Anh Thắng kể, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên học đến lớp 9 anh phải nghỉ học để kiếm việc phụ giúp gia đình. Năm 2002, anh vào tỉnh Bạc Liêu học và làm nghề nhôm kính, hai năm sau tay nghề vững thì trở về quê để lập nghiệp. Do chẳng có vốn liếng, thời điểm đó việc sử dụng đồ dùng bằng nhôm kính ở quê chưa nhiều, nên anh Thắng đi làm thuê, chắt bóp kiếm tiền để làm vốn, với mơ ước về phố mở cửa hàng.
Thế nhưng, ước mơ chưa thực hiện được thì năm 2011, do bất cẩn trong quá trình làm việc, anh bị tai nạn lao động dẫn đến liệt cột sống. “Tỉnh dậy ở trên giường bệnh, hay biết mình bị cột sống nặng, đôi chân bị liệt, lúc đó chưa nghĩ đến bản thân, mà nhìn thấy gia đình chạy đôn chạy đáo lo tiền viện không thôi đã ứa nước mắt” - anh Thắng trầm tư.
Suốt 3 năm, anh Thắng ở bệnh viện và trạm y tế nhiều hơn ở nhà. Bệnh tật của anh đã kéo gia đình từ hộ cận nghèo “rớt” xuống hộ nghèo. “Nghèo chẳng còn mồng tơi mà rớt nữa. Vì có chi thì vơ vét hết để thuốc thang cho mình rồi, còn mô” - nhắc lại chuyện này, anh Thắng buồn buồn. Từ một thanh niên khỏe mạnh thông thạo nhiều nghề, nay anh Thắng chẳng khác nào đứa trẻ, đặt đâu nằm đó. Mỗi lúc trái gió, vết thương đau buốt buộc anh phải tìm đến bệnh viện để thuốc thang.
Khi bệnh tình ổn đôi chút, anh tập tành vận động, nhưng đôi chân chẳng chút hy vọng gì nữa. Ngày qua ngày, gặp lại bạn bè cùng trang lứa, nghe bạn kể việc làm ăn, việc lập gia đình, rồi nghĩ đến phận mình nên nhiều lúc anh Thắng suy nghĩ rất tiêu cực: “Đã nhiều lần nghĩ hay là chết quách cho xong để khỏi làm gánh nặng cho gia đình. Cái chết đã ám ảnh mình một thời gian dài như thế”...
|
Sản phẩm tủ kính do Thắng “liệt” làm ra vừa đẹp, bền và đặc biệt là giá rẻ hơn nhiều nơi khác nên được người dân ưa chuộng. Ảnh: HƯNG THƠ |
Mình còn đôi tay
Bố mẹ mất sớm, anh Thắng sống với gia đình vợ chồng anh trai là anh Hồ Văn Điền và chị Lê Thị Tư ở thôn Linh Hải. Lúc xảy ra tai nạn lao động, anh Điền ở bệnh viện chăm em trai, còn chị Tư làm “hậu phương” lo cho con cái và đi vay tiền để chữa trị cho anh Thắng. Chưa tính những tài sản tự có “đội nón” ra đi, thì gia đình phải vay mướn thêm 150 triệu đồng. “Cứ nghĩ cứu cho được chú ấy, còn nợ nần tính sau, mình còn đôi tay mà” - chị Tư nói gãy gọn, khi nghe hỏi về những ngày tháng khốn khó.
Nghe chị dâu nói, anh Thắng rưng rưng, nhớ lại câu nói động viên của chị cách đây mấy năm về trước. Cuối năm 2015, nghe anh trai và chị dâu nhẩm tính các khoản nợ, chị Tư động viên anh Điền và Thắng rằng, chẳng bao lâu sẽ trả hết. Rồi chị Tư nắm chặt bàn tay người thanh niên bại liệt, bảo chú còn đôi bàn tay và gia đình đây, phải gắng sống tốt cho đời, cho các cháu noi theo. “Từ hôm đó mình không ở lỳ trong nhà nữa, mà đẩy xe lăn đi khắp xóm làng với tâm trạng vui vẻ, mình vui thì gia đình mới an tâm” - anh Thắng tâm sự.
