Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phấn đấu mỗi năm kết nạp thêm 1.500 đoàn viên công đoàn trở lên và hầu hết các doanh nghiệp có 20 công nhân, lao động trở lên thành lập được tổ chức công đoàn; phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Đến năm 2030, mỗi năm phấn đấu kết nạp 2.000 đoàn viên công đoàn trở lên; những nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của các cấp Công đoàn trong tỉnh; phấn đấu 85% trở lên các đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được TƯLĐTT. Đến năm 2045, hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 100% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể TƯLĐTT.
Để đạt được những chỉ tiêu nói trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
Tập trung tuyên truyền, quán triệt, xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW gắn với Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến Nghị quyết 02-NQ/TW. Tuyên truyền, phổ biến để các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước quốc tế liên quan đến lao động và công đoàn.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức, hoạt động công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Khắc phục tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay; giao nhiệm vụ không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ở các địa phương, đơn vị. Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, nhất là các kênh truyền thông của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để các ngành, các cấp và dư luận xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ; thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tổ chức và hoạt động của các cấp công đoàn tỉnh Quảng Trị. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng, ký kết quy chế phối hợp để có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở tại địa phương, đơn vị. Định kỳ 03 tháng và khi cần thiết, thường trực cấp ủy làm việc với công đoàn cùng cấp để nắm tình hình, chỉ đạo, định hướng hoạt động thời gian tiếp theo và giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Công đoàn. Hàng năm, lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp tổ chức gặp gỡ, đối thoại với tổ chức công đoàn và công nhân lao động ít nhất 01 lần. Các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp chính quyền trong việc phối hợp với tổ chức công đoàn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thành lập, hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu và quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quan hệ lao động; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của đoàn viên, người lao động; phòng ngừa việc lợi dụng xâm phạm lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công nhân, công đoàn. Phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên là cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu. Đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đủ điều kiện phải tham gia tổ chức công đoàn và gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của công đoàn. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 30/7/2008 của Tỉnh ủy khóa XIV về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ công chức, viên chức và tổ chức công đoàn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 09/01/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất” và Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp chính quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách, chương trình, đề án liên quan đến lao động, công đoàn; đảm bảo tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động và công đoàn. Cơ quan quản lý nhà nước tích cực phối hợp với các cấp công đoàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, công đoàn, việc trích nộp kinh phí công đoàn, kinh phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở khu vực lao động phi chính thức. Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành liên quan, chính quyền các cấp xây dựng, ký kết chương trình, quy chế phối hợp giai đoạn, kế hoạch hoạt động hằng năm với tổ chức công đoàn cùng cấp nhằm chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả. Định kỳ hoặc khi cần thiết, chính quyền các cấp làm việc với công đoàn cùng cấp để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp, triển khai kế hoạch phối hợp thời gian tới; tổ chức các cuộc đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thoả đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động; đầu tư, xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân lao động như: nhà ở, nhà trẻ ở các khu, cụm công nghiệp; xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Chủ động xây dựng phương án quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của các tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp; có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng các tổ chức này gia nhập tổ chức công đoàn. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động nhận diện rõ các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh, trật tự.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tăng cường phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 399-QĐ/TU, ngày 18/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án “Phát triển tổ chức Đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động về công tác xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành lập công đoàn cơ sở ở các đơn vị, doanh nghiệp có đủ điều kiện, làm tiền đề, cơ sở để thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên; quan tâm bồi dưỡng công nhân, người lao động đủ tiêu chuẩn giới thiệu kết nạp vào Đảng. