Bài 6: Công tác điều trị COVID-19 đã vượt qua áp lực rất lớn 

(Chinhphu.vn) - Trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định trong đợt dịch lần thứ 4 ở nước ta, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, khiến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc kéo giảm số ca nặng và tử vong.

 

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh

Ông đánh giá thế nào về công tác điều trị trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, khi nhiều ý kiến cho rằng trong giai đoạn đầu còn bị động, lúng túng khi số ca nhiễm tăng nhanh?

Ông Lương Ngọc Khuê: Giai đoạn dịch đợt thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến nay, do biến thể Delta được phát hiện chủ yếu trong các ca dương tính COVID-19 xảy ra tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam, có số ca mắc và tử vong cao hơn, nhanh hơn so với 3 đợt dịch trước.

Biến chủng Delta còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 so với các biến chủng khác.

Từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nga, Ấn Độ… (ở Mỹ số ca mắc trung bình trong một tuần đầu tháng 8/2021 là hơn 107.100 ca/ngày, mức trung bình cao nhất trong gần 6 tháng trước đó) đến các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... hệ thống y tế đều bị quá tải do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Tại Việt Nam - quốc gia còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu nhân lực y tế (đặc biệt về truyền nhiễm, hồi sức tích cực), trình độ chuyên môn không đồng đều, quá tải công việc, hạn chế số giường hồi sức tích cực trong các bệnh viện tuyến quận, huyện, tỉnh, thành phố… nên càng gây nhiều khó khăn, thách thức trong công tác điều trị COVID-19.

Khoảng 10.000 nhân viên y tế trên khắp cả nước đã được điều động, chi viện cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
 

 

Trong bối cảnh đó, ngành y tế đã có làm gì để khắc phục rất nhiều khó khăn, nhất là sức ép rất lớn từ số ca bệnh nặng, tử vong cao?

Ông Lương Ngọc Khuê: Bộ Y tế đã hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thành lập các bệnh viện dã chiến; hướng dẫn công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân; tổ chức khám, sàng lọc, phân loại, thu dung bệnh nhân; triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, xử lý ổ dịch trong các cơ sở điều trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khám chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Khoảng 10.000 nhân viên y tế trên khắp cả nước đã được điều động, chi viện cho TPHCM và các tỉnh phía Nam cùng với nhiều trang thiết bị hồi sức cấp cứu, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu điều trị COVID-19;…

Các bệnh viện đầu ngành như BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội, BV Việt Đức, BV Phổi Trung ương… được giao thiết lập, điều hành các Trung tâm hồi sức tích cực tại TPHCM và một số tỉnh, để cấp cứu, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch, đồng thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện ở tầng 2 trong quản lý, điều trị và phát hiện sớm trường hợp diễn biến tăng nặng để chuyển tuyến kịp thời.

Trước thực tế hệ thống cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 bị quá tải, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà, danh mục thuốc, phác đồ điều trị…; phát huy và nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn và thành lập các trạm y tế lưu động, tổ cộng đồng để triển khai quản lý, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà...

Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa giữa các cơ sở thu dung, quản lý điều trị COVID-19 tại 3 tầng; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác điều trị; cập nhật, triển khai, áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc và điều trị; thực hiện công tác đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2;…

Hướng dẫn bệnh nhân tập thở và phục hồi chức năng.

 

Cả nước đang từng chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vậy hệ thống điều trị sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng ra sao?

Ông Lương Ngọc Khuê: Sự thay đổi chiến lược, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng thời điểm, kịp thời, dựa trên thực tiễn, các bằng chứng, khuyến cáo, xu hướng quốc tế.

Các địa phương đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tỷ lệ bao phủ vaccine ở nhóm người trên 18 tuổi tăng nhanh (trong đó đã có trên 50% người được tiêm mũi 1, trên 30% đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19). Chúng ta cũng từng bước chủ động được nguồn vaccine, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị, một số trang thiết bị y tế quan trọng… Ý thức phòng, chống dịch của người dân được nâng lên một mức.

Đây là những điều kiện căn bản để chúng ta chấp nhận tình huống trong cộng đồng có dịch và luôn sẵn sàng triển khai phòng, chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm đáp ứng công tác khám, chữa bệnh thường quy và điều trị COVID-19.

Trong đó có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4, đồng thời bảo đảm trang bị đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tương ứng với số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Củng cố hạ tầng kỹ thuật về oxy y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Triển khai đào tạo, tập huấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu; chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho bác sĩ và điều dưỡng.

Tăng cường chất lượng công tác khám, chữa bệnh trong điều kiện dịch bệnh như: Thực hiện kê đơn cấp thuốc điều trị ngoại trú cho tối đa là 3 tháng đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định; đa dạng các loại hình khám bệnh, chữa bệnh như khám, chữa bệnh từ xa…

Xin cám ơn ông!

Thuý Hà (thực hiện)

227 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 720
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 720
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77140884