Bên bếp nhà sàn hồng lửa, già làng Côn Đơ, vui mừng nói về thói quen, quy định tốt của bản: “Trước đây, người dân Cu Pua cũng uống bia, rượu và hút thuốc lá rất nhiều. Thói quen xấu này đã hình thành, tồn tại từ rất lâu, nên cách đây 10 năm khi thanh niên Hồ Ê Nót làm Trưởng bản, họp dân, vận động bà con từ bỏ thói quen xấu đó, bản thân già vốn rất tích cực trong các hoạt động xã hội thôn bản, cũng không tin là có thể làm được. Vậy mà, chỉ sau một năm, nhờ sự kiên trì vận động, làm gương của Trưởng bản, bà con đã dần bỏ hẳn được bia, rượu, thuốc lá. Bây giờ, cả bản này không còn ai uống rượu, bia hay hút thuốc lá nữa”.
Chúng tôi đi từ đầu thôn đến cuối bản, thấy gia đình nào cũng có tấm biển hiệu đặt trước nhà: “Không uống bia, rượu, không hút thuốc lá”. Già Vỗ Hoan (84 tuổi) kể: “Ban đầu, rất khó từ bỏ việc uống rượu, hút thuốc lá, bởi nó đã trở thành thói quen của hầu hết người dân miền núi. Tuy nhiên, khi thấy lớp trẻ làm được, mình già hai thứ tóc còn suốt ngày cầm điếu thuốc, ly rượu khề khà vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng sức khỏe và nếp ăn nếp ở của bản làng, nên rất xấu hổ, phải cố gắng, kiên trì làm theo. Thế rồi, dần dần ai cũng làm được”.
Lại nói về “nhân vật” Hồ Ê Nót, anh năm nay 45 tuổi, từng làm Trưởng bản Cu Pua 15 năm, đến năm 2015, anh không may bị TNGT, sức khỏe yếu, không còn đi lại được như trước, nên đành nghỉ ở nhà để người thân chăm sóc. Mặc dù nghỉ việc 4 năm nay, hiện tại, các nội quy, hương ước do anh khởi xướng, vận động tuyên truyền; bà con dân bản đồng thuận cùng làm theo và xây dựng nên, không chỉ được giữ vững, mà còn phát huy tốt đẹp hơn từng ngày.
|
Người dân Cu Pua sử dụng nước ngọt để chúc phúc con cháu trong tiệc cưới. |
Anh kể lại quá trình lựa chọn, xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm (PCTP) ở thôn bản của mình. Vào năm 2009, trong lần về dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Công an tỉnh tổ chức, anh được đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc Công an tỉnh lúc đó hỏi han, chia sẻ về những khó khăn còn tồn tại của bản làng.
Đồng thời, động viên anh cố gắng tìm hiểu, lựa chọn xây dựng một mô hình PCTP hiệu quả, phù hợp với đặc thù, thực tiễn của địa phương, nhằm không chỉ đảm bảo ANTT, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh của bản làng dần dần tiến kịp với đồng bằng và thành thị. Sau thời gian trăn trở suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định xây dựng mô hình “Bản nói không với chất kích thích”.
Thoạt nghe, mô hình không có đóng góp trực tiếp nào cho hoạt động PCTP. Song, thực chất nó có những đóng góp lớn. Cụ thể, Cu Pua nằm ở cửa ngõ của hoạt động tập kết, trung chuyển các loại hàng hóa cấm, độc hại từ tuyến biên giới Lao Bảo, Hướng Hóa về vùng đồng bằng, người dân ở đây vì thế dễ dàng bị cái xấu tác động. Hơn nữa, trong thực tế, điều kiện nhận thức pháp luật, nhận biết xã hội xung quanh vốn ngày càng phức tạp, của bà con còn không ít hạn chế, khó khăn, trong khi đối tượng tội phạm rất tinh vi, nhắm chọn nơi này để hoạt động phạm tội; móc nối, dụ dỗ người dân buôn bán, vận chuyển, thậm chí sử dụng các chất cấm, độc hại trở nên nghiện ngập, làm tay sai cho chúng.
Bởi vậy, việc làm trước tiên là phải vận động bà con nói không với bia, rượu, thuốc lá ở mọi lúc mọi nơi để tinh thần luôn được tỉnh táo, cảnh giác, đề phòng tội phạm. Ngoài ra, việc nói không với bia, rượu, thuốc lá còn giúp bà con đề phòng, ngăn ngừa được đối tượng xấu lợi dụng những chất kích thích đó để mời mọc, dụ dỗ, lối kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật của chúng...
Anh Côn Hươn (47 tuổi), Trưởng bản Cu Pua hiện nay cho biết thêm: Thôn có hơn 100 hộ dân, với khoảng 500 nhân khẩu. Từ gần 10 năm nay, trên địa bàn trắng về đối tượng tội phạm. Năm nào, bản cũng đạt chuẩn văn hóa, 100% trẻ đến trường đúng độ tuổi, kinh tế hộ gia đình khá giả qua từng năm, số lượng học sinh đậu đổ vào cao đẳng, đại học và tốt nghiệp ra trường có công ăn việc làm ổn định ngày càng cao. Có được thành quả đó, là nhờ những nội quy, hương ước của bản làng mang lại.
Ngày nay, ngay cả lễ mừng dặm trầu, tiệc hỏi, cưới, người dân Cu Pua cũng không sử dụng bia, rượu; bà con chúc phúc con cháu bằng những cái bắt tay, vỗ về nồng ấm; mời nhau những bát nước chè xanh, hoặc cùng lắm là những chai nước ngọt...
Nói thêm về các mô hình PCTP trên địa bàn, Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, cho hay, hiện tại, Quảng Trị có 192 mô hình PCTP, tệ nạn xã hội, rải đều tại 1.081 điểm khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, đa số các mô hình này đều phát huy hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình tạo được sự đột phá, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh để xử lý, làm giảm đến mức thấp nhất các loại tội phạm trên địa bàn.
Đặc biệt, các mô hình “Bản nói không với chất kích thích” của người dân bản Cu Pua, “Tiếng kẻng kéo giảm tội phạm” của người dân xã Linh Hải, huyện Gio Linh… là những mô hình điển hình nhất, hay nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong phong trào toàn dân PCTP, bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn...
Phan Thanh Bình