Bài 5: Những chỉ đạo chiến lược tại thời điểm vô cùng khó khăn 

(Chinhphu.vn) - Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam cho rằng, tại thời điểm vô cùng khó khăn của đợt dịch thứ 4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo chiến lược về xét nghiệm, điều trị, giãn cách, an sinh xã hội, ổn định tâm lý người dân.

 

Thượng tướng Võ Minh Lương cho biết  trong đợt phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã được huy động để thực hiện những nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ. 

Khi nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, Thượng tướng đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh ở TPHCM và các tỉnh phía Nam?

Thượng tướng Võ Minh Lương: Trong giai đoạn cao điểm, hạ tầng y tế của TPHCM không đáp ứng được diễn biến dịch bệnh: Thiếu rất nhiều nhân lực, máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, thậm chí chưa có thuốc điều trị.

Đối với việc xét nghiệm, do thời gian đầu không đủ nguồn sinh phẩm nhanh kháng nguyên nên cơ bản dùng phương pháp xét nghiệp Realtime RT-PCR. Tuy nhiên, phương pháp này trả kết quả rất chậm, làm ảnh hưởng đến việc kiểm soát tốc độ lây nhiễm của dịch.

Dịch đã bùng phát, ăn sâu vào ngóc ngách, ngõ hẻm dân cư, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu đông người, nhà trọ... Hệ thống y tế quá tải, tỷ lệ tử vong cao ở cả 3 tầng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược "lấy xã, phường làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ” trên nền tảng 3 trụ cột chính.

Lực lượng, trang bị y tế được chi viện cho TPHCM, các tỉnh phía Nam với số lượng vô cùng lớn. Chúng ta đã mở các chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, công tác an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo tốt hơn, không để người dân bị thiếu ăn, đứt bữa và điều trị hiệu quả 3 tầng, đặc biệt F0 tại nhà và cùng với việc ngày càng phủ kín vaccine.

Đến nay, tình hình dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam dần được kiểm soát, số ca tử vong và ca mắc mới giảm rõ rệt, đặc biệt tử vong dưới 2 con số.

Tính trung bình, một đợt bùng phát dịch như ở TPHCM, các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền y tế tiên tiến, phải tập trung nguồn lực trong thời gian từ 6-9 tháng mới dập xong 1 đợt dịch. Nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, chúng ta đã từng bước làm chủ được tình hình. Đến giờ phút này, TPHCM đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và đã từng bước khôi phục lại hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

  Thượng tướng Võ Minh Lương kiểm tra Bệnh viện Dã chiến tỉnh Tiền Giang.

 

Trong đợt phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã được huy động để thực hiện những nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ. Xin Thượng tướng chia sẻ thêm về vinh dự, tự hào của lực lượng quân đội trước sự tin tưởng, giao phó của Đảng, Nhà nước và nhân dân?

Thượng tướng Võ Minh Lương: Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng cường các lực lượng, trong đó có quân đội là đông nhất, chi viện cho TPHCM, các tỉnh phía Nam chống dịch là hết sức đúng đắn, sáng suốt và kịp thời.

Cùng một lúc, các đơn vị quân đội chi viện chống dịch phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ: Cùng với hệ thống chính trị đảm bảo an sinh cho hơn 10 triệu người; tổ chức các chốt chặn, tuần tra; vận chuyển hàng hóa; đi chợ hộ; tổ chức tuyên truyền; tổ chức các tổ tiêm vaccine, xét nghiệm COVID-19; tổ chức các tổ quân y cơ động của các xã, phường điều trị, tư vấn F0 tại nhà… Đặc biệt nhất phải kể đến nhiệm vụ xử lý tử thi, tro cốt của bệnh nhân tử vong do COVID-19. Đây là một việc làm khó khăn và chưa từng có tiền lệ đối với quân đội.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của người lính, toàn lực lượng đã quyết tâm, từng bước vượt qua những khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh. Đến nay cơ bản các đơn vị đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Quốc phòng đã quyết định rút dần các đơn vị quân đội sau gần 3 tháng chi viện, hỗ trợ phòng, chống dịch ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Thời gian tới công tác hỗ trợ phòng, chống dịch của các đơn vị quân đôi sẽ được điều chỉnh như thế nào, thưa Thượng tướng?

