Kiên quyết chống tiêu cực trong công tác cán bộ

Phát biểu chỉ đạo về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nêu câu hỏi: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?...”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.

Nhiều câu hỏi của người đứng đầu Đảng ta về những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ đang
được ngành Tổ chức Xây dựng Đảng và các cơ quan chức năng tích cực tìm giải pháp. (Ảnh: Hiền Hòa)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu, những người làm công tác tổ chức cán bộ cần nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám hy sinh vì lợi ích chung, có đạo đức cách mạng trong sáng, gương mẫu; tinh thông nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, nói đi đôi với làm. Đặc biệt là phải hết sức công tâm, khách quan, tận tụy với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào. “Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành trong thời điểm này được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Song, để Quy định đi vào thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, cần kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ; cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Xây dựng Đảng, Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo đồng chí Trương Thị Bạch Yến, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị khu vực 3, bản chất của xã hội chủ nghĩa là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”; cán bộ các cấp là công bộc của nhân dân, thực hiện quyền lực do nhân dân ủy thác. Tư tưởng “công bộc” của dân cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm. Thế nhưng, trong thực tế, khi quyền lực nhà nước được trao cho con người cụ thể thì quyền lực ấy có khi lại bị vận động theo xu hướng chủ quan của người sử dụng, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu. C.Mác gọi đó là sự tha hóa của quyền lực. Tha hóa quyền lực biến quyền lực nhân dân thành quyền lực của cá nhân hay của các nhóm quyền lực, làm méo mó mục đích tự thân của quyền lực nhà nước là phục vụ nhân dân.

Do đó, theo đồng chí Trương Thị Bạch Yến, cần kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ để chống lại những “tư duy nhiệm kỳ”, hay “hoàng hôn nhiệm kỳ” trước Đại hội Đảng các cấp. Vấn đề này đã được nêu rất rõ trong Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, để Quy định thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta phải nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu. Trong lựa chọn cán bộ phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, nếu người đứng đầu không thực sự vì sự phát triển của tổ chức đảng sẽ dẫn tới chọn sai, bắt đầu từ khâu đánh giá cán bộ. Vì công tác cán bộ có 5 khâu gồm: Đánh giá; quy hoạch; đào tạo bồi dưỡng; xếp sắp bố trí; thực hiện hệ thống các chính sách cán bộ. Nếu làm đúng quy trình này, bước đầu tiên bao giờ cũng là đánh giá cán bộ, đánh giá đúng mới quy hoạch tốt, quy hoạch xong phải đào tạo tốt, từ đó mới sắp xếp bố trí và có chính sách hợp lý.

Muốn thực thi Quy định 205 có hiệu quả trước thềm diễn ra Đại hội đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức Đảng, các cấp ủy và trách nhiệm của người làm công tác cán bộ, công tác tổ chức và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên cộng với sự giám sát của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, chúng ta mới có thể thực hiện được.


Đồng chí Trương Thị Bạch Yến trao đổi với phóng viên. 

Kiên quyết không để người khác “chạy” mình

Nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác “chạy” mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của công chức.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn, nhức nhối nhất vẫn là vấn đề “chạy chức, chạy quyền” và tất cả các loại “chạy”. Số lượng cơ học về “chạy” ngày càng tăng lên. Câu hỏi đặt ra là ai chạy và chạy đâu?

Theo đồng chí Trần Đơn, vấn đề quan trọng là người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, cộng với biện pháp, chế tài đầy đủ. Người đứng đầu không để người khác “chạy” mình. Thứ hai là cơ quan quản lý cán bộ. Đó là hai nơi chúng ta có thể ngăn chặn được để giảm thiểu tình trạng nêu trên” - đồng chí Trần Đơn nêu quan điểm; đồng thời khẳng định, đây chính là mấu chốt dẫn đến quy chế, quy trình công tác cán bộ đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai.

