Qua tổng kết, sau đây là những bước quan trọng để thực hiện khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo thành công.
Trước hết, cần xây dựng đề án kinh doanh khả thi, mà trước hết là nuôi dưỡng đam mê, khát vọng làm giàu.
Trong thời đại ngày nay hội tụ đầy đủ các điều kiện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ có thể và có điều kiện nuôi dưỡng khát vọng làm giàu thông qua khởi nghiệp. Đó là toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trở thành xu thế phổ biến và diễn ra ngày càng sâu sắc; sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; vai trò, vị trí của doanh nghiệp doanh nhân được khẳng định và đề cao trong xã hội…
Thứ hai, trang bị cho bản thân phẩm chất, kỹ năng, kiến thức của doanh nhân
Từ điển Collin định nghĩa: “Doanh nhân là người chủ hoặc người quản lý doanh nghiệp sử dụng sự mạo hiểm và sáng kiến để tạo ra lợi nhuận”. Khái niệm này nêu lên hai đặc điểm/phẩm chất cơ bản của doanh nhân và đòi hỏi muốn trở thành doanh nhân thì người khởi sự kinh doanh phải chấp nhận mạo hiểm và có sáng kiến. Mạo hiểm ở đây được hiểu là mạo hiểm về tài chính, bạn có thể mất tiền, tài sản một phần hoặc tất cả nếu kinh doanh không thành công. Mạo hiểm còn ở nghĩa bạn phải dám chấp nhận thất bại, vượt qua chính mình.
Còn sáng kiến chính là các ý tưởng kinh doanh, cách vận hành doanh nghiệp để tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ, cách thức bán hàng nhằm tạo lợi nhuận tối đa. Từ khát vọng làm giàu cho đến việc quyết định khởi nghiệp chính là thể hiện bản lĩnh của doanh nhân vì bạn sẽ gặp rất nhiều cản trở trước quyết định đó.
Nếu bạn đã có khát vọng, ước mơ làm giàu, thì đừng quá lo lắng đến các trở ngại trên con đường kinh doanh, chẳng hạn sự lo lắng về thất bại, về thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, sự cản trở của gia đình, người thân, về việc liệu kinh doanh có quá muộn không (Ray Krok gây dựng Mc Donald’s khi đã 60 tuổi), mà quan trọng là phải kiên trì nuôi dưỡng ước mơ đó, tìm cảm hứng cho ước mơ của bạn từ các cuốn sách, các tấm gương doanh nhân trên thế giới. Bạn cần biết rõ điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản của bản thân và tìm các biện pháp khả thi để khắc phục các hạn chế của mình.
Do kinh doanh là một nghề, hơn nữa là một nghề khó, vì vậy nếu người khởi nghiệp chưa từng kinh doanh hoặc tham gia vào các công đoạn kinh doanh của doanh nghiệp thì phải được trang bị các kỹ năng, kiến thức về kinh doanh, quản lý, vận hành một doanh nghiệp hoặc một hoạt động kinh doanh cụ thể.
Trước khi kinh doanh độc lập, trước hết bạn nên trở thành nhân viên của một doanh nghiệp để làm quen với môi trường kinh doanh, học hỏi cách thức vận hành, quản lý, cơ cấu tổ chức của một doanh nghiệp. Đồng thời cần tham gia các khóa đào tạo về quản lý, quản trị doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh chuyên đề. Nếu bạn chưa học qua các trường lớp về kinh tế, kinh doanh thì cần tham gia các khóa đào tạo dài hoặc ngắn hạn về những vấn đề chung của kinh doanh.
Nếu bạn khởi nghiệp theo mô hình kinh doanh mới thì nhất thiết bạn phải có kiến thức về công nghệ chuyên ngành, nhất là công nghệ thông tin, ngoại ngữ. Việc tự nghiên cứu, học tập kinh nghiệm kinh doanh từ những thành công và thất bại của các doanh nhân dưới các hình thức thích hợp (như học tập online, tham gia các câu lạc bộ kinh doanh, khởi nghiệp, tham gia các hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm…) cũng rất quan trọng.