Thượng tướng Võ Minh Lương: Đến nay, tình hình dịch bệnh ở TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương… đã từng bước được kiểm soát. Do đó, Bộ Quốc phòng thống nhất với các địa phương, đặc biệt TPHCM, để điều chỉnh phù hợp theo các mốc thời gian.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến 15/10 cho rút quân toàn bộ các lực lượng bộ binh. Giai đoạn 2 từ ngày 15/10 đến 31/10 cho rút dần lực lượng y, bác sĩ là học viên ở phía Bắc ở các bệnh viện dã chiến để các sinh viên trở về, tiếp tục học tập. Giai đoạn 3 từ ngày 31/10 đến hết tháng 11, tùy theo tình hình dịch bệnh để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Riêng các bệnh viện dã chiến của quân đội, khi nào hết F0 sẽ xin giải thể. Chúng tôi sẵn sàng lực lượng để tăng cường cho Quân khu 5, Quân khu 9 khi cần thiết.

Thượng tướng Võ Minh Lương thăm khu cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại Tiền Giang.

 

Theo Thượng tướng, những bài học rút ra trong thời gian phòng, chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam là gì?

Thượng tướng Võ Minh Lương: Theo tôi, có 7 bài học kinh nghiệm sau 3 tháng phòng, chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Thứ nhất, áp dụng cơ chế khu vực phòng thủ, chỉ huy thống nhất trong phòng, chống dịch.

Thứ hai, chúng ta cần sớm có dự báo, đánh giá tình hình dịch, đặc biệt với các biến chủng mới.

Thứ ba là sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Đặc biệt, cấp ủy, người chủ trì phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẽ sớm kiểm soát được dịch.

Thứ tư là phát huy được hiệu quả "4 tại chỗ", đặc biệt sức mạnh, sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân là không thể thiếu.

Thứ năm là sự đồng thuận và ý thức chấp hành phòng, chống dịch của nhân dân.

Thứ sáu là chuẩn bị kỹ, đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế... khi thực hiện giãn cách xã hội diện rộng.

Thứ bảy là có hệ thống y tế đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc điều trị...

Chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, TPHCM và các tỉnh phía Nam cần có những biện pháp ứng phó trước mắt và lâu dài bền vững như thế nào để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, thưa Thượng tướng?

Thượng tướng Võ Minh Lương: Trước mắt, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ không có "Zero COVID", lúc nào có thể xuất hiện ca nhiễm và dịch có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Vì vậy, mỗi người dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác là điều rất cần thiết; phải chấp hành nghiêm túc nguyên tắc 5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân để phòng, chống dịch tốt hơn. Khi đã tiêm đủ 1 hoặc 2 mũi vaccine nhưng nếu phòng, chống dịch không tốt, vẫn bị nhiễm và lây lan cho người khác.

Các địa phương phải xây dựng kế hoạch xét nghiệm để phát hiện sớm ca nhiễm theo quy định của Bộ Y tế, tiếp tục thực hiện cách ly và điều trị. Những nơi có nguy cơ cao và rất cao cần tiếp tục phong tỏa, ngăn chặn kịp thời.

Hệ thống y tế phải được củng cố, xây dựng đủ năng lực, bổ sung đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị, máy móc, thuốc, oxy, đủ sức đáp ứng theo từng cấp độ dịch; có kế hoạch bảo vệ người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Có như vậy việc từng bước mở lại sản xuất kinh doanh có thể thực hiện theo lộ trình thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Về lâu dài chúng ta cần xây dựng các chiến lược y tế quốc gia, trong đó, y tế dự phòng đủ mạnh; có cơ chế huy động y tế tư nhân; chủ động sản xuất các trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine không để bị động với đại dịch.

Xin cám ơn Thượng tướng!

Đình Nam (thực hiện)

182 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 681
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 681
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87201793