Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 

Ngày 17/01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 907-QĐ/TU về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (Quy định 907) nhằm cụ thể hóa Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định 907 gồm 03 chương, 14 điều, quy định cụ thể căn cứ, quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức.

Quy định 907-QĐ/TU đã nêu khá cụ thể các khái niệm về miễn nhiệm và từ chức. Theo đó, khái niệm miễn nhiệm được hiểu là cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc; uy tín giảm sút; có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Khái niệm từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc hết thời gian bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Quy định đã nêu và giải thích khá rõ khái niệm vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 Về nguyên tắc miễn nhiệm, từ chức được quy định ngắn gọn, thể hiện tính chủ động, kiên quyết của cấp có thẩm quyền trong việc thực hiện miễn nhiệm và cho từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo quy định. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị, sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, cương quyết xử lý những cán bộ vi phạm kỷ luật.

Về trách nhiệm, thẩm quyền xem xét miễn nhiệm, từ chức được quy định riêng một điều, nêu rõ cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức; đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ khi có đủ căn cứ.

Về căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức được quy định riêng thành 02 điều, căn cứ miễn nhiệm cán bộ có 06 trường hợp, căn cứ từ chức cán bộ có 04 trường hợp. Các trường hợp phải miễn nhiệm, từ chức thể hiện tính nghiêm minh hơn, đảm bảo yêu cầu của các nghị quyết, quy định, quy chế của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay.

Quy định đã định lượng hóa cụ thể về sự tín nhiệm, uy tín của cán bộ, nâng cao vai trò, hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm. Cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định sẽ phải xem xét miễn nhiệm hay từ chức. Đây là điểm mới thể hiện tinh thần mới của Đảng về đổi mới công tác cán bộ, về kiểm soát quyền lực. Đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn đủ uy tín nhưng chưa đến mức phải kỷ luật thì căn cứ vào quy định mới này có thể kịp thời thay thế, không phải đợi đến hết nhiệm kỳ.

Về căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu được quy định riêng một điều. Điều này cho thấy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao, trong đó phải liên đới chịu trách nhiệm, hậu quả về những vi phạm, hạn chế, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý; phù hợp với các quy định khác của Đảng về vấn đề nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu. Theo quy định, sẽ miễn nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; còn trong trường hợp nghiêm trọng sẽ xem xét từ chức.

Về quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức, quy định chung quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức với những mốc thời gian cụ thể, theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện quy trình miễn nhiệm, từ chức đối với các bộ khi có đủ căn cứ và đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định miễn nhiệm, từ chức chậm nhất trong 10 ngày làm việc; trên cơ sở đề xuất của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong 10 ngày làm việc, trường hợp cần thiết vì lý do khách quan có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.

Về hồ sơ miễn nhiệm, từ chức của cán bộ được quy định cụ thể hơn, cả trường hợp từ chức và miễn nhiệm đều sử dụng thống nhất những loại hồ sơ như Tờ trình của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ; Quyết định, kết luận, thông báo, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền; Biên bản hội nghị, đơn xin miễn nhiệm, từ chức của cán bộ; Báo cáo đề nghị của cơ quan sử dụng cán bộ cùng các tài liệu liên quan khác.

Quy định 907 quy định cụ thể việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Nếu cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác sau khi từ chức thì sẽ được xem xét, bố trí công tác phù hợp sau khi căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm làm việc, thời gian công tác còn lại. Cán bộ đã từ chức, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, khắc phục yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định. Đây là quy định mở, thể hiện sự nhân văn trong chính sách của Đảng ta là không định kiến, không đóng sập vĩnh viễn mọi cánh cửa đối với những cán bộ đã nhìn ra khuyết điểm của mình và nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém để một lần nữa đủ điều kiện được xem xét đưa vào diện quy hoạch, bổ nhiệm. Hơn nữa, quy định này rất cần thiết để “mở cửa”, khuyến khích cán bộ mạnh dạn từ chức khi thấy có vi phạm.

Quy định số 907-QĐ/TU, ngày 17/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã xác lập hệ thống các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là sự thể chế hóa chủ trương thành quy định cụ thể, thể hiện quyết tâm trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh, tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn, rèn luyện cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. HY- tổng hợp

 

637 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 546
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 547
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87649752