Bài học nắm bắt thời cơ: Từ Cách mạng tháng Tám đến hôm nay 

Cách đây, gần tám thập kỷ, chỉ trong vòng 15 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nhân dân ta đã đồng loạt đứng dậy tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước không có trên bản đồ thế giới, đúng ra chỉ là xứ An Nam, nằm trong xứ Đông Dương thuộc Pháp trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Một trong những bài học được rút ra từ thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám đó là việc nắm bắt thời cơ, đề ra được những quyết sách chính xác và kịp thời.

Sau này, các nhà sử học liên kết các sự kiện lại mới thấy rằng thời cơ thuận lợi, “khoảnh khắc vàng” này vỏn vẹn chỉ có hai tuần đó là khoảng thời gian sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh (ngày 15/8/1945) và trước khi quân Anh, quân Trung Hoa dân quốc kéo vào nước ta (cuối tháng 8, đầu tháng 9-1945). Thời cơ quốc tế thuận lợi cộng với tình hình trong nước cũng thuận lợi, các điều kiện khởi nghĩa chính muồi đã làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi.

Gần tám thập kỉ, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đặc biệt sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm; Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4%/năm từ mức "phi mã" 3 con số của giai đoạn đầu Đổi mới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 8 năm liên tiếp; thuộc nhóm20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Từ nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; năm 2023 xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia. An ninh năng lượng, việc làm, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát tốt; nợ công năm 2023 ở mức khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ và là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh. Tình hình chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho hợp tác phát triển.

Với những thành quả đã đạt được sau gần tám thập kỉ tạo dựng, bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập sâu nền kinh tế thế giới, đất nước ta thêm nhiều cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ: Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; xu hướng phân tách, phân mảnh và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; xung đột vũ trang, căng thẳng ở một số khu vực. Sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các yếu tố rủi ro gia tăng. Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với toàn thế giới; những yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... ngày càng phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia, trong đó, có Việt Nam chúng ta.

Đảng, Nhà nước ta nhận thức rằng những cơ hội và thách thức trên có mối quan hệ, tác động qua lại, có thể chuyển hoá lẫn nhau. Cơ hội không tự phát huy tác dụng mà tuỳ vào khả năng tận dụng của chúng ta. Tận dụng tốt cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để vượt qua thách thức, tạo cơ hội lớn hơn. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp, nhưng tác động của nó đến đâu còn phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng vượt qua của chúng ta. Nếu tích cực chuẩn bị, có biện pháp đối phó hiệu quả, vươn lên nhanh trước sức ép của thách thức thì không những chúng ta có thể vượt qua được thách thức, mà còn có thể biến thách thức thành động lực phát triển.

Cách đây 79 năm, một trong những yêu tố làm nên thắng lợi cách mạng tháng Tám đó chính là nhờ chúng ta nắm bắt thời cơ, đề ra được những quyết sách chính xác và kịp thời.

 Hôm nay và mãi mãi về sau bài học đó vẫn là hàng trang quý giá để chúng ta vận dụng, phát huy trong từng thời điểm thích hợp. Đó cũng chính là cội nguồn, để chúng ta có quyền tin rằng không thử thách nào sẽ kim hẳm thế nước, để Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. Trí Ánh                                                    

 

 

119 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1145
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1145
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87103633