Bài 3: Đổi mới sáng tạo từ cách đặt và giải quyết vấn đề 

(Chinhphu.vn) - Đổi mới sáng tạo (innovation) khác với phát minh (invention). Đổi mới sáng tạo là quá trình doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay hệ thống quản lý mới để đáp ứng các yêu cầu do sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ hay mô hình cạnh tranh.

 

Đổi mới sáng tạo gồm nhiều công đoạn, từ nghiên cứu, lập kế hoạch đến tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật và thương mại hóa. Nói cách khác, chỉ khi doanh nghiệp biến một phát minh thành sản phẩm, dịch vụ mới bán được ra thị trường đáp ứng được nhu cầu khách hàng và mang lại lợi nhuận thì mới được coi là đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp có rất nhiều vấn đề cần giải quyết từ khâu nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ; xây dựng thương hiệu; hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ; tổ chức bán hàng tăng doanh số, lợi nhuận…

Đặt vấn đề và giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng rất quan trọng của lãnh đạo doanh nghiệp; ngay cả các nhà sản xuất có kinh nghiệm cũng cần liên tục trau dồi và hoàn thiện các kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Kinh nghiệm từ các đơn vị kinh doanh thành công cho thấy muốn doanh nghiệp thành công các CEO (lãnh đạo doanh nghiệp) phải luôn luôn đổi mới sáng tạo từ cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của doanh nghiệp.

Vì sao vấn đề không được giải quyết?

Chúng ta thường giải quyết vấn đề không hiệu quả vì rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, như không có phương pháp, chỉ giải quyết vấn đề một cách ngẫu nhiên. Tâm lý con người có xu hướng đề ra một giải pháp ngẫu nhiên theo kinh nghiệm và đôi khi giải pháp này không phù hợp với những vấn đề mang tính phức tạp.

Hoặc, có thái độ xem nhẹ những vấn đề nhỏ. Bởi xem nhẹ tầm quan trọng của những vấn đề, ý chí sẽ không có động lực, tìm lý do trì hoãn việc giải quyết chúng. Chỉ khi vấn đề đó gây ra hậu quả nghiêm trọng, con người mới chú ý đến nó; và thông thường ta phải giải quyết một cách gấp rút. Lúc này ta sẽ khó có đủ thời gian để xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề, phương án giải quyết dẫn đến việc dễ dàng ra những quyết định giải quyết vấn đề một các vội vàng, phiến diện và kém hiệu quả.

Một nguyên nhân khác là không nhìn thấy được sự liên kết giữa các phần nhỏ một vấn đề. Có những vấn đề phức tạp cần một cái nhìn nhiều chiều mới thấy hết các phần liên kết của nó. Nhiều khi chúng ta chỉ giải quyết những phần nhỏ, phần ngọn của vấn đề nhưng điều này ảnh hưởng các yếu tố khác trong hệ thống. Hệ quả của các giải quyết này là vấn đề chỉ được giải quyết một phần.

Trong ngắn hạn ta thấy rằng vấn đề đã được giải quyết, nhưng trong dài hạn thì ta sẽ thấy rằng vấn đề tương tự như vậy, và có thể ngày càng nghiêm trọng hơn, sẽ tiếp tục xuất hiện cho đến khi ta nhìn nhận ra vấn đề cốt lõi và giải quyết chúng. Do đó khả năng tư duy mang tính hệ thống là một yếu tố mà những người giải quyết vấn đề cần trang bị.

Hiểu sai vấn đề hoặc sử dụng phương pháp sai trong một vấn đề nào đó cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả. Khi đó bạn sẽ không thể giải quyết được vấn đề hoặc những giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề có thể lại gây ra thêm những hậu quả nghiêm trọng, tạo thêm vấn đề khác mà ta lại phải tốn nguồn lực để giải quyết những vấn đề phát sinh này.

Khía cạnh khác, nếu không có đầy đủ những thông tin thì hầu như chúng ta khó có thể đưa ra được những giải pháp thích hợp. Tuy nhiên ta thấy rằng sẽ xuất hiện mâu thuẫn ở đây. Nếu ta chờ có đầy đủ thông tin mới giải quyết vấn đề thì có khi giải pháp của ta đã không còn ý nghĩa, còn nếu ta đưa ra giải pháp trong điều kiện không có đủ thông tin thì có thể những giải pháp đó có thể sẽ là chủ quan, duy ý chí và không hiệu quả, đòi hỏi những nhà quản lý khi giải quyết chúng phải có những kỹ năng và phương pháp thích hợp mới có thể giải quyết được tốt.

Cuối cùng, không có khả năng phân tích và sáng tạo. Những vấn đề khó, phức tạp thường đòi hỏi ta phải phát huy khả năng sáng tạo, hoặc để có thể giải quyết vấn đề hiệu quả chúng ta thường cần những giải pháp đột phá. Nếu chúng ta làm theo những quy cách cũ thì khó có thể giải quyết những vấn đề mới. Những thói quen cố hữu khi giải quyết vấn đề sẽ làm suy giảm khả năng sáng tạo.

Cách giải quyết vấn đề

Trong kinh doanh, vấn đề không phải là biết đương đầu với rủi ro, sự cố mà còn phải biết tư duy và quản trị để xoay chuyển tình thế, biến nguy thành cơ cũng như tạo hiệu quả cao nhất.

Đối với những vấn đề đơn giản chúng ta thường có ngay giải pháp, tuy nhiên đối với những vấn đề phức tạp chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để suy xét và phân tích; quan trọng nhất là cần kỹ năng chuyên nghiệp để giải quyết vấn đề.

