Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương 

Để triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trên cơ sở 8 nội dung cơ bản trong Quy định 08-QĐi/TW của BCH Trung ương Đảng, BCH Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa thành 7 nhóm nội dung yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 7 nhóm nội dung yêu cầu phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

07 nhóm nội dung yêu cầu phải gương mẫu đi đầu thực hiện là:

1. Về tư tưởng chính trị

a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

b) Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai sự thật; gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

c) Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạnh của Đảng. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước, cho tỉnh và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

2. Về đạo đức, lối sống

a) Tích cực học tập, cập nhật thông tin, kiến thức mới; tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; mẫu mực về đạo đức, lối sống; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hiện nghiêm quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm.

b) Tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm. Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi

c) Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, công bằng, chính trực, trọng dụng người tài; gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú.

3. Về ý thức tổ chức kỷ luật

a) Tuân chủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị.

b) Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

c) Thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.

4. Về tự phê bình, phê bình

a) Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác; dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

b) Trong tự phê bình và phê bình phải lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý, nhất là các hạn chế, khuyết điểm của mình hoặc có liên quan đến mình, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.

c) Có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.

5. Về đoàn kết nội bộ

a) Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương; công tâm, trách nhiệm với cán bộ dưới quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ.

b) Thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp.

c) Tích cực tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nơi công tác; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ và trong nhân dân.

6. Về quan hệ với nhân dân

a) Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền. Nghiêm túc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu các cấp uỷ đảng với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh (ban hành theo Quyết định số 629-QĐ/TU ngày 20/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ).

b) Gương mẫu thực hiện tốt các quy định của địa phương và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

c) Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân.

7. Về trách nhiệm trong công tác

a) Nêu cao ý thức trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc, sẵn sàng đảm nhận khâu khó, việc khó. Năng động, sáng tạo, chủ động thực hiện các chủ trương thí điểm của cấp trên, mạnh dạn triển khai các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

b) Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân theo Quyết định số 907-QĐ/TU ngày 29/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

c) Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận; chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khao khát cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

07 nhóm nội dung yêu cầu phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, gồm:

1. Về tư tưởng chính trị

a) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

b) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng. Nói và viết không đúng; làm trái hoặc không thực hiện; chủ trì tham mưu hoặc ban hành các văn bản trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

c) Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước, những việc chưa được công bố, những thông tin sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Tàng trữ, tán phát hoặc xúi giục người khác tán phát các thông tin trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.

2. Về đạo đức, lối sống

a) Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo vun vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.

b) Bản thân hoặc để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí bê tha, xa hoa, phô trương, lãng phí, mê tín dị đoan; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.

c) Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để trục lợi.

3. Về ý thức tổ chức kỷ luật

a) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; nội quy, quy chế làm việc của nơi công tác và nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

b) Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn.

c) Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

4. Về tự phê bình, phê bình

a) Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật.

b) Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Lợi dụng việc phê bình, phát ngôn; nhân dân việc phản ánh, góp ý để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc để đả kích, vu khống, vu cáo, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.

c) Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Định kiến, đe dọa, trù dập, trả thù với người góp ý, phê bình.

5. Về đoàn kết nội bộ

a) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức.

b) Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền.

c) Thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Thiếu công bằng, không công tâm, khách quan trong bố trí, sử dụng cán bộ và chỉ đạo xử lý, giải quyết công việc.

6. Về quan hệ với nhân dân

a) Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

b) Không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

c) Thực hiện không nghiêm túc Quy định đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; Quy chế đối thoại giữa người đứng đầu các cấp ủy đảng với cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; Quy định cấp ủy viên về dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư.

7. Về thực hiện nhiệm vụ công tác

a) Sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân; thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao

b) Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; nói một đằng lam một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.

c) Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; vào công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản Nhà nước.

BCH Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy định này; gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định; kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện các Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và Quy định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy định.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có vi phạm. Hải Yến

2716 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 565
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 565
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87031494