Bài 2: Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường 

(Chinhphu.vn) - Bạo lực học đường đã trở thành một vấn nạn và không ngừng tiếp diễn. Nhiều nhà trường thừa nhận có trường hợp bạo lực học đường diễn ra tại cơ sở giáo dục của mình, do đó cần tăng cường hơn nữa các chuyên đề sâu hơn về giáo dục tâm lý để ngăn chặn bạo lực học đường một cách hiệu quả hơn.
‘Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường’ - Ảnh 1.

Việc đưa các chuyên đề giáo dục vào trong nhà trường là việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt là hoạt động tham vấn học đường và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, thái độ sống cho các em học sinh - Ảnh minh họa

Theo ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn Hà Nội, những năm qua, vấn đề bạo lực học đường đã từng xảy ra tại các trường ở các mức độ khác nhau và điều này mang đến những hậu quả tiêu cực, cần phải ngăn chặn.

Từ những mô hình như "Điều em muốn nói"

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường, quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng tình trạng bạo lực học đường là mối quan tâm của nhiều trường học. Với Trường THCS Phú Cường, hiện tượng các em học sinh có mâu thuẫn dẫn đến xô sát với nhau đã xảy ra nhưng nhà trường đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nên đã không để lại hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng học sinh phân nhóm, bắt nạt nhau xuất hiện ở một vài lớp. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu, sự quan tâm kịp thời của giáo viên chủ nhiệm cùng các hoạt động tư vấn tâm lý, sự vào cuộc của bộ phận Đoàn-Đội nên các vấn đề trên được phát hiện sớm và giải quyết kịp thời. 

Bà Tạ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Khê (quận Hà Đông) cho biết, thực tế tại trường đã từng xảy ra hiện tượng học sinh phân nhóm, chia nhóm chơi cùng nhau. Có những nhóm bạn chơi với nhau đã hỗ trợ, giúp đỡ nhau học tập và kết quả của các em ngày càng tiến bộ hơn, tuy nhiên đa phần là các nhóm tụ tập theo mục đích khác. Để ngăn chặn tình trạng phân nhóm, bắt nạt trong học sinh, nhà trường đã xây dựng Phòng Tham vấn học đường và hòm thư "Điều em muốn nói", cử các cán bộ phụ trách lắng nghe, giải đáp những thắc mắc, xây dựng lòng tin và tư vấn, chia sẻ với các em.

"Chúng tôi cũng giữ mối liên hệ với chính quyền địa phương, công an phường, đoàn thanh niên để có sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời nếu có hiện tượng bắt nạt, bạo lực xảy ra. Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục kĩ năng sống với chủ đề 'Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường', bà Thúy nói.

Bên cạnh đó, hằng tháng, Ban Giám hiệu Trường Văn Khê tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, vui chơi giải trí lành mạnh, thu hút học sinh tham gia; thành lập Đội xung kích trực ở cổng trường để theo dõi các hoạt động của học sinh ngoài giờ học; tổ chức các buổi giao ban đội xung kích, cán bộ lớp, cán bộ đội hằng tuần, hằng tháng để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Cũng trên địa bàn quận Hà Đông, những năm qua, Trường THCS Phú La luôn tuyên truyền, nhắc nhở học sinh các biện pháp để phòng tránh tình trạng bạo lực học đường thông qua các giờ truy bài, giờ sinh hoạt lớp, các giờ hoạt động ngoại khóa. Đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm quan tâm tìm hiểu tâm lý học sinh để đưa ra các giải pháp giúp đỡ học sinh; phối kết hợp với gia đình để tuyên truyền các con tránh xa bạo lực học đường. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá hướng học sinh đến lối sống tích cực, lành mạnh.

Nhận diện bạo lực học đường và giải pháp ngăn chặn

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) Nguyễn Thế Hảo, bạo lực học đường có nhiều hình thức. Đó là bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục và bắt bạt (bắt nạt trực tuyến và bắt nạt trực tiếp).

