Bài 5. Chính phủ đã hành động quyết đoán, hiệu quả, ‘dĩ bất biến ứng vạn biến’ 

(Chinhphu.vn) - Quyết sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa kinh tế đã nhanh chóng khơi thông luồng thương mại, sản xuất, kinh doanh, luồng vốn đầu tư (nhất là FDI), tạo cú hích giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét, nhất là ở những địa phương, lĩnh vực chịu tác động nặng nề từ việc thực hiện giãn cách xã hội.
‘Cú huých’ giúp khơi thông, phục hồi nhanh nền kinh tế - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Quyết sách “sống chung” an toàn, mở cửa kinh tế là nhân tố quan trọng đã nhanh chóng khơi thông luồng thương mại, sản xuất – kinh doanh, luồng vốn, đầu tư (nhất là FDI) - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Mở cửa đúng thời điểm, có lộ trình là quyết sách mạnh bạo nhất và hiệu quả của Chính phủ, với quan điểm coi ổn định vĩ mô là yếu tố "bất biến" trong hoàn cảnh "vạn biến" khi các áp lực trong nước, quốc tế nhiều và phức tạp hơn.

Đây là nhận định của TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về một năm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ cùng với những gói kích thích tăng trưởng năm 2020-2021 và một số biện pháp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là nhận định của TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về một năm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, cùng với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ấn tượng đầu tiên đối với TS. Lê Xuân Sang là Chính phủ đã quyết đoán và mạnh dạn mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều bất định cả về dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cũng như các tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội vẫn hiện hữu. Ngoài ra, tại thời điểm đó, trên thế giới, vẫn còn không ít quốc gia theo đuổi chính sách "Zero COVID-19"…

Đến nay, nền kinh tế nước ta đã nhanh chóng phục hồi trên nhiều phương diện, đặc biệt vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước. Nếu như quý III/2021, GDP tăng trưởng âm 6,17% thì quý IV/2021 đã bắt đầu tăng trưởng dương trở lại và rõ nét nhất là GDP quý III/2022 của Việt Nam tăng 13,67%, cao nhất trong vòng 12 năm qua. Ngoài ra, TPHCM, các tỉnh ĐBSCL và khu vực du lịch, thương mại dịch vụ, từng chịu tác động nặng nề của COVID-19, đều có mức hồi phục rõ rệt.

Những biện pháp mở cửa kịp thời nhưng vẫn kiểm soát được dịch COVID-19 không bùng phát đã giúp cho nguồn nhân lực không bị suy giảm quá mạnh để thị trường lao động, cung cầu lao động phục hồi nhanh chóng.

Điều đáng lưu ý khác là cùng với việc phục hồi tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực thương mại quốc tế, FDI, dự trữ ngoại hối… vẫn được duy trì ổn định, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát. Đặc biệt, lạm phát, lãi suất trong nước vẫn tương đối ổn định dưới tác động của giá cả tăng toàn cầu cũng như việc nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và tình hình xung đột tại Ukraine.

"Thật phấn khởi khi Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới, được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng mức xếp hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay, tăng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định", TS. Lê Xuân Sang bày tỏ.

Bài 5. Chính phủ đã hành động quyết đoán, hiệu quả, ‘dĩ bất biến ứng vạn biến’ - Ảnh 2.

TS. Lê Xuân Sang: Mở cửa nền kinh tế đúng thời điểm, có lộ trình là quyết sách mạnh bạo nhất, có ý nghĩa quan trọng cho phục hồi, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế

Nhiều quyết sách linh hoạt, lần đầu áp dụng ở Việt Nam

Theo TS. Lê Xuân Sang, nguyên nhân của những kết quả khả quan trên đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Đầu tiên phải kể đến việc Chính phủ kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới mạnh dạn mở cửa nền kinh tế, phục hồi nhanh và thúc đẩy tăng trưởng. Các chính sách kiểm soát tác động tiêu cực từ bên ngoài, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô nhìn chung được thiết kế và thực hiện tương đối hiệu quả.

"Mở cửa nền kinh tế đúng thời điểm, có lộ trình là quyết sách mạnh bạo nhất, có ý nghĩa quan trọng cho phục hồi, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế", TS. Lê Xuân Sang phân tích.

Cùng với đó, các yếu tố như Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất; tác động đồng thời của 3 FTA lớn là EVFTA, CPTPP, RCEP.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế khá toàn diện, với gói kích thích tài chính-tiền tệ có dung lượng lớn chưa từng có ở Việt Nam, với không ít thay đổi về thể chế, thông lệ lần đầu áp dụng ở Việt Nam.

