|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận xét năm 2019 là năm tăng trưởng cao, thu tăng-chi giảm, kéo giảm được nợ công… và kết quả thực hành chống lãng phí của năm 2020 có nhiều kết quả nhất định - Ảnh: VGPNhật Bắc |
Sáng 26/7, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về các nội dung: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong rà soát, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Các đại biểu cho rằng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 vừa qua đã góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn một số tồn tại cần sớm được xử lý, khắc phục, trong đó có việc một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 so với thời hạn quy định.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng hiện tại, chúng ta chưa có chỉ số đánh giá hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chưa có chỉ số thực hiện hiệu quả sử dụng ngân sách - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một số ý kiến đại biểu đề nghị, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm cần rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ ban hành để đánh giá, so sánh, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém đối với từng lĩnh vực theo từng chỉ tiêu.
Đồng thời, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm, tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Chú ý khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận xét năm 2019 là năm tăng trưởng cao, thu tăng-chi giảm, kéo giảm được nợ công… và kết quả thực hành chống lãng phí của năm 2020 có nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn một số tồn tại trong cải cách hành chính, mua sắm tài sản công… Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, phải tuyên truyền, giáo dục, phân công, phân cấp rõ ràng, rành mạch. Trong đó, tiết kiệm thời gian là quan trọng nhất. Cần khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các địa phương.
|
Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) đề nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu... để đạt được kết quả thực hành chống lãng phí cao hơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
“Gần đây, trong những cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng đều nhấn mạnh điều gì địa phương làm tốt hơn với Trung ương, bộ, ngành thì phải phân cấp cho địa phương. Tuy nhiên, phải nâng cao năng lực, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, ông Ngân phân tích.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng hiện tại chúng ta chưa có chỉ số đánh giá hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chưa có chỉ số thực hiện hiệu quả sử dụng ngân sách. “Nếu có thì trách nhiệm của các địa phương sẽ tăng lên, có nhiều chỉ số định lượng để phân tích ngân sách tốt hơn, mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao sẽ thực hiện được”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho hay.
Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) đề nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu, giao quyền với chế độ chịu trách nhiệm, gắn trách nhiệm của các cơ quan trong chuẩn bị đầu tư… để đạt được kết quả thực hành chống lãng phí cao hơn.
Hải Liên