Thứ ba, có ý tưởng kinh doanh sáng tạo và lựa chọn được ý tưởng kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường
Ý tưởng kinh doanh hay, độc đáo, sáng tạo là khởi đầu của kinh doanh thành công, vì vậy người khởi sự kinh doanh cần dành thời gian xứng đáng cho việc suy nghĩ về các ý tưởng kinh doanh và lựa chọn ý tưởng kinh doanh.
Để có ý tưởng kinh doanh hay cũng không phải là vấn đề quá khó. Caspian Woods đã gợi ý 11 cách để nghĩ ra ý tưởng kinh doanh hay, cụ thể một số các gợi ý như sau10:
- Ý tưởng đó không nhất thiết phải là của bạn. Nếu bạn không phải là người có khả năng nghĩ ra các ý tưởng hay, nhưng lại có năng lực của người bán hàng bẩm sinh, bạn có thể kết hợp với những người nghiên cứu có ý tưởng xuất sắc.
- Tư duy theo hướng khác: Hãy mở rộng mạng lưới của mình khi tìm kiếm các ý tưởng, chẳng hạn tìm kiếm ý tưởng ở nước ngoài hoặc “nhập khẩu” ý tưởng thành công ở nước khác. Công ty sửa chữa ô tô Kwik-Fit của Tom Farmer thành lập sau khi ông đi nghỉ ở Mỹ. Năm 1999, ông bán lại công ty cho tập đoàn Ford.
- Tìm kiếm sự thay đổi: Sự thay đổi có thể là một luật mới ra đời, thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, có một ngành kinh doanh hoặc công nghệ mới. Ducan Bannantyne đã kiếm được 30 triệu bảng Anh đầu tiên khi cựu Thủ tướng Anh Magaret Thatcher ban hành quyết định thuê các doanh nghiệp tư nhân chăm sóc người già. Ông đã bán hết mọi thứ cộng với ba thẻ tín dụng để mua nhà dưỡng lão đầu tiên để kinh doanh.
- Chú ý lắng nghe khách hàng: Đôi khi chỉ một lời nói, lời khuyên hay thậm chí phàn nàn của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ, có thể giúp bạn tìm được ý tưởng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao.
Hãy là người dẫn đầu trong cuộc chơi: Nếu bạn định dấn thân vào một ngành kinh doanh phổ biến, hãy bảo đảm rằng trong thời gian tới bạn sẽ trở thành người đứng đầu trong ngành kinh doanh đó.
- Bắt đầu với những gì bạn biết: Rất ít người bắt đầu kinh doanh với một ý tưởng mới, trước đó không ai nghĩ ra và rất ít người muốn ở trong một ngành mà mình không biết gì. Dù tiếp cận thị trường với long nhiệt tình và tầm nhìn mới mẻ là điều tốt, nhưng bạn cũng cần trao đổi ý tưởng của mình với những người gạo cội trong ngành đó.
- Cạnh tranh có thể là điều tốt: Sai lầm thường thấy là cố gắng tìm kiếm ngành kinh doanh ít cạnh tranh. Nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn bước chân vào một ngành kinh doanh cạnh tranh gay gắt và cố gắng làm một điều gì đó thật sự sáng tạo.
Ý tưởng kinh doanh dù có hay, độc đáo đến mấy nhưng khi triển khai trên thực tế sẽ “chết yểu” nếu không phù hợp với nhu cầu thị trường và thiếu tầm nhìn dài hạn. Chẳng hạn nếu bạn không xác định được nhu cầu thị trường trong dài hạn, bạn sẽ kinh doanh vào những ngành tại thời điểm khởi nghiệp thị trường có nhu cầu cao, nhưng sẽ “hết thời” trong thời gian ngắn, lúc đó tình hình kinh doanh sẽ khó khăn, lợi nhuận thấp, thậm chí phá sản. Vì vậy lựa chọn ý tưởng kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường kể cả trong ngắn hạn và dài hạn là điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp thành công.
Biến ý tưởng thành đề án, kế hoạch kinh doanh khả thi
Đề án, kế hoạch kinh doanh khả thi cần bảo đảm các yếu tố cơ bản sau đây:
Một là, đề án phải mang tính đổi mới sáng tạo. Ví dụ, muốn khởi nghiệp trong ngành nào đó thì phải xem trong đề án kinh doanh của mình có cái gì khác với các công ty cùng ngành đã làm, đang làm. Hoặc mô hình kinh doanh mình lựa chọn là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới theo sự phát triển của khoa học, công nghệ. Yếu tố sáng tạo và khác biệt là yếu tố chủ chốt của đề án kinh doanh khả thi.
