Như chúng ta đã biết, công tác giải phóng mặt bằng có vai trò rất quan trọng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đángcủa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 20/9/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh”, với tinh thần trách nhiệm cao và chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và đồng hành của doanh nghiệp, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy vậy, công tác GPMB vẫn còn rất nhiều khó khăn, phức tạp, vẫn là “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, đó là: Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số địa phương chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB; công tác quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư còn thiếu và chậm; nhận thức pháp luật về đất đai, về bồi thường, GPMB của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu hợp tác; một số vướng mắc kiến nghị của người dân liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có lúc, có nơi chưa được xử lý kịp thời; chủ đầu tư một số dự án chưa thực sự vào cuộc, thiếu chủ động trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền để thực hiện công tác GPMB; cơ chế, chính sách bồi thường chưa phù hợp với thực tế…
Để triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư, một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là tạo sự chuyển biến cơ bản đối với công tác GPMB, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình đầu tư; đảm bảo giao đủ mặt bằng sạch, kịp tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương đầu tư. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành cần tập trung thực thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác GPMB. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; lấy kết quả công tác GPMB là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, quy định, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về đất đai, chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vai trò, ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của công tác GPMB đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tạo sự thống nhất về hành động. Tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý đất đai và GPMB; kiện toàn và nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB. Đồng thời, tập trung chỉ đạo việc xác lập hồ sơ địa chính, xác định nguồn gốc, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường quản lý hiện trạng sử dụng đất, nhất là đối với khu vực có thông báo thu hồi đất, kế hoạch thu hồi đất được phê duyệt; kịp thời khảo sát, đo đạc, kiểm đếm nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm để trục lợi trong GPMB.
Chỉ đạo rà soát, đánh giá về tính pháp lý của tất cả các dự án đang triển khai trên địa bàn, nhất là các dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng người dân không ủng hộ, không bàn giao mặt bằng, đảm bảo các dự án đầu tư khi triển khai phải đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB, thực hiện phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thông tin về các dự án; giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng là tổ chức tốt việc huy động các lực lượng tham gia GPMB; nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng, nhà đầu tư với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là trong công tác đối thoại, giải thích chính sách đối với người dân. Chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra, nắm chắc tình hình liên quan đến công tác GPMB, kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tăng cường công tác dân vận trong GPMB, phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác bồi thường GPMB để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương phát triển KT-XH của tỉnh.
Mục tiêu Nghị quyết đề ra là tạo sự chuyển biến cơ bản đối với công tác GPMB, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình đầu tư, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đảm bảo bàn giao đủ mặt bằng sạch, kịp tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hải Yến