Trong năm 2017, công tác cải cách tư pháp tiếp tục được cấp ủy, tổ chức Đảng các cơ quan tư pháp lãnh đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, qua đó đạt được những kết quả quan trọng. Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp ở địa phương được đổi mới và nâng cao về chất lượng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử có nhiều chuyển biến tích cực, gắn với tinh thần cải cách tư pháp, không để xảy ra các sai sót nghiêm trọng, không oan sai, bỏ lọt tội phạm. Trong năm qua, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 358 vụ/470 bị can. Chất lượng tranh tụng tại các phiên toà ngày càng được nâng cao. Toà án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 2.053 vụ, việc các loại, qua đó đã giải quyết được 2.005 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 97,6%. Kết quả thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ thi hành án xong tăng mạnh, vượt 16% so với chỉ tiêu được giao. Mối quan hệ giữ các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện chặt chẽ, có hiệu quả, qua đó giải quyết kịp thời các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng của đội ngũ những người thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Nhiều quy định trong các đạo luật mới liên quan đến lĩnh vực tư pháp có sự bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tư pháp khi triển khai thực hiện; hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm chưa cao; tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự chặt chẽ…
Về nhiệm vụ năm 2018, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục quán triệt, thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và nhiệm vụ cụ thể nêu trong chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 – 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác cải cách tư pháp; cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo đối với các cơ quan tư pháp làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao phẩm chất, đạo đức, ngăn ngừa sai phạm trong cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp; đổi mới và tăng cường hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với các cơ quan tư pháp…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, thời gian qua, công tác cải cách tư pháp của tỉnh đã có những bước tiến quan trọng, phù hợp với xu thế cải cách tư pháp, giúp đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Đồng chí mong muốn các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các đạo luật về tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đạo luật liên quan đến tư pháp khác như Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính. Tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mới phát sinh; các loại tội phạm ở lĩnh vực kinh tế, tín dụng đen, tội phạm ma túy, tham nhũng. Nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, chống bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng để hạn chế và xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực trong những tổ chức, cá nhân hành nghề công chứng và giám định tư pháp. Thường xuyên duy trì kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, triệt để, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động tư pháp. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng để nhanh chóng đưa ra truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm, gây bức xúc trong nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai nối mạng trực tuyến từ phòng xử án đến phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chánh án, viện trưởng VKSND tỉnh theo Nghị quyết liên tịch số 01-NQLT/BCSĐ ngày 22/3/2016 của Ban cán sự đảng TAND tối cao và Ban cán sự đảng VKSND tối cao. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện tốt việc xem xét, lựa chọn cán bộ có đủ điều kiện, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm giám định viên theo vụ việc trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, văn hóa, xây dựng, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải ... theo kiến nghị của Đoàn kiểm tra số 5 của BCĐ Trung ương về PCTN. Trình HĐND tỉnh xem xét thông qua đề án chế độ hỗ trợ giám định viên tư pháp và người giúp việc cho người giúp việc cho giám định viên tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2012 – 2020. Bố trí kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp theo các đề án đã được HĐND tỉnh thông quan. Quan tâm tạo điều kiện chỗ làm việc cho Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị. Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp giám sát tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp (như luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản ...) và việc cho hoãn thi hành án hình sự; việc cho hưởng án treo ... H.Y