Cuộc sống trở lại với anh Thắng từ đó, mỗi ngày anh dành thời gian rèn luyện sức khỏe trên chiếc xe lăn, các sinh hoạt hằng ngày dần dà anh cũng tự chăm sóc cho mình được. Một hôm, thấy anh Điền làm kiềng để bát caosu cho vườn caosu chuẩn bị cạo mủ, anh Thắng đến phụ giúp. Không ngờ, kiềng anh Thắng làm nhanh, tròn trịa hơn cả anh Điền, nên gia đình giao luôn việc này cho anh. “Tối hôm đó, làm xong mấy trăm cái kiềng, mình ngủ một giấc ngon lành, sáng ra vẫn vui vì thấy mình còn có chút lợi ích” - anh Thắng, nhớ lại. Rồi những ngày sau đó, hình như muốn anh vui, nên anh Điền đi khoe khắp xóm về chiếc kiềng của Thắng “liệt”. Ở quê, ai cũng quý mến gia đình anh Điền, nên những người có caosu chuẩn bị vào vụ đều rủ nhau đến đặt hàng.
Sau mặt hàng kiềng để bát caosu, anh Thắng lục lọi lại đồ nghề cũ kỹ cất ở chiếc sạp gỗ 10 năm trước và nhờ anh trai mua ít nhôm kính về để làm những vật dụng trong nhà. Từ cái khay đựng nước, tủ bỏ tivi, đặt đồ thờ... dưới bàn tay của anh Thắng được làm rất đẹp, khiến anh Điền và chị Tư mừng thầm, ý nghĩ tạo thu nhập từ nghề làm nhôm kính bằng đôi tay còn lại của anh Thắng bắt đầu từ đó...
Làm ăn “lớn”
Khởi đầu việc làm ăn “lớn” chỉ với vài ba đồ nghề thủ công, anh Thắng tích cóp dần. Mỗi lúc giao cho khách cái tủ, anh dành lại mấy chục nghìn, còn lại đưa cho anh Điền để mua lại vật liệu. “Ông trời chẳng lấy không của ai cái gì bao giờ. Nó mất đôi chân, nhưng đôi tay lại khỏe mạnh và rất tháo vát. Ban đầu cứ lo nó làm không ra gì, người ra nói ra nói vào thì mệt lắm, nhưng không ngờ sản phẩm nào làm ra cũng được mọi người đón nhận. Dù chẳng mở cửa hàng, chỉ làm ở xó nhà như thế này nhưng khách tìm đến ngày một đông” - anh Điền, vui mừng.
Niềm vui lần lượt đến với anh Thắng, vào tháng 3.2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm cầu nối, tiếp nhận 50 triệu đồng của Công đoàn Công thương Việt Nam và Công đoàn Cty xây lắp điện cơ Thuận Phát ở Hà Nội, rồi vào tận nhà trao tặng cho gia đình. Tối đó anh Thắng không ngủ được, anh vẽ ra những dự định với số tiền được hỗ trợ. Vậy là, góc nhà được nới rộng ra, lợp thêm mái che mưa nắng, máy cắt nhôm, máy khoan, máy hàn xì, kính, nhôm... được mua về.
Có vốn, anh Thắng đặt mua nhôm ở tận tỉnh Thừa Thiên-Huế, dù đắt hơn nhưng loại này rất chất lượng, rồi anh bắt đầu nhận đơn hàng làm cửa nhôm, làm tủ lớn. Đơn hàng ngày càng nhiều, một mình anh Thắng làm không xuể, nên anh Điền phải ở nhà phụ giúp. Với tiêu chí làm chất lượng, giá rẻ và lấy công làm lãi, mỗi tháng chỉ riêng anh Thắng thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng. “Đó là thu nhập lớn ở vùng quê này, và quá lớn đối với người tàn tật như Thắng” - anh Điền, phấn khởi.
Bước qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, bây giờ trông anh Thắng rất chững chạc với nụ cười thường trực. Anh bảo, tới đây sẽ đồng ý nhận hai người học nghề, vừa truyền nghề vừa có người hỗ trợ thêm để các sản phẩm luôn giao hàng đúng hẹn.