Hai là, muốn xây dựng đề án kinh doanh khả thi cần phải hiểu chữ “thời” trong kinh doanh, kinh doanh trong ngành “thời”. Nếu chúng ta kinh doanh trong một ngành “hết thời” thì sẽ vô cùng khó khăn, bởi vì nhu cầu thị trường không nhiều mà quá nhiều dự án, doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong ngành đó rồi, dẫn tới hàng tồn kho, ngâm vốn vào hàng hóa và cơ sở vật chất.
Ba là, hoạch định chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh. Hoạch định chiến lược kinh doanh là việc xác định các mục tiêu chủ yếu, dài hạn của doanh nghiệp để từ đó phân bổ các nguồn lực và phương thức thực hiện các mụa tiêu đó. Hoạch định chiến lược kinh doanh trước hết phải làm tốt công tác nghiên cứu thị trường về cung cầu sản phẩm, dịch vụ, đối thủ cạnh tranh, xu thế phát triển của thị trường để xác định được lộ trình, bước đi trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó xác định quy mô, phạm vi kinh doanh, địa bàn hoạt động; các nguồn lực (nhân lực, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật) cho kinh doanh; cách thức tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh, xây dựng các kênh phân phối, quản lý khách hàng, quản trị bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu, quản trị rủi ro… Cần lưu ý là không có chiến lược kinh doanh nào dù cho thành công cũng tồn tại mãi mãi. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường đòi hỏi chiến lược kinh doanh phải được thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh. Vì vậy bộ phận nghiên cứu thị trường, nghiên cứu phát triển (R&D) của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng.
Bước tiếp theo, cần xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể để thực hiện chiến lược kinh doanh đó. Kế hoạch kinh doanh cụ thể, chi tiết, khả thi trước hết sẽ là công cụ quan trọng để gọi vốn đầu tư từ ngân hàng, từ cổ đông và các nguồn khác. Theo Caspian Woods, để xây dựng kế hoạch kinh doanh đúng hướng cần phải nắm chắc 3 quy tắc sau đây:
- Kế hoạch kinh doanh viết cho ai? Nếu bạn là người khởi sự kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, chính bạn phải là người viết kế hoạch kinh doanh và kế hoạch kinh doanh được viết ra để phục vụ cho chính bạn. Kế hoạch kinh doanh được xây dựng từ ý tưởng kinh doanh mà bạn lựa chọn, vì thế đây là quá trình bạn suy nghĩ một cách xuyên suốt, có hệ thống việc làm sao chuyển từ ý tưởng kinh doanh thành hoạt động kinh doanh cụ thể, thành lập và vận hành doanh nghiệp trên thực tế.
Bên cạnh đó, độc giả quan trọng thứ hai là người cấp vốn tiềm năng cho kế hoạch kinh doanh. Người cấp vốn ở đây có thể là ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư, hợp tác kinh doanh… Đề án, kế hoạch kinh doanh trở thành công cụ để huy động vốn, vì vậy phải có tính thuyết phục từ căn cứ xây dựng kế hoạch đến cách thức tổ chức kinh doanh, sản phẩm đầu ra, dự kiến doanh thu, chi phí, lợi nhuận, khả năng thu hồi vốn, cách thức tổ chức điều hành công việc kinh doanh của bạn.
- Không quá sa đà vào chi tiết. Kế hoạch kinh doanh chỉ phác thảo những nội dung cốt lõi, không nên sa đà vào chi tiết vì nếu sa đà vào chi tiết bạn sẽ sa lầy vào những tiểu tiết không quan trọng mà những nội dung này có thể thực hiện sau khi quản lý, điều hành doanh. Trên thực tế việc kinh doanh khó có thể lượng hóa kết quả chính xác giống như một môn khoa học. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh cần tập trung xác định mục tiêu, chiến lược, thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, huy động nguồn lực, cách thức quản lý, tổ chức kinh doanh. Tóm lại, kế hoạch kinh doanh phải biến ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực, bán được hàng và có lợi nhuận.