Chẳng hạn, trong đầu tư công, chúng ta đã đưa ra những quyết định tương đối thông thoáng, chưa có tiền lệ, như: Phân cấp, trao quyền nhiều hơn trong thực thi các dự án đầu tư công; chuyển một số dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công, cho phép linh hoạt hơn trong việc sử dụng xác định nguồn nguyên vật liệu sản xuất sẵn có của từng địa phương…

Tuy nhiên, việc giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng; một số điểm nghẽn về thể chế xây dựng, đầu tư, đất đai, bất động sản vẫn còn hiện hữu; tâm lý "e sợ làm sai" của một số cán bộ có liên quan khiến hiệu quả và hiệu lực thực hiện các dự án đầu tư công, các giải pháp phục hồi kinh tế chưa thực sự được như kỳ vọng.

Dẫu vậy, với những kết quả đạt được và nền tảng đang có, TS. Lê Xuân Sang nhận định triển vọng kinh tế năm nay rất sáng và sẽ có sự tăng tốc, dự báo GDP tăng trưởng đạt khoảng 7,7-8%.

Tuy nhiên, năm 2023, mức tăng trưởng có thể sẽ chậm hơn do những bất định tương đối lớn cùng những yếu tố bất lợi, tiêu cực hơn bên ngoài sẽ tác động mạnh hơn, nhất là lãi suất tăng, tác động mạnh hơn từ chiến sự tại Ukraine...

Mức tăng trưởng năm 2023 sẽ phụ thuộc vào cách thức, kết quả điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là việc thể chế hóa các gói phục hồi và phát triển kinh tế, kết quả cải cách thể chế, môi trường kinh doanh liên quan đến thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu của thị trường ngân hàng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tiếp cận vốn…

 

Ổn định vĩ mô là yếu tố bảo đảm "bất biến" trong hoàn cảnh "vạn biến"

Theo ông Lê Xuân Sang, từ những kết quả mở cửa và phục hồi, phát triển kinh tế kể trên trên, với bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, rủi ro, trong thời gian tới chúng ta cần lưu ý đến một số nhóm giải pháp.

Trước hết là về y tế, phải kiên định xây dựng và có chiến lược củng cố nền y tế dự phòng một cách bài bản, bền vững, dài hạn, kể cả khi hết dịch COVID-19. Đây là nền tảng quan trọng nhất giúp tạo ổn định để tránh sa vào khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế.

Kinh nghiệm phát triển vaccine phòng dịch SARS trước đây và COVID-19 hiện nay ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam cho thấy việc đầu tư đủ sâu, bài bản và dài hạn cho công nghệ vaccine là nhân tố quan trọng trong phát triển vaccine phòng dịch và thuốc chữa bệnh của một quốc gia. Các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế trong gói phục hồi và phát triển, cũng như chi đầu tư y tế trong các năm tiếp theo cần được triển khai hiệu quả hơn nữa cho ưu tiên này.  

Hai là, tiếp tục giải ngân đầu tư công hiệu quả, xây dựng được cơ chế đủ linh hoạt để hỗ trợ giải ngân nhưng không tạo rủi ro mới, nhất là có cơ chế để thúc đẩy đầu tư trong điều kiện giá thành xây dựng có xu hướng tăng.

Đồng thời sớm tháo gỡ những nút thắt trong những quy định pháp lý liên quan đến đất đai, bất động sản, xây dựng, hoàn thiện thể chế giúp khơi thông được nguồn vốn cho nền kinh tế, nhất là từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; phát triển có hiệu quả, an toàn và lành mạnh các thị trường tài chính và bất động sản.

Trong đó, cần tránh để thị trường bất động sản rơi vào tình trạng "nóng, lạnh" bất thường, giúp những phân khúc thị trường bất động sản quá "nóng" dần "hạ cánh mềm", tránh và giảm nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng hay là gây vỡ nỡ trái phiếu một số doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, cần tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực bất động sản, đẩy nhanh tiến trình quản lý theo hướng số hóa thông tin về thị trường bất động sản.

Cùng với đó, cần nghiên cứu giải pháp, chính sách phục hồi đồng đều lực lượng lao động ở các lĩnh vực khác nhau. Đây là lĩnh vực phục hồi chậm nhất trong thời gian qua, có thể do tác động của "hội chứng hậu COVID-19" và các nguyên nhân kinh tế - xã hội khác. Trong đó, cần hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức (theo chuẩn mực cũ và mới), nhất là lực lượng lao động trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế "tạm thời".

Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến hỗ trợ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp cần được xây dựng, triển khai mạnh mẽ hơn để giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, tăng sức cạnh tranh, chống chịu trong bối cảnh nhiều bất định.

Theo TS. Lê Xuân Sang đồng tình với quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Ổn định vĩ mô là yếu tố bảo đảm "bất biến" trong hoàn cảnh "vạn biến" khi các áp lực trong nước, quốc tế nhiều và phức tạp hơn.

Hoàng Giang

167 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1232
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1232
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87103543