Bãi bỏ các quy định cứng nhắc, “cầm tay chỉ việc” 

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều quy định cứng nhắc, máy móc mang tính chất “cầm tay chỉ việc” của Bộ GD&ĐT đang làm khó các cơ sở giáo dục.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành giáo dục trong năm học mới 2017-2018

Tới dự Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, sáng 21/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực, kết quả ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.

Ý thức đổi mới giáo dục toàn diện, sâu sắc hơn

Trong năm qua đã có rất nhiều tấm gương tốt của các thầy, các cô, với những hành động rất nhân văn đã nhận được sự đánh giá, trân trọng của báo chí, nhân dân.

Việc cả nước hoàn thành chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi là nỗ lực chung của toàn xã hội, là một dấu ấn quan trọng. Ngành giáo dục đã xây dựng được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bắt đầu biên soạn chương trình từng môn làm cơ sở biên soạn sách giáo khoa. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, nhẹ nhàng, ít áp lực và tạo điều kiện tối đa cho học sinh, kết hợp những thay đổi tích cực trong tuyển sinh ĐH.

Đến nay đã có 23 trường ĐH thực hiện tự chủ, cho thấy đây là xu hướng đúng, cần đẩy mạnh tự chủ toàn diện. Hoạt động công bố nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế của các trường ĐH, kể cả giáo dục nghề nghiệp đã có bước chuyển mình.

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục có tiến bộ thể hiện qua việc Bộ GD&ĐT ra nhiều văn bản chỉ đạo để bớt bệnh thành tích, bớt các hoạt động, kỳ thi không cần thiết; gỡ dần những bất cập của ngành giáo dục nhiều năm dồn lại…

“Theo dõi trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, tiếp xúc với nhân dân thì thấy rõ ràng ý thức về yêu cầu, mục tiêu, định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong toàn xã hội đã sâu sắc hơn”, Phó Thủ tướng nhận xét

Đổi mới quản lý trong trường đại học, phổ thông

Phó Thủ tướng nêu lên 5 bất cập của ngành giáo dục. Trước hết là vấn đề quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non “còn rất nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, cầm tay chỉ việc không còn phù hợp với thực tiễn”.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ từ ngay các ý kiến phát biểu tại hội nghị như ĐH tự chủ thì được khuyến khích cấp học bổng cho sinh viên nghèo nhưng vẫn vướng quy định phải dành 80% học bổng cho sinh viên giỏi; quy định xếp lương cho giáo viên mầm non theo chuẩn trung cấp trong khi ở nhiều nơi trình độ giáo viên đã là cao đẳng, đại học.

Còn không ít các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hoạt động, kỳ thi… mang bệnh thành tích, chưa thực sự vì học sinh.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT rà soát, mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, không phát huy được tính sáng tạo chủ động ở cấp dưới, không còn phù hợp với thực tiễn… Đặc biệt là những quy định có tính hình thức, các loại chuẩn, tiêu chuẩn cứng nhắc áp đặt từ trên xuống.

Đối với thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần làm một cách đúng nghĩa, tự chủ không chỉ ở giữa trường với bộ chủ quản mà xuống đến từng bộ môn, từng giáo viên. “Bộ GD&ĐT cần bãi bỏ những quy định cứng nhắc làm “bó tay, bó chân” những trường ĐH tốt, đồng thời phải đi đầu trong việc xoá bỏ chủ quản đối với các trường ĐH thuộc Bộ.

Trong trường phổ thông cần phải phát huy sáng tạo, dân chủ trong cơ sở giáo dục”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tinh thần đổi mới chậm “thấm” xuống giáo viên

Bất cập thứ hai là ngành giáo dục đã bước đầu làm chương trình, sách giáo khoa mới nhưng triển khai còn chậm ở nhiều khâu, đặc biệt là chậm “thấm” tinh thần đổi mới xuống dưới cơ sở, từ các Sở GD&ĐT, trường sư phạm đến đội ngũ giáo viên.

Trước ý kiến của một số địa phương về việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương chủ động thống kê, những việc làm cần thiết về cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên để có bước chuẩn bị tích cực nhất.

Về phía Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Đổi mới làm một lần và áp dụng cho nhiều năm nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta làm với tinh thần khẩn trương, nhưng chất lượng trên hết nên khi chưa yên tâm thì cần tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn. Tuy nhiên, tinh thần đổi mới phải lan toả ngay từ bây giờ, áp dụng ngay vào trong cách dạy, học hiện nay, để các thầy cô có thời gian tự xác định cũng phải đổi mới.

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Giải quyết căn bản thừa, thiếu giáo viên

Một hiện tượng đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm là câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là giáo viên mầm non, nhưng không có định hướng bồi dưỡng, đào tạo lại để chuyển đổi nên vẫn còn tình trạng “thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa”. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT mà còn là của các địa phương.

