Bài 3: Giải pháp khắc phục bất cập 

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống mua bán người sẽ hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân để nạn nhân bị mua bán có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

 

Cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng bền vững. Ảnh: VGP/Nhật Thy

Từ những bất cập đã nên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống mua bán người để hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế, trình tự, thủ tục, chế độ và định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định xuất phát từ quan điểm “Lấy nạn nhân làm trung tâm” và bảo đảm quyền con người để nghiên cứu, bổ sung phạm vi tư pháp đối với quyền của nạn nhân trong quá trình tố tụng, xét xử các vụ án, nhất là phụ nữ và trẻ em; xây dựng chế tài bồi thường thiệt hại, chế tài bảo vệ nhân chứng và chăm sóc nạn nhân (sức khỏe, tâm lý, tài chính…), kể cả sau khi hòa nhập cộng đồng.

Những điểm mới

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (đơn vị xây dựng dự thảo) cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 09/2013/NĐ-CP có nhiều điểm mới. Cụ thể, về thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, dự thảo Nghị định quy định: Khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân theo quy định của Chính phủ về trợ giúp xã hội và một số quy định hỗ trợ đặc thù.

Bên cạnh đó quy định cụ thể các chế độ khác như hỗ trợ về y tế, tâm lý cho nạn nhân tại cộng đồng; hỗ trợ chi phí cho người phiên dịch, người có trách nhiệm đưa nạn nhân là người nước ngoài ra bến tàu xe để hồi hương; Chi phí cho cán bộ phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận lấy lời khai hoặc trong thời gian lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội.

Quy định nạn nhân được hỗ trợ khó khăn ban đầu; học văn hóa, học nghề; vay vốn từ Quy quốc gia giải quyết việc làm hoặc từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh cho nạn nhân.

Về trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định không quy định thời gian xác nhận để đảm bảo những người là nạn nhân của mua bán người đều được hỗ trợ.

Thẩm quyền quyết định hỗ trợ học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu thuộc thẩm quyền của cơ quan lao động, thương binh và xã hội cấp tỉnh quyết định; quy định cụ thể dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.

Tăng cường phối hợp trong quá trình hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân

 

Góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, ông Kobayashi Ryutaro, Phó trưởng Đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh rằng công tác hỗ trợ nạn nhân cần sự phối hợp của các ngành để hỗ trợ nạn nhân một cách thích hợp nhất.

Ông cũng đề nghị quan tâm tới điều 13 của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP liên quan tới địa vị pháp lý của đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với mục tiêu đa dạng hóa hình thức hỗ trợ cho nạn nhân mua bán người và đem lại những lợi ích tốt nhất cho những nạn nhân mua bán người trở về.  

Liên quan đến việc xây dựng dự thảo Nghị định, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng cần bổ sung Hội Liên hiệp phụ nữ là chuỗi đơn vị tiếp nhận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán. Điều này huy động được nguồn lực của các Đoàn thể cũng như đảm bảo nhạy cảm giới trong công tác này.

Đồng thời, cần điều chỉnh thủ tục tiếp cận dịch vụ hỗ trợ theo hướng phù hợp với tâm lý sợ bị kỳ thị của người bị mua bán (bỏ quy định xác định hộ nghèo); đồng thời các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp được tiếp nhận các nạn nhân tự tìm đến hoặc do gia đình chuyển đến. Bổ sung các dịch vụ còn thiếu: dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ nâng cao kỹ năng sống, kiến thức phòng chống MBN; dịch vụ theo dõi hồi gia vào gói dịch vụ xã hội hỗ trợ người bị mua bán

Theo bà Hiền, để phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, cần đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp và trách nhiệm của các ngành chức năng, các tổ chức và cộng đồng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả trong quá trình hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân giữa các cơ quan pháp luật (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Bộ đội Biên phòng…) và chính quyền các cấp, các tổ chức, tạo hệ thống bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân đồng bộ. Trong đó, cơ quan đầu mối cần thể hiện rõ vai trò định hướng và kết nối mạng lưới, chủ trì các cuộc họp định kỳ với các bên liên quan trong việc rà soát, xử lý bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân

Đẩy mạnh thực hiện các chương trình giáo dục, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới... nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và các hộ gia đình. Xử lý nghiêm và tăng cường xét xử công khai các vụ việc mua bán người.

Cuối cùng, theo thống kê, số lượng nạn nhân bị mua bán trở về hàng năm tuy không nhiều nhưng rất đặc thù vì đây là nhóm yếu thế (bị tổn thương về thể chất, tâm lý...), thời gian hỗ trợ ngắn trong một thời điểm, hoàn cảnh đặc biệt, do đó, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nhằm phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác an sinh xã hội “Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

Nhật Thy

(Tiếp theo và hết)

453 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1111
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1111
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87186615