Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn ra sáng nay (1/8) tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Qua đó, góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

Về kết quả thực hiện, năm 2015, ngân sách nhà nước đã bố trí 1.501 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư, tăng 30,5% so với năm 2014 (1.150 tỷ). Năm 2016, ngân sách nhà nước đã bố trí được 949 tỷ đồng (giảm 22,5% so với năm 2015), trong đó vốn đầu tư qua Bộ NN&PTNT quản lý 125 tỷ đồng, địa phương quản lý 824 tỷ đồngVề chính sách tín dụng, theo báo cáo của các địa phương, 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Về giải ngân nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu, tính đến ngày 15/7/2017, các Ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới và 125 tàu nâng cấp), số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 31/12/2016.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong quá trình thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế.

Thời gian gần đây, đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng, kích thước và công suất tàu, trong khi cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, khu neo đậu) chưa kịp thời đáp ứng; nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải. Bên cạnh đó, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém .... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

Với 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18), Quảng Nam (1) bị hư hỏng, hiện nay, đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8/2017 hoàn thành và tiếp tục đi hoạt động.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định 67, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Tổng hợp, đánh giá việc đóng mới, nâng cấp tàu cá của các địa phương để có giải pháp điều chỉnh phân bổ số lượng tàu cá cho phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch của địa phương.

Bộ Tài chính kịp thời phân bổ kinh phí bổ sung cho các địa phương để thực hiện các chính sách của Nghị định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong quá trình cho vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá và vay vốn lưu động phục vụ sản xuất. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của địa phương và ngư dân. Đối với các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, sớm khắc phục để đưa tàu vào hoạt động. Hướng dẫn ngư dân duy tu sửa chữa định kỳ đối với các tàu cá vỏ thép; tổ chức đào tạo, tập huấn vận hành đối với các tàu cá vỏ thép và vỏ vật liệu mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát kiến nghị cần xem xét thành lập riêng bộ máy chỉ đạo về triển khai nghị định 67 nhằm thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và kịp thời đôn đốc khi có các tình huống xảy ra. Thực hiện hỗ trợ để đóng mới và nâng cấp tàu cá với cơ chế linh hoạt, đồng thời hỗ trợ đóng thuế, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của tàu cá; kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện chủ trương về bảo hiểm thân tàu và đối với ngư dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, việc thực hiện Nghị định 67 đã đáp ứng mong mỏi của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển đảo. Sau 3 năm triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt, các bộ ngành trung ương, địa phương, đã tổ chức thực hiện chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm. Từ đó đã đóng mới đưa vào sử dụng được 761 tàu cá; việc đào tạo thuyền viên được triển khai, tổ chức sản xuất tại các vùng miền đã được cơ cấu lại.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quá trình thực hiện Nghị định 67 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, chính sách về đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi, cơ sở hạ tầng nghề cá còn thiếu đồng bộ, đầu tư nâng cấp chưa tương xứng, chưa tạo ra được hệ thống hạ tầng nghề cá có chất lượng để làm hỗ trợ hậu cần cho nghề cá phát triển. Hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, ảnh hưởng đến kiểm soát cũng như đảm an toàn trong quá trình hoạt động cho các tàu cá trên biển. Cùng với đó, các chính sách tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu của ngư dân, giải ngân vốn vay đóng mới tàu cá còn chậm, thủ tục cho vay còn gây khó khăn cho ngư dân; đặc biệt công tác kiểm soát chất lượng tàu cá đóng mới là vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Nhằm tiếp tục triển khai Nghị định 67, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan tập trung vào triển khai nhóm chính sách liên quan đến nghị định 67 đến hết năm 2017. Bên cạnh đó, sớm khắc phục tàu vỏ thép bị hư hỏng trong thời gian vừa qua; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có sai phạm trong quá trình thực hiện Nghị định 67, đặc biệt trong quá trình đóng mới tàu cá không đạt chất lượng. Tổng hợp, rà soát các cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá và đưa vào những cơ sở đủ năng lực thực hiện và loại bỏ những cơ sở đóng mới không đủ năng lực. Rà soát lại các mẫu thiết kế mẫu tàu cá đã được ban hành; tháo gỡ khó khăn trong việc vay vốn của ngư dân, chấn chỉnh công tác đăng kiểm tàu cá, cần đảm bảo đúng quy trình, chất lượng sản phẩm phải do người sản xuất quyết định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ tập trung thực hiện tham mưu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, nhằm ban hành trong quý IV/2017 và triển khai thực hiện vào 1/1/2018. Trong quá trình xem xét sửa đổi, cần tập trung vào những vấn đề như: cần có cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục thiết yếu các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các vùng cảng cá động lực ở 5 trung tâm nghề cá lớn; áp dụng cơ chế cho vay phù hợp, bổ sung cơ chế cho vay rủi ro; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan trong việc giám sát đóng mới, giải ngân đóng mới tàu cá,…/.

BT