Bàn kỹ về Luật Cảnh sát cơ động, tránh vượt khung, chồng chéo với lực lượng khác 

(Chinhphu.vn) – Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu cụ thể phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động để tránh vượt khung, chồng chéo với lực lượng khác.
 

Sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động; cho rằng Luật được ban hành sẽ góp phần quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”, trong đó có lực lượng cảnh sát cơ động. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật sẽ góp phần cụ thể hóa nội dung về bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) và một số ý kiến cho rằng, cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại; việc huấn luyện và thực thi nhiệm vụ trong điều kiện, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có trình độ, năng lực, bản lĩnh và kỹ năng cao.

Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ phạm vi, chức năng nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động, tránh chồng chéo về nhiệm vụ với các lực lượng khác trong Công an nhân dân.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo. Về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động, Đại biểu đề nghị nghiên cứu phạm vi cụ thể của cảnh sát cơ động để tránh vượt khung, chồng chéo với lực lượng khác. Ví dụ: Quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để bảo đảm an toàn vùng trời, vùng biển; khu vực biên giới là Bộ đội Biên phòng; trên biển là Cảnh sát biển… Dự thảo Luật hiện chưa làm rõ cảnh sát cơ động lúc nào là lực lượng chủ trì, lúc nào là lực lượng phối hợp với các lực lượng khác, chưa xác định rõ mục tiêu, không gian hoạt động của cảnh sát cơ động.

Bên cạnh đó, “cần làm rõ đặc điểm, tính đặc thù, những điểm khác biệt của lực lượng cảnh sát cơ động trong Công an nhân dân. Những quy định trong luật của lược lượng này phải thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Luật Công an nhân dân cũng như các luật khác có liên quan; tránh lạm dụng thẩm quyền, chồng chéo với thẩm quyền của các lực lượng khác”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu vấn đề.

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn tính đặc thù của cảnh sát cơ động về con người, cơ sở vật chất, tổ chức…

Một số đại biểu Quốc hội khác đề nghị dự thảo Luật không nên quy định lại những nội dung đã được Luật Công an nhân dân quy định, chỉ nên quy định những nội dung có tính chất đặc thù đối với cảnh sát cơ động.

Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định những nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến thực hiện biện pháp vũ trang do cảnh sát cơ động chủ trì khi có tình huống phức tạp về an ninh, trật tự đang diễn ra để làm nổi bật tính chất đặc thù của cảnh sát cơ động; hạn chế sử dụng cảnh sát cơ động thực hiện một số nhiệm vụ của lực lượng, đơn vị Công an nhân dân khác đang đảm nhiệm.

Theo dự thảo Luật, về quyền của cảnh sát cơ động, có quy định được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí... Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các luật liên quan để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn liên quan đến quy định này.

Với quy định này, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng cần có quy định cụ thể về cơ chế giám sát, tránh tình trạng lạm dụng quyền hạn trong thi hành công vụ.

Một trong những nội dung quan trọng thu hút ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại thảo luận là vấn đề huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 17). Đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cảnh sát cơ động chỉ được huy động người, phương tiện, thiết bị khi chủ trì thực hiện các nhiệm vụ được giao; đối với trường hợp cảnh sát cơ động tham gia, phối hợp thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của chính quyền hoặc các lực lượng khác, thì việc huy động phải do người chỉ huy hoặc lực lượng chủ trì quyết định.

Hải Liên

284 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1299
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1299
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87132951