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động; hướng dẫn quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, thực chất. Tập trung thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nơi có đông người lao động, nơi tiềm ẩn phức tạp trong quan hệ lao động với mục tiêu thu hút người lao động tham gia vào hệ thống Công đoàn Việt Nam. Thường xuyên nghiên cứu, áp dụng, triển khai các phương thức, mô hình tập hợp người lao động, quản lý tổ chức công đoàn thích ứng với tình hình thực tế. Quan tâm phát triển đoàn viên ở khu vực phi chính thức. Các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo cơ quan thống kê, thuế, kế hoạch và đầu tư, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, công an, Ban quản lý Khu kinh tế, cụm công nghiệp… phối hợp với tổ chức công đoàn nắm bắt, khảo sát, điều tra, dự báo tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để xây dựng kế hoạch vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy của công đoàn các cấp theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp công đoàn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các công đoàn ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trong tỉnh đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, có bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết, uy tín, am hiểu pháp luật, có năng lực đối thoại và tập hợp, đoàn kết đoàn viên, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt các cấp. Người đứng đầu tổ chức công đoàn phải có uy tín cao, am hiểu sâu sắc và có kinh nghiệm thực tiễn về công tác vận động công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp. Cấp uỷ thống nhất với công đoàn cấp trên trong việc đề bạt, điều động, luân chuyển chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cùng cấp theo phân cấp quản lý cán bộ; bố trí cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp ít nhất phải được một nhiệm kỳ trước khi điều động, bố trí công việc khác. Có cơ chế, chính sách phù hợp trong công tác tuyển dụng cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân để thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn. Bố trí biên chế cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công đoàn trong tình hình mới; cơ cấu cán bộ công đoàn chủ chốt các cấp tham gia cấp ủy, hội đồng nhân dân cùng cấp. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, quy chế phân cấp về công tác cán bộ công đoàn, đặc biệt là quy định số lượng cán bộ chuyên trách của các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tùy theo đặc điểm về quy mô, tính chất ngành nghề, địa phương. Giao biên chế hợp lý, phân cấp công tác tuyển dụng bố trí cán bộ chuyên trách trong hệ thống công đoàn cho Đảng Đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh. Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để giới thiệu bầu cử hoặc chỉ định giữ cương vị người đứng đầu tổ chức công đoàn các cấp. Hỗ trợ, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động công đoàn. Xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo (ngắn hạn, dài hạn), bồi dưỡng, sát hạch (có chứng chỉ, chứng nhận theo quy định), sắp xếp đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp phù hợp từng vị trí công tác; có cơ chế đãi ngộ phù hợp, kịp thời và thường xuyên để khuyến khích, động viên sự cống hiến, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ công đoàn.
Đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn đáp ứng yêu cầu toàn cầu hóa và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng được niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức Công đoàn. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt đọng Công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, nhất là Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; Công đoàn khu công nghiệp. Thành lập các tổ tư vấn pháp luật ở các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đông công nhân, người lao động. Xem xét xây dựng các nghiệp đoàn (nghề cá, dịch vụ,...) để thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động. Đổi mới việc theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công đoàn phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Tập trung củng cố, kiện toàn các Công đoàn cơ sở yếu kém. Có các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp. Thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cấp dưới. Bám sát chức năng trung tâm của tổ chức Công đoàn để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động; hướng tới nhiệm vụ chủ yếu là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn thường xuyên, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động. Kịp thời đề xuất thương lượng, đối thoại; tham gia giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động, tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Chú trọng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể của cán bộ công đoàn. Tăng cường giám sát công tác quản lý Nhà nước về lao động; xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo các chủ trương của Đảng và Chính phủ; tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý; tham gia giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp lao động, đình công. Tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến công nhân; bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động; có biện pháp phù hợp ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động đình công trái pháp luật gây mất ổn định an ninh trật tự. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động. Quan tâm đề xuất các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, quan tâm đến cán bộ công đoàn cơ sở, công nhân lao động trực tiếp; người sử dụng lao động chăm lo tốt chế độ, chính sách cho người lao động. Quan tâm dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… Các cấp chính quyền phối hợp với người sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ công nhân lao động. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai xây dựng Thiết chế công đoàn tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà trong giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tăng cường kết nối, hỗ trợ giữa công đoàn cấp trên cơ sở với Công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động. Kiên quyết chống quan liêu, hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, người lao động các cấp Công đoàn.
Kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định, quy chế về quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn, tài sản công đoàn phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa tổ chức công đoàn với các cơ quan chức năng (ngành thuế, BHXH...), triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn; các giải pháp huy động nguồn lực xã hội, tăng nguồn thu cho công đoàn các cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động. Thủy Phương