Cùng quan điểm trên, đồng chí Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5 cho rằng, cần kiểm soát quyền lực trong bố trí, sắp xếp cán bộ, vì đây chính là điểm nghẽn, phải đột phá. Nếu chúng ta chống được mấy loại “chạy”, loại bỏ sự ban phát quyền lực, “cánh hẩu”, thì sẽ thành công. Người chịu trách nhiệm thực hiện công tác cán bộ đặc biệt là phải hết sức công tâm, trong sáng, khách quan, tận tụy với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào; phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Quy định lần này nêu rất rõ nhận diện những hành vi “chạy chức, chạy quyền”, những hành vi tiếp tay, bao che; những điều cấm và cả những khung xử phạt.

Nâng cao vai trò giám sát của Nhân dân

Theo ý kiến các chuyên gia, phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều: kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp với kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát của bên trên đối với bên dưới kết hợp với kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, trong mọi tổ chức của xã hội; kiểm soát của tổ chức kết hợp với thúc đẩy tự kiểm soát của cá nhân cán bộ; kiểm soát của cơ quan chuyên trách việc kiểm soát quyền lực kết hợp với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí, dư luận xã hội.

Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề công tác cán bộ đã được đề cập từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn còn có nhiều hạn chế? Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “khâu tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay và nên ghi trong bài học kinh nghiệm”, vì Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề còn nguyên giá trị, nhưng mới chỉ thực hiện được một số kết quả.

Đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, sau 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đã tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung vào khắc phục những hạn chế, sơ hở để công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ ngày càng căn cơ hơn, nền nếp hơn, bài bản và hiệu quả hơn; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ. Điển hình như: Nghị quyết số 11-NQ/TW năm 2002 của Bộ Chính trị khóa IX về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 42-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quyết định số 67 và 68-QĐ/TW năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về phân cấp quản lý, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quy định số 89 và 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Kết luận số 55-KL/TW ngày 15/8/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền ...

Đổi mới công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tổ chức cán bộ nói riêng
đã được Ban Chấp hành Trung ương bàn thảo tại nhiều hội nghị. (Ảnh: Hiền Hòa)

Ngành đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, quy định về luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý...; Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó phân định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong việc đề xuất, tham mưu, thẩm định và quyết định trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; Vấn đề tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; Sửa đổi, bổ sung Quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, chú trọng đầy đủ hơn đến vấn đề chính trị hiện nay...

Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã có sự đổi mới theo hướng hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm và gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược...; đã chủ động thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; phân cấp thi nâng ngạch chuyên viên chính, xét thăng hạng viên chức...

Trong nhiệm vụ tham mưu công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Ngành đã tham mưu cấp ủy quán triệt và triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kịp thời ban hành Hướng dẫn một số vấn đề về công tác nhân sự tại đại hội đảng bộ các cấp; Thực hiện tốt nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tập trung hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp.

Bên cạnh đó, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã và đang tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch cấp ủy; tham mưu cấp ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ; Thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; Kết hợp hài hòa giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ.

Với tinh thần đổi mới, thực hiện nghiêm các quy định, quyết định, nhưng theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính: “Cái gì đã rõ, đã chín, đã được thực tế kiểm nghiệm đúng thì cứ thế mà làm; cái gì chưa có trong quy định, hoặc quy định vượt quá thực tiễn, chúng ta có thể mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”.

Trong những năm qua, bên cạnh việc phải xây dựng và hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đảm bảo mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, Đảng cũng đặt ra chủ trương xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Việc hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; xử lý nghiêm sai phạm, không có “vùng cấm” như thời gian vừa qua cho thấy quyết tâm “nói đi đôi với làm” của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm cùng với việc ban hành Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu trên đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Loại bỏ được những tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác cán bộ thì mới thực sự tạo được những cơ hội công bằng, lành mạnh cho các cán bộ có năng lực thực sự có cơ hội thăng tiến, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp trong những nhiệm kỳ tiếp theo./.

Nhóm PV