BẢN ANH HÙNG CA TRÊN CHIẾN TRƯỜNG QUẢNG TRỊ (kỳ 2) 

Đầu năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phê chuẩn kế hoạch mở ba cuộc hành quân đánh vào tuyến hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Trong đó, cuộc hành quân Đường 9 - Nam Lào mang mật danh “Lam Sơn 719” là cuộc hành quân quy mô lớn nhất, mang tính chất quyết định.

Ngày 31/1/1971, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” tấn công ra Đường 9 và Nam Lào. Địch huy động nhiều đơn vị cơ động chiến lược tinh nhuệ nhất của quân ngụy (với hơn 3 vạn quân), quân Mỹ hậu thuẫn phía sau và tham chiến cùng quân ngụy với 12 tiểu đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới. Mỹ - nguy huy động 450 xe tăng, xe thiết giáp; 250 khẩu pháo; hơn 700 máy bay các loại, trong đó có những máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ để thực hiện cuộc tấn công.

Riêng Mặt trận Đường 9 - Quảng Trị, chúng bố trí 200 máy bay, 300 khẩu pháo và đủ các loại vũ khí kỹ thuật hiện đại. Chúng lập căn cứ dày đặc dọc đường 9 từ thị xã Đông Hà đến Khe Sanh - Lao Bảo, lấy căn cứ Đông Hà, Khe Sanh làm bàn đạp chủ yếu để tấn công vào vùng Nam Lào. Tiếp tay cho quân Mỹ và ngụy Sài Gòn là bọn ngụy Viêng Chăn và lính đánh thuê Thái Lan, từ các căn cứ Sê Nô và Pắc Xế, đánh vào phía Tây Đường 9 và cao nguyên Bô Lô Ven.

Ngày 9/2/1971, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị, trong đó nêu rõ nhiệm vụ cho Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch là: Tập trung lực lượng tiêu diệt và làm tan rã thật nhiều lực lượng chủ lực cơ động của “Quân lực Việt Nam cộng hòa”, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng, tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quân Mỹ. Bảo vệ bằng được con đường vận tải chiến lược. Phối hợp với các chiến trường, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Quân ủy Trung ương kêu gọi toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên tham gia chiến dịch: “Tập trung cao nhất tinh thần và sức lực dũng mãnh tiến công, liên tục tiến công tiêu diệt thật nhiều lực lượng tinh nhuệ của địch, quyết bảo vệ con đường Hồ Chí Minh. Xốc tới giành thắng lợi cao nhất trong chiến dịch quan trọng này1

Ngày 28/2/1971, Tiểu đoàn Đặc công của Bộ cùng với Đại đội 5 (Tiểu đoàn 33) đánh kho Ái Tử, đốt cháy 1,5 triệu lít xăng. Tiều đoàn 1 và Tiểu đoạn 2 (Trung đoàn 27) cùng với Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị đánh địch ở Tà Cơn, tiêu diệt tại chỗ hàng trăm tên địch. Lực lượng vũ trang của Mặt trận Bắc Quảng Trị đánh mạnh vào các đường giao thông, tập kích sân bay, kho tàng, bến cảng, buộc địch phải tăng thêm 2 lũ đoàn Mỹ và 3 tiểu đoàn pháo binh để giải tỏa.

Giữa tháng 3/1971, bộ đội đặc công của ta đánh chìm 4 tàu, làm cho đoạn sông Hiều từ Đông Hà đến Cửa Việt bị tắc nghẽn giao thông 7 giờ liền. Trên Đường 9, đoạn từ Lao Bảo đến Bản Đông, các trung đoàn 2, 24, 102 chốt chặn đường rút lui của địch. Phía Nam Đường 9, Sư đoàn 2 vây đánh bọn lính thủy đánh bộ. Từ phía Bắc, các trung đoàn 64, 36, 66 được các đơn vị xe tăng và pháo binh chiến dịch chi viện, tràn xuống vây ép cụm cứ điểm Bản Đông do lữ đoàn dù và 2 trung đoàn thiết giáp ngụy đóng giữ. Ngày 18/3/1971, địch bỏ Bản Đông tháo chạy. Binh lính rút hỗn loạn, nhiều đơn vị bỏ xe pháo tháo chạy vào rừng, sỹ quan rút bằng trực thăng. Ngày 20/3/1971, Bản Đông hoàn toàn giải phóng.

Trong những ngày từ 19 đến 23/3/1971, Bộ Tư lệnh chiến dịch chuyển dịch đội hình về phía đông, kết hợp truy kích với tác chiến ngăn chặn, lần lượt tiêu diệt địch co cum ở các khu vực Cha Ky, Huổi San, Lao Bảo, Làng Vây. Ngày 23/3/1971, phối hợp với lực lượng ở Đường 9 - Nam Lào, bội đội đặc công B5 đã tập kích ở Tà Cơn. Một bộ phận lực lượng của ta phát triển đánh vào khu vực Khe Sanh làm cho địch náo loạn, co cụm không dám phản kích. Trong tình thế bị uy hiếp từ nhiều phía, đặc biệt là các điểm chốt dọc Đường 9 do Trung đoàn 24 và Trung đoạn 102 đảm nhiệm đánh địch ngày đêm và giữ vững trận địa không cho quân địch vượt qua; hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải quân sự bị cháy, hỏng dọc các điểm chốt gây ùn tắc làm cho địch không thể cơ động trên Đường 9 để về Lao Bảo, Khe Sanh, buộc địch phải vứt bỏ lại toàn bộ xe tăng, pháo cơ giới còn đang nổ máy để vượt qua phía Nam sông Sên Pôn, sông Sê Băng Hiên chạy bộ vào rừng. Hàng nghìn xe tăng, máy bay, pháo cối của Mỹ -ngụy bị hư hỏng đưa về bỏ la liệt ở Đông Hà, thị xã Quảng Trị và thành phố Huế.

Sau hơn 50 ngày đêm chiến đấu (31/1 đến 23/3/1971), Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đã kết thúc thắng lợi. Ta đã đánh thiệt hại nặng 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép,... Tổn thất về lực lượng và phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy ở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nhiều hơn tổn thất của thực dân Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Chiến thắng Đường 9- Nam Lào giáng một đòn chí mạng vào âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương, vào âm mưu “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”, đồng thời đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Những mục tiêu mà cả Mỹ và ngụy đặt ra cho cuộc hành quân và gửi gắm vào đó nhiều kỳ vọng đều không đạt được. Chiến thắng Đường 9- Nam Lào làm thất bại hoàn toàn ý đồ của Mỹ - ngụy hòng chặt đứt tuyến hậu cần chiến lược của ta, cô lập cuộc kháng chiến miền Nam cũng như ở Campuchia và Lào; mở ra khả năng mới để ta tiến tới đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Thắng lợi này là bước tạo đà, sự chuẩn bị thế và lực cho cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta năm 1972 giành thắng lợi. Nguyễn Ngọc Tuấn

 

1 Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chiến thắng đường 9-Nam Lào 1971, Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, Tr 163.

 

896 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 750
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 750
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87028091