Đầu tiên là xác định vấn đề. Giai đoạn này bao gồm: phát hiện và nhận ra rằng có một vấn đề, xác định bản chất của vấn đề, xác định vấn đề. Xác định vấn đề có thể là một nhiệm vụ khó khăn, vấn đề là gì? Bản chất của vấn đề là gì? Làm thế nào để xác định vấn đề tốt nhất?

Cần xác định rõ từng vấn đề cần giải quyết của doanh nghiệp: Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hiện còn gì phù hợp với môi trường kinh doanh biến động, xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến tranh thương mại – tiền tệ Mỹ Trung có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Hay xu thế của người tiêu dùng thế giới hướng về thực phẩm hữu cơ (organic)…

Tài chính doanh nghiệp đã ổn định vững vàng và lành mạnh hay đang gặp khó khăn cần cơ cấu lại? Cùng với đó là vấn đề xây dựng thương hiệu thời đại kỹ thuật số (digital marketing)… và còn nhiều những vấn đề quan trọng khác của doanh nghiệp.

Dành chút thời gian xác định vấn đề, bạn sẽ không chỉ hiểu nó rõ ràng hơn mà còn có thể trao đổi bản chất của nó với người khác.

Bước 2 là cơ cấu lại vấn đề, bao gồm giai đoạn quan sát, kiểm tra cẩn thận, tìm hiểu thực tế và phát triển bức tranh rõ ràng về vấn đề. Sau việc xác định vấn đề, cơ cấu lại vấn đề là cần thiết để có thêm nhiều thông tin về vấn đề này và tăng hiểu biết về nó. Giai đoạn này cần tìm hiểu thực tế và phân tích, xây dựng một bức tranh toàn diện hơn cả về mục tiêu và các rào cản đang xảy ra.

Bước 3, phải luôn luôn đổi mới sáng tạo trong tìm kiếm giải pháp. Theo 2 tác giải Tom Kelley và David Kelley nổi tiếng người Mỹ: “Lòng tự tin sáng tạo không thể đạt được thông qua việc đọc sách, suy nghĩ hay thảo luận suông. Theo kinh nghiệm của chúng tôi cách tốt nhất để đạt được lòng tự tin về khả năng sáng tạo của bạn là hành động - từng bước một – thông qua trải nghiệm một loạt những thành công nho nhỏ.”.

Từ các thông tin thu thập trong hai giai đoạn đầu tiên của việc giải quyết vấn đề, đây là lúc cần bắt đầu suy nghĩ về giải pháp cho vấn đề được xác định. Hãy nhìn lại nguồn gốc phát sinh, đánh giá vấn đề thật cẩn thận để chắc chắn rằng giải pháp bạn lựa chọn là hợp lý nhất. Để mà bạn tìm ra được các giải pháp mang tính hiệu quả thì bạn cần phải rèn luyện tính sáng tạo của mình để giúp cho bạn nhạy bén hơn trong việc nảy sinh được ra những ý tưởng, giúp cho chúng ta giải quyết vấn đề. Quan trọng nhất cần chú trọng giải pháp sáng tạo, hiệu quả cao.

Điều kiện thuận lợi, tốt nhất là doanh nghiệp đặt hàng cho một tổ chức tái cấu trúc doanh nghiệp uy tín để có thể chuyên nghiệp và dễ dàng trong công việc đặt vấn đề và tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho tái cấu trúc lại doanh nghiệp thành công

Bước 4, câu hỏi cần thiết đặt ra là có còn cách nào giải quyết khác hay hơn, hiệu quả hơn? Trong quá trình tìm kiếm giải pháp, luôn luôn đặt ra câu hỏi “có còn cách nào giải quyết khác hay hơn, hiệu quả hơn?” điều đó có nghĩa là không bằng lòng, không dễ dàng chấp nhận giải pháp.

Bước 5, kết nối trí tuệ để giải quyết vấn đề. Chúng ta không được chủ quan theo cá nhân mà cần thiết đưa ra thảo luận trong từng nhóm chuyên môn (có liên quan); quan trọng nhất là kết nối trí tuệ, đưa ra nhiều ý kiến phản biện cho đến khi đã có giải pháp tốt nhất.

Bước 6, thực hiện có nghĩa là hành động theo các giải pháp được chọn. Trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề mới có thể nảy sinh nếu việc xác định và cấu trúc vấn đề ban đầu không được thực hiện đầy đủ.

Bước 7, đánh lại lại kết quả vấn đề là việc bạn tổng kết lại toàn bộ quá trình giải quyết của bạn từ khâu xác định nguồn gốc cho đến khi vấn đề được giải quyết xong. Việc làm này giúp bạn có cái nhìn tổng quát về toàn bộ vấn đề, những giải pháp, cách lựa chọn giải pháp, quá trình thực hiện từ đó bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm cho bản thân và cho những lần giải quyết vấn đề sau này.

Sự sáng tạo mang lại sự đổi mới, phát triển cho xã hội. Nhưng đôi khi sự sáng tạo lại trở nên kỳ quặc, khó hiểu và đôi khi trở thành thảm họa. Để tạo ra sự sáng tạo đem lại lợi ích, cần có định hướng tư duy phù hợp, phải biết đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn và hiệu quả, định hướng phương pháp nhằm đem lại kết quả cao nhất.

CEO Đặng Đức Thành
Chủ nhiệm câu lạc bộ Các Nhà Kinh Tế (VEC)
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

504 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 709
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 709
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77170071