Bàn về sự cần thiết và giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị - Góc nhìn từ Hội thảo góp ý Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2021 

Kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực với nhiều cơ hội, thách thức mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tình hình phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Với mục tiêu xây dựng Đề án nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập doanh nghiệp ở tỉnh đang gặp phải, phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khuyến khích khởi nghiệp, ngày 13/3/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã chủ trì tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 – 2021. Sau đây là bài viết tác giả tổng hợp, phân tích liên quan nội dung sự cần thiết và giải pháp hỗ trợ

Tình hình phát triển doanh nghiệp và sự cần thiết hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp góp phần quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh nhà, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm đến công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh. Do đó, cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Năm 2017, tổng sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra (GSS2010) ước tính đạt 8.264,9 tỷ đồng, đóng góp khoảng 47,6% GDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 35.500 lao động.

Từ năm 2011 đến nay, theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có từ 280 - 300 doanh nghiệp thành lập mới, 30 - 40 doanh nghiệp giải thể, 45 - 50 doanh nghiệp ngừng hoạt động; Tuy nhiên số doanh nghiệp ngừng hoạt động có sự gia tăng đều và đột biến từ 15 – 118 doanh nghiệp. Trong năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới là 303 doanh nghiệp, tăng 7,07% so với năm trước; số doanh nghiệp phá sản, giải thể là 52 doanh nghiệp, tăng 1,92%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 118 doanh nghiệp, tăng 61,64% và chiếm 38,94% trong số doanh nghiệp thành lập mới; tổng số doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động chiếm 56,11% trong số doanh nghiệp thành lập mới. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chủ yếu do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả nên không cạnh tranh được trên thị trường. Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt 3.257 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng. Hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, doanh nghiệp có quy mô vừa là 2.117 doanh nghiệp, chiếm 65%, doanh nghiệp có quy mô nhỏ là 714 doanh nghiệp, chiếm 22%, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có 426 doanh nghiệp, chiếm 13%.

Bảng 1. Số liệu doanh nghiệp thành lập mới, phá sản, ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Nội dung

ĐVT

Thực hiện
 2011

Thực hiện
 2012

Thực hiện
 2013

Thực hiện
 2014

Thực hiện
 2015

Thực hiện
 2016

Thực hiện
2017

Số doanh nghiệp thành lập mới

DN

333

296

331

281

280

283

303

Số doanh nghiệp phá sản, giải thể

DN

47

87

28

49

61

51

52

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động

DN

15

17

24

59

68

73

118

 

                                                          Nguồn số liệu: Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp theo lĩnh vực ngành nghề, các doanh nghiệp đăng ký hiện nay tập trung khai thác lĩnh vực: công nghiệp chế biến, nông lâm nghiệp thủy sản, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại, y tế, giáo dục đào tạo... Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đến cuối năm 2017, ước đạt 1.758 doanh nghiệp, chiếm 54% doanh nghiệp đang hoạt động; lĩnh vực nông nghiệp ước đạt 326 doanh nghiệp, chiếm 10%; lĩnh vực xây dựng ước đạt 651 doanh nghiệp, chiếm 20%; số doanh nghiệp còn lại hoạt động trên các lĩnh vực khác.

Theo đánh giá của dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2021, trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, phong trào khởi nghiệp của người dân, nhất là lứa tuổi thanh niên có nhiều khởi sắc, nhiều bạn trẻ tham gia khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh online với nhiều mô hình khá thành công, bước đầu tạo dựng được thương hiệu như các sản phẩm tự làm bằng tay - handmade, thực phẩm; các mô hình trồng dược liệu, trang trại chăn nuôi tập trung, trang trại tổng hợp; các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ... Khó khăn đặt ra hiện nay trong hoạt động khởi nghiệp là nhiều thanh niên, nhiều doanh nghiệp trẻ có ý tưởng tốt, có phương án đầu tư và mong muốn đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, công tác hướng dẫn chuẩn bị ý tưởng, xây dựng phương án, thử nghiệm các hoạt động ươm tạo ý tưởng và kiểm nghiệm tính khả thi của phương án kinh doanh,... chưa được quan tâm và phần lớn các ý tưởng đều khó khăn về nguồn vốn để triển khai các hoạt động thử nghiệm... Để giúp các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp thành công, cần sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong các hoạt động xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ, đồng hành với các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp từ khi hình thành ý tưởng, phương án khởi nghiệp cho đến khi tham gia thị trường.