- Luôn cập nhật kế hoạch kinh doanh. Ngay khi viết bản kế hoạch kinh doanh thì nó đã trở nên lạc hậu, vì thực tiễn kinh doanh luôn thay đổi. Những doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp luôn thích ứng với những thay đổi của khách hàng và thị trường để điều chỉnh kế hoạch kịp thời.
Lập công ty
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, có các loại hình doanh nghiệp sau đây để các nhà khởi nghiệp có thể lựa chọn: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh. Mỗi loại hình doanh nghiệp có ưu điểm và hạn chế riêng. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với khả năng, tiềm năng, mục tiêu, chiến lược kinh doanh, cách thức tổ chức kinh doanh, sở trường của bạn cũng có ý nghĩa quan trọng đối với thành công trong sự nghiệp khởi nghiệp kinh doanh của bạn. Vì thế người khởi nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp theo loại hình nào.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy việc thành lập công ty cổ phần có vai trò quyết định trong việc xây dựng và phát triển thành công, bền vững một doanh nghiệp với các lý do sau đây:
- Bản chất của công ty cổ phần có tính chất mở trong việc thu hút vốn, không giới hạn về số lượng, thời gian, đối tượng để huy động vốn nên nếu công ty cổ phần hoạt động hiệu quả thì sẽ dễ dàng tăng vốn để trở thành công ty lớn thông qua việc huy động vốn từ cổ đông hiện hữu hoặc phát hành ra công chúng.
- Cơ cấu tổ chức, các quy định về quản trị, quản lý của công ty cổ phần chặt chẽ so với các loại hình khác. Đặc biệt, tất cả các cổ đông đều có quyền giám sát, góp ý cho sự phát triển chung của công ty, giúp công ty cổ phần hoạt động đúng khuôn khổ, chuyên nghiệp hơn sơ với các loại hình công ty khác.
- Chế độ kế toán, công bố thông tin được quy định chặt chẽ, bảo đảm cho quá trình kinh doanh của công ty cổ phần được thực hiện một cách bền vững, công khai, minh bạch hơn. Điều này giúp công ty hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, nâng cao khả năng thu hút nguồn vốn cho hoạt động.
- Công ty cổ phần dễ dàng đăng ký trở thành công ty đại chúng, từ đó có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung. Điều này tạo điều kiện cho công ty huy động nguồn vốn, xây dựng hình ảnh, uy tín, phát triển thương hiệu.
Bên cạnh những ưu điểm thì loại hình doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần cũng có những hạn chế như: Các cổ đông sáng lập có thể mất quyền kiểm soát công ty do bị mua thâu tóm; việc quản lý và điều hành công ty cổ phần phức tạp nếu số lượng cổ đông lớn, có thể phân hóa thành nhóm các cổ đông đối kháng nhau về lợi ích; khó giữ bí mật thông tin do yêu cầu phải công khai thông tin về kinh doanh, tài chính cho các cổ đông.
Có thể lựa chọn công ty cổ phần không phải là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới, tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Việt Nam việc thành lập công ty cổ phần để khởi nghiệp là một lựa chọn ưu tiên do khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là về nguồn vốn kinh doanh, kể cả từ khi mới khởi nghiệp và trong suốt quá trình phát triển doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu và tiếp thị
Đã có đề án kinh doanh khả thi, đã thành lập công ty, đã có kế hoạch kinh doanh cụ thể, tuy nhiên để kinh doanh thành công vẫn là câu hỏi lớn cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có rất nhiều việc phải làm trong quản trị kinh doanh để biến chiến lược, kế hoạch kinh doanh khả thi thành hiện thực, nghĩa là doanh nghiệp phải bán được hàng, có doanh thu, lợi nhuận ổn định, bền vững, ngày càng cao. Khi đó thì khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo mới thành công. Một trong những việc phải làm có ý nghĩa quan trọng là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, công ty và tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.
