BÀI 3: Chuyển hướng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời 

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, mặc dù công tác phòng, chống dịch gặp một số khó khăn do biến chủng mới gây ra nhưng nhờ sự chỉ đạo chuyển hướng phù hợp, linh hoạt và ứng phó kịp thời cho nên đến nay, chúng ta đã khống chế được dịch bệnh, số ca tử vong và các trường hợp bệnh nhân nặng giảm rõ rệt.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Chính phủ đã có sự chuyển hướng trong chỉ đạo, rất kịp thời khi đánh giá, nhìn nhận và có sự chuyển hướng phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Trực tiếp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TPHCM, bác sĩ Trương Xuân Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công an) cho rằng trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4 tại TPHCM, lực lượng chống dịch chịu áp lực rất lớn về xét nghiệm, khoanh  vùng, truy vết do quy mô dân số của Thành phố rất lớn. Số ca bệnh tăng nhanh khiến hệ thống điều trị nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng Khoa Y tế công cộng và điều dưỡng (Trường Đại học Quang Trung) đồng tình với nhận định trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4 nói chung (trong đó có xét nghiệm, điều trị…) công tác phòng, chống dịch còn bị động, dự báo chưa đầy đủ về tốc độ lây lan của biến chủng Delta dẫn tới số ca nhiễm tăng quá nhanh, hệ thống y tế quá tải trầm trọng khiến số ca tử vong cao, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội thực hiện chưa nghiêm.

Điển hình, tại TPHCM, khi dịch bùng phát với tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta, năng lực ứng phó của hệ thống y tế nhanh chóng bị quá tải, từ lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết diện rộng đến cách ly, điều trị…

“Chúng ta tập trung vào việc truy vết, cách ly tập trung nhưng chúng ta lại bỏ sót các khâu khác như: Phát hiện các ca bệnh, ổ dịch, việc phân loại nên cho cách ly tại nhà thay vì đi cách ly tập trung… Bên cạnh đó, chưa kịp thời chuyển hướng phòng, chống dịch dẫn đến đội ngũ y tế bị phân tán lực lượng, không tập trung được vào khâu cứu chữa hay cần hỗ trợ bệnh nhân, dẫn đến tỉ lệ tử vong tăng”, ông Nguyễn Huy Nga nhận xét.

Đó chính là những hạn chế, khó khăn trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4 mà chúng ta gặp phải. Thậm chí ở một số địa phương, có những phương pháp đối phó với dịch bệnh chưa phù hợp, vì chúng ta vẫn dùng cách thức cũ trong khi biến chủng đã mới, cách lây lan mới, điều kiện mới, chưa có tiền lệ và trong giai đoạn đầu chưa có vaccine. Lực lượng y tế thì không đủ…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có sự chuyển hướng trong chỉ đạo, rất kịp thời khi đánh giá, nhìn nhận và có sự chuyển hướng phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo bác sĩ Trương Xuân Hùng, các biện pháp quyết liệt trong tăng cường giãn cách xã hội; tập trung xét nghiệm, sớm phát hiện, phân loại, điều trị F0 hiệu quả, đẩy mạnh tiêm phủ vaccine COVID-19… đã mang lại hiệu quả trong kiểm soát dịch, tỉ lệ lây nhiễm, tử vong giảm hẳn.

Công tác xét nghiệm đã tập trung vào các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao và điều trị tại nhà, những trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ và đặc biệt là tận dụng được y tế cơ sở. Giai đoạn đầu chỉ chữa tập trung, không có sự tham gia của y tế cơ sở và sau này đã biết tận dụng y tế cơ sở, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và cứu chữa kịp thời hơn các ca mắc.

 

Tận dụng y tế cơ sở đã giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và cứu chữa kịp thời hơn các ca mắc. Ảnh minh họa

Đối với bệnh nhân nặng, chúng ta đã huy động được toàn bộ lực lượng "tinh nhuệ" phía bắc cùng các thiết bị máy móc, chuyên gia giỏi vào để cứu chữa, hỗ trợ cho miền Nam… Theo đó, tỉ lệ tử vong giảm xuống. Đồng thời cho các F0 điều trị tại nhà. Thành phố cũng nới lỏng các hoạt động như cho phép taxi lưu thông, vận chuyển bệnh nhân… giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời… Đây chính là những thay đổi, chuyển biến cụ thể và mang lại hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch.

Hiện tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên cả nước đã giảm mạnh và còn có xu hướng giảm tiếp. Tuy vẫn có ca bệnh nhưng cách điều trị và cách phòng, chống dịch đã tốt hơn giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4. Đặc biệt, Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn là phù hợp với thực tế hiện nay. Hiện các vấn đề an sinh xã hội được chính quyền, địa phương chung tay hỗ trợ nên về cơ bản người dân vẫn được bảo đảm các nhu yếu phẩm cần thiết, vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm cũng đã tập trung trọng điểm, điều trị tốt do nhập khẩu được thuốc và có phác đồ điều trị phù hợp hơn trước đây. Đặc biệt là sự tham gia điều trị của các tuyến điều trị bên dưới, không còn tập trung vào bệnh viện tuyến Trung ương, phân tầng điều trị từng loại bệnh nhân (loại nặng, loại nhẹ, loại cần cấp cứu, loại thở máy…).

“Sự điều chỉnh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ là chiến lược đúng hướng trong bối cảnh hiện nay. Trong thời gian tới, chúng ta nên tập trung nguồn lực vaccine để tiêm cho người dân ở vùng xanh, nhất là khu vực trọng điểm kinh tế, những thành phố lớn, bác sĩ Trương Xuân Hùng  trao đổi.

 

Ông Trương Xuân Hùng cũng cho biết thêm, khi dịch bùng phát tại TPHCM, hưởng ứng lời kêu gọi Bộ Công an, Bệnh viện 199 cùng với Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 198, Bệnh viện Y học cổ truyền của Bộ Công an đã điều động rất đông lực lượng tăng cường vào hỗ trợ TPHCM phòng, chống dịch, bảo đảm công tác cách ly điều trị COVID-19 cho cán bộ, chiến sĩ, người dân và các phạm nhân. Đến nay qua hơn 3 tháng, Bệnh viện 199 đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng các đơn vị của Bộ Công an đã thực hiện rất tốt công tác điều trị và tham gia phòng chống, dịch ở TPHCM và một số tỉnh phía nam.

Thiện Tâm
128 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 840
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 840
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87205436