Hội thảo góp ý Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2021

Thực tế cho thấy, công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của tỉnh còn thiếu tính đồng bộ; môi trường kinh doanh, khởi nghiệp chưa hấp dẫn; tỷ lệ doanh nghiệp/vạn dân còn thấp so với trung bình cả nước (tại thời điểm cuối năm 2016, cả nước bình quân cứ 200 người dân có 01 doanh nghiệp, Quảng Trị bình quân 220 người dân có 01 doanh nghiệp); địa bàn và lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh phát triển không đồng đều. Thủ tục hành chính tuy có cải cách nhưng chưa thực sự thông thoáng; lề lối, phong cách, đạo đức công vụ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu chuẩn mực. Vai trò của các Hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân chưa được thể hiện rõ nét. Doanh nghiệp trên địa bàn hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, nguồn lực (nguồn vốn, chất lượng lao động, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, marketing, môi trường kinh doanh…) còn nhiều hạn chế, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh nhà nhìn chung còn ở mức thấp, cơ bản quy mô doanh nghiệp đang phát triển theo chiều rộng (tăng về số doanh nghiệp, lao động, vốn), nhưng chưa cải thiện nhiều về chất lượng; công nghệ sản xuất ở mức trung bình, trình độ quản trị, năng lực tài chính, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế; hàng hóa chưa có nhiều thương hiệu hấp dẫn khách hàng và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…; cơ cấu ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý; thiếu sự hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị còn thiếu chặt chẽ; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng đúng mức đến bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; gian lận thương mại, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế kéo dài vẫn còn diễn ra.

Giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị

Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đưa ra ba nhóm giải pháp chính, bao gồm: Nhóm 1 - Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp: (1) Khuyến khích, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp (bao gồm hộ cá thể đăng ký thành lập doanh nghiệp); (2) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ doanh nhân; (3) Hỗ trợ tiếp cận đất đai; (4) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; (5) Hỗ trợ kết nối thị trường; (6) Hỗ trợ đổi mới công nghệ; (7) Hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn và pháp lý; (8) Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp; (9) Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; (10) Truyền thông khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp. Nhóm 2 - Nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế: (1) Đối với lĩnh vực du lịch; (2) Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao: Áp dụng các chính sách ưu đãi theo các quy định của pháp luật có liên quan cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhóm 3 - Nhóm giải pháp khác: (1) Cân đối, bố trí nguồn lực để doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ; (2) Rà soát, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách của tỉnh đảm bảo phù hợp và khả thi hơn.

Thảo luận tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan và đại diện Hội, Hiệp hội các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản nhất trí ba nhóm giải pháp chính nêu ra trong Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị. Trong đó nhấn mạnh và bổ sung những giải pháp sau: Một là, đề xuất chia các giải pháp theo hai nhóm: nhóm giải pháp từ Nhà nước và nhóm giải pháp từ chính doanh nghiệp.Hai là, các giải pháp đề cập trong Đề án cần mang tính cụ thể hơn như hỗ trợ ưu đãi lãi suất, tạo điều kiện cho thuê đất đầu tư lượng hóa như thế nào... Ba là, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính và nghiêm túc xử lý hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công chức; đồng thời nghiêm minh xử lý hành vi vi pháp pháp luật của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Bốn là, mong muốn sớm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Phát huy vai trò Hội, Hiệp hội doanh nghiệp làm cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền. Năm là, đối với việc phát triển du lịch, Tỉnh cần khởi động trước, tạo điều kiện tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư thông qua nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay...; lập danh mục kêu gọi đầu tư, đưa ra các chính sách ưu đãi cụ thể đối với ngành du lịch; rà soát, thu hồi các dự sán “treo” (nếu có). Sáu là, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, căn cứ với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; đào tạo phương thức truyền thống phối hợp đào tạo online; hỗ trợ tiếp cận thông tin, cần có một Website tích hợp tổng hợp thông tin cho doanh nghiệp.

Tại Hội thảo đã cơ bản bàn luận và giải quyết khá thấu đáo xoay quanh ba câu hỏi: Vì sao phải hỗ trợ cho doanh nghiệp? Hỗ trợ cái gì, cho ai? Hỗ trợ như thế nào? Với sự cần thiết phải hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp cũng như những góp ý giải pháp của đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan và đại diện Hội, Hiệp hội các doanh nghiệp trên địa bàn đã đặt ra yêu cầu cho việc cần ban hành Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 – 2021 phải mang tính thực tiễn, hiệu quả cao trong hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp để hướng đến “doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển” - góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

                                                                                                                                                        Thái Thị Hồng Minh

1459 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 908
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 909
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87034691