|
Ảnh minh họa |
Một số tỉnh đạt tỷ lệ bàn giao sổ BHXH cao là Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Bình.
Cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đều phấn đấu đến hết năm 2017 bàn giao sổ BHXH đạt trên 80%; có tỉnh phấn đấu đạt 100%.
Tuy nhiên, công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Phần mềm thu, sổ, thẻ mới đi vào sử dụng nên trong giai đoạn đầu có một số chức năng còn lỗi, chưa đầy đủ. Lượng truy cập từ các tỉnh, thành phố rất lớn đã ảnh hưởng đến tốc độ xử lý thông tin. Nội dung ghi trên sổ còn có chỗ sai sót, thiếu thông tin.
Cá biệt, có đơn vị sử dụng lao động thiếu hợp tác hoặc chậm trễ trong phối hợp thực hiện. Có tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện chưa sát sao, nên công tác bàn giao sổ chưa được hiệu quả như mong muốn…
Nhiều trường hợp trục lợi quỹ bảo hiểm về ốm đau, thai sản
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, từ việc triển khai quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và BHXH Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện một số phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm như: Các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là quỹ ốm đau-thai sản.
Tại TPHCM, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cá nhân cấu kết chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng tiền trợ cấp của 35 hồ sơ hưởng chế độ thai sản, 4 hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần. Có trường hợp cơ quan BHXH nhập không đúng mức lương tham gia BHXH dẫn đến thanh toán thừa 54 triệu đồng giải quyết chế độ cho một đối tượng.
Nhân viên nhân sự và kế toán của một đơn vị ở Hải Dương đã cấu kết lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản tại cơ quan BHXH để chiếm đoạt 867 triệu đồng. Hay tại Đồng Tháp, có đơn vị đề nghị thanh toán chế độ thai sản cho người lao động theo mức lương đã đăng ký tham gia BHXH là 18 triệu đồng/tháng, trong khi đăng ký mức lương với cơ quan thuế là 2,5 triệu đồng/tháng.
Thậm chí có đơn vị ở Cần Thơ lập thủ tục tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH, nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi BHXH thông qua việc giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện tình trạng đối tượng làm giả các chứng từ như: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy khai sinh, giấy ra viện, giấy chứng minh nhân dân... nộp cơ quan BHXH để thanh toán các chế độ BHXH. BHXH tỉnh đã chuyển 116 hồ sơ, giấy tờ làm giả để hưởng chế độ ốm đau, thai sản với số tiền 394 triệu đồng cho cơ quan công an để xác minh, làm rõ.
Từ việc phát hiện trên, cơ quan chức năng đã yêu cầu thu hồi, xuất toán hơn 48 tỷ đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh BHYT, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 459 tổ chức, cá nhân vi phạm...
PV (tổng hợp)