|
Lễ bàn giao bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn. |
Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” của Bộ Y tế.
33 bác sĩ trẻ được bàn giao về địa phương công tác lần này có 25 bác sĩ là người dân tộc như Ba Na, Thái, Chăm, Pa Cô, Tà Riềng. Các bác trẻ được cấp bằng chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề thuộc 8 chuyên ngành: chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, ngoại, nhi, nội, phụ sản, truyền nhiễm và răng hàm mặt. Các bác sĩ sẽ công tác tại 14 huyện nghèo thuộc 7 tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng và Bình Định.
Tính tới thời điểm này, dự án đã bàn giao 244 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 76 huyện nghèo thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Theo ông Phạm Văn Tác, Giám đốc dự án, dự án đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện hoặc Trung tâm Y tế thuộc huyện nghèo.
Thời gian tới, dự án sẽ mở rộng đối tượng tham gia là các bác sĩ đào tạo hệ liên thông, tăng độ tuổi tham gia dự án phù hợp với lộ trình nghỉ hưu, quy định thời gian công tác của các bác sĩ trẻ được tuyển dụng tại địa phương.
Hiền Minh