Sự kiện đó đã để lại nhiều bài học có giá trị cả lý luận và thực tiễn về sự chỉ đạo chiến lược, sắc bén của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những bài học đó là:
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược phù hợp, sáng tạo trong cách đánh. Tham vọng của Mỹ khi tiến hành “Chiến tranh cục bộ” là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng từ 25 đến 30 tháng, được tiến hành trong ba giai đoạn, hai cuộc phản công chiến lược, mà giai đoạn 3 được dự tính là hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục “bình định” miền Nam, rút quân Mỹ về nước vào cuối năm 1967. Trong hai năm (1966-1967), Mỹ đã mở hai cuộc phản công chiến lược, cuộc sau lớn hơn cuộc trước, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhưng kết quả thu được thật thảm hại. Các cuộc phản công chiến lược lần lượt thất bại, làm cho chiến tranh hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” bị bẻ gãy, Mỹ-ngụy mất thế chủ động, ngày càng lún sâu vào thế bị động, buộc phải vào thế phòng ngự.
Về phía ta, luôn giữ vững và mở rộng thế chủ động, hình thành vòng vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh ở các đô thị. Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 Khóa III (tháng 1 năm 1968) chỉ rõ: “Trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, chúng ta phải quán triệt nguyên tắc: Tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất, chiến lược chính; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được yếu tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gẫy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất”[1].
Đảng ta hạ quyết tâm chiến lược chính xác, sáng tạo. Trên cơ sở chủ trương đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968. Bộ Tổng Tham mưu đề ra phương án có những trận đánh tiêu diệt lớn với những chỉ tiêu định mức cụ thể về diệt sinh lực địch, giải phóng dân, đẩy mạnh đấu tranh đô thị, phá tuyển cử của địch. Với phương án này, ta sử dụng lực lượng quân sự là chính nhằm đánh tiêu diệt lớn, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận, từng bước giành quyền làm chủ ở các đô thị và vùng xung quanh.
Để thực hiện mục tiêu thắng lợi nói trên, chúng ta lựa chọn hướng công kích và khởi nghĩa chủ yếu nhằm vào các thành thị mà trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Thành thị là sào huyệt đầu não, trung tâm chỉ huy, nơi dự trữ nhiều trang bị kỹ thuật, hạ tầng cơ sở của không quân, hải quân, phương tiện thông tin, giao thông vận tải của địch. Ở đây, ta sử dụng lực lượng quân sự tinh nhuệ (đặc công, biệt động), kết hợp mũi tiến công của lực lượng xung kích với những cuộc nổi dậy của quần chúng tại chỗ và vùng nông thôn kế cận, phối hợp quân sự và chính trị, thành thị và nông thôn. Thời gian tiến công được chọn đúng giữa đêm giao thừa Tết Nguyên Đán – thời điểm mà địch không ngờ tới. Đây thật quả là một quyết tâm chiến lược chính xác, sáng tạo, táo bạo.
Chỉ đạo kịp thời chính xác, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh tiến công và nổi dậy để giành thắng lợi quyết định.Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 - đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, quân dân miền Nam đồng loạt Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn. Bốn bộ Tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ Tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần bị đánh, trong đó có những trận gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ và có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, như: Trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập ngụy, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế,... Phối hợp với cuộc tiến công vào đô thị của các lực lượng vũ trang, nhân dân đồng bằng Nam Bộ đã nổi dậy, làm tan rã phần lớn bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành quyền làm chủ ở nhiều vùng, mở rộng và củng cố hậu phương của ta. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến lúc đó, chưa có cuộc ra quân nào có quy mô lớn và khí thế cao như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong khi lực lượng Mỹ - ngụy và chư hầu còn đông tới trên 1 triệu 20 vạn tên, nắm trong tay những phương tiện chiến tranh hiện đại khổng lồ, đứng chân trên những căn cứ được phòng thủ vững chắc, thì quân dân miền Nam đã tiến công vào tận hang ổ của chúng, giành được thắng lợi chưa từng có. Sức mạnh, thời gian, không gian, cường độ và mức phối hợp của cuộc tiến công làm cho sự bất ngờ càng tăng thêm, đó là kết quả của một quá trình tạo thế, tạo lực công phu, chu đáo, có tính toán và chuẩn bị về mọi mặt.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giành được thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Thắng lợi to lớn và quan trọng nhất là chúng ta đã tạo ra một sự thay đổi đột biến trong cục diện chiến tranh. Thế chiến lược của địch bị đảo lộn. Địch đã bị hãm vào thế đi xuống về chiến lược trên toàn bộ chiến trường, đặc biệt là mặt trận thành thị, phải chuyển sang chiến lược phòng ngự. Tiến công không được, phòng ngự không vững, đó là thế thất bại. So sánh lực lượng theo hướng chuyển biến tích cực có lợi cho ta. Phân tích kết quả đợt Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (từ 28 đến-31-8-1968) Đảng ta nhận định: “Với thắng lợi to lớn của 6 tháng mở đầu thời kỳ tổng công kích, tổng khởi nghĩa vừa qua, ta đã mở ra cục diện mới của chiến tranh, tạo ra thế chiến lược mới, lực lượng mới, khả năng mới, v.v. Ta đang ở thế thắng, thế mạnh và có đủ lực lượng để thực hiện quyết tâm đánh thắng Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”. Đây là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo, một sáng kiến lịch sử của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Nguyên nhân trực tiếp quyết định thắng lợi đó là bài học về sự chỉ đạo chiến lược tài giỏi, sáng tạo của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nắm chắc tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng đúng đắn quy luật của chiến tranh nhân dân, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, chọn đúng phương hướng tiến công, sử dụng đúng lực lượng, nhất là chọn đúng thời cơ cụ thể, làm tốt công tác động viên chính trị, lãnh đạo tư tưởng, quán triệt quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Phát huy mạnh mẽ ý chí và hành động tiến công hết sức mãnh liệt, kiên quyết, liên tục. Tinh thần đó, ngày nay còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
---------------------
[1] Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các đại hội và Hội nghị Trung ương 1930-2002.Nxb Lao động. tr.586. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (tháng 1 năm 1968),
Trần Nam Chuân