Quy định đã nêu rõ nguyên tắc, đối tượng, nhiệm kỳ quy hoạch; thẩm quyền phê duyệt, phương pháp quy hoạch; tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi quy hoạch; cơ cấu, quy trình xây dựng và rà soát bổ sung quy hoạch; các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch; quản lý và sử dụng quy hoạch; lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch cán bộ.
Theo đó, về nguyên tắc: Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trên cơ sở phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác quy hoạch cán bộ. Coi trọng chất lượng, không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ; giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng; giữa đánh giá với quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ; giữa cán bộ quy hoạch với cán bộ đương nhiệm; giữa nguồn cán bộ ở cấp trên với cấp dưới, giữa các địa bàn và lĩnh vực công tác; giữa nguồn cán bộ tại chỗ với nguồn cán bộ từ nơi khác. Phấn đấu quy hoạch theo cơ cấu ba độ tuổi (khoảng cách giữa các độ tuổi là 5 năm); tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn, lĩnh vực công tác. Quy hoạch cấp ủy các cấp phải gắn với quy hoạch lãnh đạo, quản lý; lấy quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; gắn kết chặt chẽ quy hoạch cán bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương với quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo tỉnh. Chỉ quy hoạch chức danh cao hơn; mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá ba người, một người quy hoạch không quá ba chức danh ở cùng cấp quản lý cán bộ. Không thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 03 tháng.
Có một số điểm mới như: So với các văn bản trước đây, số lượng quy hoạch cấp ủy, UBKT các cấp ít hơn, với quy hoạch từ 1 - 1,5 lần (trước đây là từ 1,5 đến 2 lần); mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 3 cán bộ (trước đây mỗi chức danh quy hoạch không quá 4 cán bộ).
Về nhiệm kỳ quy hoạch bao gồm quy hoạch cho một nhiệm kỳ và định hướng cho nhiệm kỳ kế tiếp. Cụ thể như: Cơ quan khối Đảng nhiệm kỳ hiện tại là 2020 - 2025, nhiệm kỳ kế tiếp là 2025 - 2030; các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026, và nhiệm kỳ kế tiếp là 2026 - 2031. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thì quy hoạch nhiệm kỳ theo Điều lệ của từng tổ chức.
Cũng theo quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình phê duyệt quy hoạch các chức danh thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt quy hoạch các chức danh thuộc quyền quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
Việc xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai của nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, đại hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch từ 01 đến 02 lần cho nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp; trong đó có 01 lần thực hiện trong quý I sau khi tiến hành việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ hằng năm.
Về hiệu lực quy hoạch: Quy hoạch cán bộ có hiệu lực kể từ khi quyết định phê duyệt quy hoạch có hiệu lực thi hành. Quy hoạch hết hiệu lực khi kết thúc nhiệm kỳ của chức danh quy hoạch. Cán bộ được bổ nhiệm vào chức danh quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch thì quyết định quy hoạch đối với đồng chí đó hết hiệu lực.
Về cơ cấu quy hoạch: Phấn đấu quy hoạch theo cơ cấu ba độ tuổi (khoảng cách giữa các độ tuổi là 05 năm), trong đó phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 35 tuổi đối với cấp xã) trong quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp từ 15% trở lên, cán bộ nữ từ 25% trở lên. Đối với quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương trở lên phải có cán bộ nữ. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, lĩnh vực.
(HY- tổng hợp)