Một cơ chế quản lý và bộ máy tổ chức chất lượng, tạo được sự cân bằng giữa Ban lãnh đạo trường và các khoa, viện của một trường đại học tự chủ cần phải như thế nào? Tự chủ đóng vai trò gì trong việc thu hút và thúc đẩy nguồn lực khoa học và nguồn lực quản lý giỏi? Các trường đại học tự chủ được trao quyền ở phạm vi nào trong việc phát triển chương trình học, trong nghiên cứu khoa học hoặc trong hội nhập quốc tế?
Kể từ khi thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 2003, DAAD đã tài trợ khoảng 60 triệu Euro từ ngân sách của Chính phủ Đức cho các chương trình học bổng, hợp tác, cựu học viên, liên kết giảng dạy, các khóa đào tạo, các lớp tiếng Đức, trao đổi khoa học cũng như các mạng lưới liên kết chuyên môn.
Rất nhiều sinh viên Việt Nam đã nhận được học bổng của DAAD để học tập và nghiên cứu tại Đức. Quan hệ hợp tác khoa học bền chặt được thể hiện qua con số tăng cao về hợp tác liên kết giữa các trường đại học với nhau. Đồng thời số sinh viên Việt Nam sang Đức học tập cũng liên tục tăng và con số này năm 2017 tăng hơn 14% so với năm trước. Tổng cộng có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại các trường đại học Đức. Phần đông trong số họ có thành tích học tập rất tốt.
Với nhiệm vụ và các chương trình hỗ trợ của mình, DAAD cố gắng đóng góp để sự trao đổi hợp tác khoa học giữ Việt Nam và Đức tiếp tục phát triển tốt đẹp trong tương lai. Trong đó phải kể đến việc hỗ trợ xây dựng cơ cấu trường đại học, đào tạo nhân lực cũng như hiện nay là hỗ trợ cải cách giáo dục đại học.
Mạnh Hùng