Thương hiệu được xem là một trong những tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, đại diện cho bộ mặt doanh nghiệp. Trong thực tế, doanh nghiệp thường được khách hàng, người tiêu dùng nhận diện và gọi bằng tên thương hiệu. Và từ đó tên thương hiệu và tên doanh nghiệp trở thành một và hoàn toàn giống nhau. Thương hiệu của doanh nghiệp mang theo nó một giá trị bằng tiền trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến giá trị cổ đông khi nó tăng và giảm. Thương hiệu và tiếp thị (hay marketing) có vai trò quan trọng quyết định doanh số bán sản phẩm, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, thương hiệu và tiếp thị cũng cần thay đổi theo xu hướng này. Thương hiệu 4.0 và tiếp thị 4.0 hay nói cách khác là thương hiệu và tiếp thị số cần chú trọng một số vấn đề sau:
- Doanh nghiệp cần nắm chắc các nội dung chuyển đổi từ thương hiệu và tiếp thị trước đây sang thương hiệu và tiếp thị 4.0 trong việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị của doanh nghiệp. Cụ thể nếu như trước đây thương hiệu và tiếp thị tập trung vào sản phẩm, khách hàng và giá trị thì marketing 4.0 tập trung vào tương tác, kết nối đến từng khách hàng trong mối quan hệ xã hội. Trải nghiệm khách hàng, tương tác cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu và tiếp thị.
- Thương hiệu, tiếp thị cần theo xu thế phát triển của thị trường bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ không chỉ từ những tuyên bố từ phía doanh nghiệp mà phải thể hiện bằng các chứng chỉ, chứng nhận quốc tế có uy tín và qua trải nghiệm, phản ánh, tương tác của khách hàng, người tiêu dùng với doanh nghiệp và với cộng đồng xã hội.
- Doanh nghiệp cần sử dụng tối đa các công cụ để xây dựng thương hiệu, tiếp thị trên internet, mạng xã hội (Facebook, Twitter, Linkedin, Google+…) kết hợp với các công cụ truyền thống.
Tóm lại, thương hiệu và tiếp thị gắn với con người, hướng tới con người, tương tác với con người, nói rộng hơn là gắn với các giá trị cộng đồng, sử dụng các ưu việt của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong thời đại kỷ nguyên số và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế là lời giải cho bài toán bán hàng của doanh nghiệp.
Vạn sự khởi đầu nan
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công sau 5 năm chỉ từ 5-10%. Rất nhiều doanh nghiệp thất bại ngay trong năm khởi nghiệp đầu tiên.
Khảo sát của CBinsights đã chỉ ra 20 nguyên nhân khởi nghiệp thất bại, trong đó các nguyên nhân hàng đầu là: Không phù hợp với nhu cầu thị trường (42%), thiếu vốn (29%), lựa chọn đội ngũ không phù hợp (23%), không có lợi thế cạnh tranh (19%), định giá, chi phí (18%), sản phẩm không thân thiện với người dùng (17%), thiếu mô hình kinh doanh phù hợp (17%), marketing kém (14%), không quan tâm đến ý kiến khách hàng (14%), đưa sản phẩm ra thị trường sai thời điểm (13%)…
Ngoài ra, có có những nguyên nhân khác có tác động trực tiếp đến thất bại khi khởi nghiệp:
- Tâm lý e ngại việc ý tưởng khởi nghiệp không phải “độc nhất vô nhị” và dễ bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Không có ý tưởng sáng tạo, khác biệt, đột phá. Khởi nghiệp theo tâm lý đám đông, sao chép ý tưởng người khác đã thành công.
- Thiếu kiên nhẫn, kiên trì theo đuổi mục tiêu, ý tưởng kinh doanh.
- Có ý tưởng kinh doanh nhưng không am hiểu, thiếu kiến thức về thị trường, nhu cầu xã hội, kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý, kinh doanh, cách thức vận hành doanh nghiệp.
- Không có vốn đầu tư ban đầu hoặc cho rằng khởi nghiệp mà không cần đồng vốn nào. Không tìm được nhà đầu tư vào doanh nghiệp.
- Thiếu người hướng dẫn, tư vấn (các startup thành công, các mentor).
- Không nhận được từ hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực…
- Môi trường kinh doanh còn ẩn chứa nhiều rủi ro, tính minh bạch kém. Tình trạng vi phạm bản quyền, hàng giả, hàng nhái… ảnh hưởng tiêu cực tới khởi nghiệp.
|
CEO Đặng Đức Thành
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)