Bài 3. Yêu cầu của Thủ tướng và kỳ vọng vào 'cuộc đua' phát triển giữa các địa phương 

(Chinhphu.vn) – Trước trăn trở và yêu cầu của Thủ tướng, đến nay, không chỉ riêng Bắc Ninh hay Quảng Ninh mà nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực, chủ động lắng nghe để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện "bình thường mới", nỗ lực lấy lại đà phát triển kinh tế và phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

 

Kỳ vọng vào một “cuộc đua” lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường đang dần trở thành hiện thực.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước dần phục hồi mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tục nhắc nhở các địa phương, các bộ, ngành cần "tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao trước các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép". Sở dĩ người đứng đầu Chính phủ phải "nói đi nói lại" việc này là bởi Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.

Thông báo 272/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Và để hiện thực hóa tinh thần này, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các địa phương cần tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nhiều lần nhấn mạnh, COVID-19 mang lại nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều cơ hội, thúc đẩy đổi mới, tạo động lực để các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, khẳng định và trưởng thành.

Tinh thần thấu hiểu, sẻ chia đó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa tới các địa phương bằng những mô hình, những tổ công tác đặc biệt khẩn trương đi xuống từng doanh nghiệp, lắng nghe từng vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp khó. Trong đó,  mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” của Bắc Ninh hay Tổ Investor Care của Quảng Ninh đều được các bộ, ngành cũng như các chuyên gia kinh tế đánh giá cao về tính hiệu quả và thiết thực.

Trung ương sát cánh với địa phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, các địa phương đều đã lập các tổ tại địa phương mình và các tổ này đều đang hoạt động hiệu quả. Ảnh: VGP

Đánh giá về các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhìn nhận, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thành lập các Tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương đều đã lập các tổ tại địa phương mình và các tổ này đều đang hoạt động hiệu quả. Về công tác phối hợp, Bộ KH&ĐT thường xuyên và liên tục có sự phối hợp tháo gỡ về thể chế và chia sẻ kiến thức, chia sẻ thông tin với các địa phương.

"Về thể chế, các tổ địa phương sẽ chủ động ghi nhận và gửi các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải lên Bộ KH&ĐT. Những vấn đề liên quan đến các quy định, thông tư, nghị định mà Bộ KH&ĐT phụ trách, chúng tôi sẽ khẩn trương rà soát, điều chỉnh để tháo gỡ còn những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo lên Chính phủ. Về chia sẻ kiến thức, đây là việc Bộ KH&ĐT phối hợp với địa phương hằng ngày, hằng tuần bằng việc trả lời những văn bản mà địa phương gửi lên. Bộ KH&ĐT cố gắng có văn bản trả lời, hướng dẫn sớm nhất, nhanh nhất để địa phương áp dụng và triển khai tại địa phương mình", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay. 

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã và đang đồng hành cùng các địa phương với vai trò Cơ quan thường trực Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, cũng như Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các tổ công tác với các thành viên là các vụ chuyên môn của Bộ Công Thương cũng như đại diện địa phương thường xuyên tổ chức làm việc trực tuyến với các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí, điện tử, ô tô, dệt may, da giày, giấy, đồ uống…) nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của doanh nghiệp. Những vướng mắc này được các tổ công tác báo cáo tới địa phương, báo báo Chính phủ kịp thời đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19.

"Việc thành lập các tổ công tác đặc biệt của cả Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc là quyết định hết sức kịp thời và cần thiết. Có thể thấy, không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh hay Bắc Ninh mà các mô hình tương tự cũng đã thành lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Các tổ công tác này sẽ giúp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương với doanh nghiệp trong nỗ lực phục hồi sản xuất sau dịch bệnh", đại diện Cục Công nghiệp cho biết.

Tác động nhiều mặt từ các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, những mô hình tương tự như của Bắc Ninh hay Quảng Ninh đang thực hiện "rất đáng được tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng"

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đánh giá, những mô hình tương tự như của Bắc Ninh hay Quảng Ninh đang thực hiện "rất đáng được tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng". Không dừng lại ở việc "chăm sóc" cho doanh nghiệp, hai địa phương này còn chủ động tạo cơ chế mới từ những kiến nghị để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư, kinh doanh.

Đơn cử như tại Bắc Ninh, tỉnh đã đưa ra tiêu chí 4 sẵn sàng: Sẵn sàng về mặt bằng-sẵn sàng về nguồn nhân lực-sẵn sàng cải cách-sẵn sàng hỗ trợ, để thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Trong bối cảnh dịch bệnh, Bắc Ninh đã bổ sung thêm một lợi thế nữa để 'mời gọi' doanh nghiệp, đó là 'sẵn sàng chống dịch' khi địa phương cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Rõ ràng, bằng cách làm sáng tạo nhưng sát với thực tiễn, Bắc Ninh và Quảng Ninh đã kịp thời đồng hành, hỗ trợ được doanh nghiệp vượt khó, khôi phục và phát triển sản xuất. Những tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp đều đã và đang được các địa phương triển khai với tinh thần đổi mới-trí tuệ-bản lĩnh-phát triển phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

"Những mô hình mà Quảng Ninh hay Bắc Ninh đang thực hiện đều có thể được phổ biến và nhân rộng khi không chỉ định hướng, tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài vào tỉnh nhà mà còn thích ứng kịp thời với khó khăn dịch bệnh bùng phát. Thành quả là vừa giữ chân được những nhà đầu tư sẵn có, vừa thu hút thêm được nhà đầu tư mới.

Điều đáng mừng là không chỉ riêng Bắc Ninh hay Quảng Ninh mà tất cả các địa phương trên cả nước đều đang tích cực lắng nghe để hỗ trợ doanh nghiệp. 'Trăm hoa đua nở' sẽ tạo nên một 'vườn hoa môi trường kinh doanh' của Việt Nam đẹp, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam", TS. Phan Hữu Thắng đánh giá.

Có thể thấy, với chủ trương nhất quán từ Trung ương xuống địa phương, với những hành động thiết thực mà các địa phương đã và đang thực hiện rất tốt, cộng đồng doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua được khó khăn hiện tại để vững bước phát triển trong những năm tiếp theo.

Nhóm PV

425 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1027
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 1029
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226756