Ảnh minh họa (nguồn: xaydungdang.org.vn)
Trước đó, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành "Quyết định ban hành Quy chế thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương”; "Quy chế thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương"; "Kế hoạch thi tuyển vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ; Cơ sở đảng; Địa phương III".
Mục đích thông qua thi tuyển nhằm có căn cứ lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, thực sự am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Cơ quan. Yêu cầu bảo đảm tính bình đẳng, khách quan, minh bạch, chính xác, công khai và dân chủ trong quá trình tổ chức triển khai thi tuyển lãnh đạo quản lý; lựa chọn được người thực sự có đức, có tài, phù hợp với vị trí được bổ nhiệm. Tạo được môi trường để người dự thi thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất cá nhân trong chuyên môn và quản lý.
Đối tượng dự thi gồm các đồng chí trong nguồn quy hoạch tại chỗ vào chức danh Vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ; Cơ sở Đảng, Địa phương III; các đồng chí đã được quy hoạch chức danh vụ trưởng và tương đương ở các vụ, đơn vị và ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác có đơn đăng ký dự thi.
Về điều kiện, tiêu chuẩn chung của các đối tượng dự thi phải là cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không tham ô, tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống mọi hành vi tham ô, tham nhũng.
Bên cạnh đó, có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không vụ lợi; gương mẫu về đạo đức, lối sống, được cán bộ, công chức, viên chức nơi công tác tín nhiệm; có khả năng quy tụ, tập hợp quần chúng, là trung tâm đoàn kết nội bộ. Được cơ quan sử dụng lao động đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm có thông báo thi tuyển trở về trước…
Ngoài điều kiện, tiêu chuẩn chung đã quy định tại quy chế (ban hành kèm theo Quyết định số 1678-QĐ/BTCTW ngày 24 tháng 5 năm 2017), tùy từng chức danh thi tuyển, người dự thi cần phải có những điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể sau: tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, lao động tiền lương, luật, kinh tế và các ngành thuộc nhóm ngành xã hội…Có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân; là chuyên viên cao cấp.Có chứng chỉ ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 4 trở lên khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B2 khung năng lực châu Âu. Sử dụng thành thạo máy vi tính và áp dụng kỹ năng về tin học vào công tác lãnh đạo, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.
Nội dung, hình thức thi được quy định tại Quyết định số 1678-QĐ/BTCTW ngày 24/5/2017 của Ban Tổ chức Trung ương.
Theo đó, chủ đề xây dựng đề án:
Đối với chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ: Từ chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công việc của Vụ, phân tích, đề xuất giải pháp cụ thể để Vụ Chính sách cán bộ có những thay đổi, đột phá thiết thực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đối với chức danh Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng: Từ chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công việc của Vụ, phân tích, đề xuất giải pháp cụ thể để Vụ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương.
Đối với chức danh Vụ trưởng Vụ Địa phương III: Từ chức năng, nhiệm vụ được giao và thực tiễn theo dõi địa bàn, phân tích, đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nhất quy chế cán bộ theo dõi địa bàn ban hành kèm theo Quyết định số 1190-QĐ/BTCTW ngày 24 tháng 2 năm 2017.
Người dự thi trình bày đề án và chương trình hành động bằng công cụ trình chiếu power point. Thời lượng bảo vệ đề án không quá 45 phút. Đối với mỗi người dự thi, mỗi thành viên Hội đồng phải đặt ít nhất 03 câu hỏi. Điểm thi của người dự thi được đánh giá theo thang điểm 100, trong đó: 50 điểm cho phần xây dựng và trình bày đề án; 50 điểm cho phần trả lời câu hỏi của Hội đồng thi tuyển.
Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu tổ chức ghi hình, ghi âm toàn bộ quá trình các thí sinh trình bày đề án tại Hội đồng và lưu trữ để làm công cụ giám sát Hội đồng thi và phúc khảo hoặc giải quyết khiếu nại khi cần.
Theo Ban Tổ chức Trung ương, thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 15/6/2017 đến ngày 30/6/2017. Địa điểm tiếp nhận: Vụ Tổ chức - Cán bộ cơ quan Ban Tổ chức Trung ương. Địa chỉ: số 2A Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội./.
PV