Thông tin bịa đặt
Lúc 12 giờ 16 phút ngày 4.4, trang facebook cá nhân có tên Nhi Nguyễn đăng thông tin: “Ngày 3.4.2018 cá chết hơn 5 km bờ biển Quảng Trị… vớt trên 30 tấn… mà nghi dân bộc phá hài chưa?...”. Kèm theo thông tin trên là hình ảnh cá chết dọc bờ biển chụp hồi tháng 4.2016 – lúc sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Khoảng 30 kg cá chết trôi dạt vào bờ biển xã Triệu Vân, Triệu Ái của huyện Triệu Phong, Quảng Trị vào hồi cuối tháng 3.2018. Ảnh: MH.
Đáng nói, facebook trên còn lấy clip phát trên kênh Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận tình hình cá chết và đời sống ngư dân được thực hiện hồi tháng 4.2016 để đánh lừa người xem.
Thông tin trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều người dùng facebook với hơn 9.300 lượt share.
Điều nguy hại hơn là thông tin bịa đặt, độc hại trên không chỉ một mà nhiều tài khoản facebook đăng tải và nhận được lượt chia sẻ lớn từ cộng đồng mạng đã gây hoang mang dư luận.
Bà N.T.T (chủ tiệm cơm ở TP. Đông Hà) đã bày tỏ sự lo ngại khi hỏi PV Dân Việt rằng: “Bữa nay người ta không ăn cá biển nữa à. Nghe nói cá chết lại”.
Thế nhưng tài khoản facebook Nhi Nguyễn lại bịa đặt thành 30 tấn cá chết trôi dạt vào bờ biển Quảng Trị. Ảnh: Cắt từ facebook Nhi Nguyễn.
Đó là câu hỏi khiến người nghe xót lòng. Bởi lẽ, sau sự cố môi trường biển, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương đến địa phương đã nỗ lực rất lớn để hỗ trợ nhân dân vùng biển ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Khi đời sống, tâm lý ngư dân bắt đầu ổn định, người dân đã ăn hải sản trở lại thì bị thông tin sai sự thật làm nhiễu loạn lòng người!.
Vậy sự thật là gì?
Ông Nguyễn Văn Huân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, sau khi nhận phản ánh của ngư dân ở xã Triệu An và Triệu Vân (Triệu Phong) về sự xuất hiện của một số cá chết trôi dạt vào bờ, Sở đã tiến hành kiểm tra.
Kết quả cho thấy, từ ngày 30.3 có cá lẹp, cá trích chết trôi dạt vào bờ. Nguyên nhân được xác định do một số bà con ngư dân khai thác nghề lưới rùng gần bờ, sản lượng khai thác được nhiều, lưới dính bùn, dưới sức ép của cá, nước và bùn nên lưới bị rách, đồng thời một số cá bị sức ép nên chết trôi dạt ven bờ.
Nguyên nhân nữa là một số tàu cá khai thác nghề lưới chụp gần bờ, có sử dụng bộc phá (mìn) để khai thác thủy sản. Trong quá trình khai thác, khâu thu lưới và vớt cá chưa hết nên cá còn sót lại trên biển trôi dạt vào bờ với số lượng khoảng 30kg.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm cho thấy, hàm lượng cadmi, chì, cyanua và pheenol nằm trong giới hạn cho phép và không phát hiện trên mẫu cá chết có hàm lượng chất độc tố.
Hãy share có chọn lọc
Chẳng biết facebook là gì nhưng ngư dân Nguyễn Văn Cương (xã Triệu Vân) cũng tức giận ra mặt khi nghe thanh niên trong xã kể, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bịa đặt nêu trên.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, không có độc tố trong 30 kg cá chết ở xã Triệu Vân và Triệu An (Triệu Phong). Ảnh: NV.
Ông Cương cho biết, sự cố môi trường biển xảy ra, hải sản không người tiêu thụ đã khiến đời sống nhân dân vùng biển gặp vô vàn khó khăn.
Theo ông Cương, những người tung tin đồn xấu có thể nhằm nhiều mục đích khác. Nhưng ngư dân chất phác, chỉ cầu mong được bình yên có tội tình gì, tại sao nhẫn tâm tung tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến họ?
“Chúng tôi chỉ muốn được bình yên để ngày ngày ra khơi đánh bắt, lo cuộc sống gia đình và con cái ăn học. Những người không giúp được chúng tôi xin hãy im lặng, đừng tung tin bịa đặt làm hại ngư dân vô tội” – ông Cương nói.
Thông tin bịa đặt về 30 tấn cá chết đăng trên một tài khoản cá nhân đã có hơn 9.300 lượt chia sẻ, gây hoang mang dư luận.
Ông Nguyễn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Trị cho biết, mạng xã hội có thể cứu sống con người nhưng cũng có thể giết chết con người.
Bởi vậy, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo chọn lọc, chia sẻ có trách nhiệm những thông tin hay, tốt và bài trừ thông tin bịa đặt, độc hại để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Ông Hoàn cho hay, không phải đây là lần đầu tiên xuất hiện những thông tin độc hại, bịa đặt làm hại ngư dân. Trước đó, vào 3.2017 ngư dân Lê Văn Tuấn (38 tuổi, trú xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) trúng mẻ cá bè vàng lịch sử 160 tấn, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Thế nhưng, vẫn có những đối tượng tung tin bịa đặt mẻ cá ấy bị đánh bộc phá, bị trúng độc, ...
Nhắc đến sự việc trên, ông Hoàn đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phản biện những thông tin xấu, trong đó có báo Dân Việt đã có bài: "Mẻ cá bè vàng 5 tỷ đồng: Đừng "dội gáo nước lạnh" vào ngư dân".