"Không có một ngành nào dự báo nhu cầu nhân lực rõ ràng như ngành giáo dục. Chúng ta có Phòng, Sở Giáo dục, nắm được số lượng dân cư, học sinh, dự báo được biên chế giáo viên cho từng môn, từng cấp học. Vậy tại sao vẫn để xảy ra chuyện thừa, thiếu giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có việc học sinh không muốn vào sư phạm?", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.

Điều này đòi hỏi sự đổi mới rất “gốc rễ” của Bộ GD&ĐT và các địa phương trong công tác quản lý giáo viên để nắm được chính xác nhu cầu giáo viên ở từng địa phương từ đó chỉ đạo để bảo đảm chất lượng giáo viên.

Phó Thủ tướng cho rằng: Chưa nói đến chế độ nhưng nếu sinh viên ra trường xin được việc, không thừa lao động thì ngành sư phạm cũng hấp dẫn hơn rất nhiều. Cùng với đó các địa phương có chương trình bồi dưỡng, chuyển đổi giáo viên giữa các cấp học, môn học ngay trên địa bàn cũng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

“Bộ GD&ĐT phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế đặt hàng các trường sư phạm không chỉ đào tạo mới mà bồi dưỡng, chuyển đổi cho giáo viên cũ. Trường cao đẳng sư phạm ở địa phương không đào tạo mới giáo viên mà chuyển sang bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên cũ, giáo viên dư thừa. Các địa phương phải báo cáo các cấp có thẩm quyền, có chương trình cụ thể để giải quyết bất cập này. Việc này chúng ta đã đặt ra rất nhiều năm nhưng thực hiện chưa nghiêm túc", Phó Thủ tướng gợi mở.

Mỗi việc làm thực sự vì học sinh

Điểm thứ ba được Phó Thủ tướng nêu lên là ngành giáo dục đã có sự thay đổi nhưng chưa chú ý nhiều đến việc dạy người một cách toàn diện.

“Mấy năm gần đây Bộ đã có nhiều văn bản rất cụ thể như sinh hoạt đầu giờ, tập thể dục giữa giờ đến vệ sinh trường lớp nhưng đi nhiều nơi vẫn thấy trường xây rất to nhưng mạng nhện giăng đầy, bạo lực học đường, những tiêu cực, tệ nạn trong học sinh”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng cần phải làm mạnh mẽ, thực chất việc giáo dục con người, nhất là ở cấp phổ thông, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.

“Đầu tiên là những luân thường, đạo lý cơ bản của người Việt như gặp người lớn thì khoanh tay chào, yêu bố mẹ, người thân, yêu làng xóm, rồi mới yêu đất nước, có ý thức công dân toàn cầu. Trẻ em cần được dạy những thứ rất thiết thực như “Năm điều Bác Hồ dạy”, rồi vệ sinh, trực nhật… Không được rèn luyện từ những việc nhỏ như dọn vệ sinh trong lớp, trong trường thì các cháu không những không biết làm gì mà còn không biết trân trọng người lao động.

Các bậc phụ huynh học sinh, nhất là cấp tiểu học, nên tăng cường chia sẻ với giáo viên, coi các thầy, cô cũng giống như cha mẹ trong rèn giũa các cháu, khi động viên, lúc nghiêm khắc. Sao cho giáo dục các cháu là người tốt, có trí tuệ phát triển, có lòng yêu nước thương nòi, có ý thức công dân toàn cầu...”, Phó Thủ tướng nói.

“Từng việc một chúng ta phải thực sự vì học sinh. Mấy năm trước lãnh đạo Bộ đã rất công phu thuyết phục đổi mới khai giảng cũng là vì chúng ta nhận ra trước đây lễ khai giảng không phải vì học sinh”.

Các trường ĐH chịu trách nhiệm trong tuyển sinh

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục rút kinh nghiệm, có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tập trung nâng cao chất lượng khâu ra đề.

Trên quan điểm kết quả kỳ thi THPT quốc gia cung cấp một dữ liệu cho các trường đại học, cao đẳng tham khảo để tuyển sinh, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT bàn bạc với các trường xem xét việc “có nên nhất thiết chia nhỏ các bài thi tổ hợp ra thành từng môn để phục vụ tuyển sinh ĐH, cao đẳng hay không. Vì như thế công tác ra đề, in đề, tổ chức thi rất phức tạp, thí sinh mệt mỏi”.

“Tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường ĐH, cao đẳng nên không thể năm nào các trường cũng kêu vì thí sinh ảo. Ở các nước phương tây, một sinh viên có thể nhận được thư mời nhập học, học bổng từ rất nhiều trường nhưng em đó cũng chỉ nhập học một trường. Tôi đề nghị các đồng chí phải tất cả vì học sinh”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành giáo dục bàn bạc, xem xét lại thời gian nghỉ hè của học sinh hiện nay để tính toán sao cho các em có được kỳ nghỉ hè đúng nghĩa và đưa ngày khai giảng về đúng ý nghĩa là ngày tựu trường.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý, ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa tới giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xã hội để xây dựng xã hội học tập.

Đình Nam

468 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 920
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 920
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87169525