"Theo quan sát của cá nhân tôi, thì hình thức bắt nạt trực tuyến trở nên phổ biến hơn sau khi các con có thời gian dài học tập trực tuyến vì dịch COVID-19. Nếu chúng ta quan sát kĩ các con, thì có thể thấy, ở các học sinh có dấu hiệu bị bạo lực thì đồ đạc, sách vở, quần áo của con có thể bị rách, bị bẩn hay bị mất; trên cơ thể xuất hiện các dấu vết như bầm tím, xước. Con có thể sợ đến trường; nghỉ học đột ngột; kết quả học tập sút kém hơn. Trạng thái tâm lý thường bồn chồn, hay lo lắng hay cảnh giác hơn; các em trở nên trầm tính, thu mình hơn. Nếu thấy các nhóm học sinh hay túm tụm tại các địa điểm như chân cầu thang, nhà vệ sinh, các khu vực vắng vẻ thì đó cũng có thể là dấu hiệu mà thầy cô giáo cần chú ý", thầy Nguyễn Thế Hảo chia sẻ.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, cùng với Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý trong trường trung học phổ thông. Theo Thầy Nguyễn Thế Hảo, đây là 2 căn cứ pháp lý quan trọng và cũng là động lực để nhà trường quan tâm nhiều hơn đến công tác tư vấn, tham vấn tâm lý cho học sinh.

Từ năm 2018, Trường Lê Quý Đôn đã thành lập phòng tham vấn học đường và tổ tư vấn tâm lý do các giáo viên kiêm nhiệm. Đến năm 2020, với nỗ lực tìm kiếm các sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, thì nhà trường đã có phòng tham vấn khang trang, với nhân sự có chuyên môn, chuyên trách, quy trình vận hành bài bản. Học sinh nhà trường hoàn toàn có thể tìm đến phòng tham vấn để chia sẻ với các chuyên viên tham vấn hằng ngày, khi các con gặp vướng mắc hay cần hỗ trợ.

Đối với Trường THCS Lê Quý Đôn, bên cạnh các công tác đã thực hiện từ trước, công tác tư vấn, tham vấn tâm lý hiện tại là công tác rất quan trọng nhằm nắm bắt nhu cầu, tâm lý của các con và kịp trời hỗ trợ, can thiệp; trước khi có các hệ luy khác xảy ra.

"Việc nâng cao nhận thức của các con về các vấn đề như bạo lực học đường, về bắt nạt trực tuyến, sử dụng Internet an toàn, hay cách tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua các chuyên đề giáo dục là cực kì cần thiết và nên có kế hoạch định kì hằng năm", thầy Nguyễn Thế Hảo cho biết.

Hiệu trưởng Trường THCS Mậu Lương, bà Nguyễn Thị Duyên cho rằng tình trạng học sinh bị bạo lực, đôi khi chỉ là những mâu thuẫn nhỏ dẫn tới những xích mích không đáng có gây mất đoàn kết kèm theo những hành vi lời nói bột phát làm tổn thương tinh thần lẫn nhau. Những bạo lực thường gặp trong nhà trường xảy ra đôi khi chỉ do sự ganh ghét và đố kỵ như nhìn thấy bạn học có kiểu tóc, trang phục "lạ mắt", không phù hợp là buông lời diễu cợt thay vì góp ý nhẹ nhàng. Trong học tập không bảo bài cho bạn, không cho bạn chép bài cũng bị bạn dọa nạt hoặc không chơi cùng. Tình trạng bạo lực học đường hiện nay chủ yếu diễn ra trên Internet. Học sinh sử dụng mạng xã hội tràn lan, xúc phạm, lăng mạ, nói xấu nhau... chỉ vì những mâu thuẫn đôi khi rất nhỏ trong giờ giải lao, chơi đùa.

Để ngăn chặn bạo lực học đường, Trường Mậu Lương tăng cường giáo dục thái độ sống, kỹ năng sống, thường xuyên tổ chức các phong trào, hoạt động tập thể lôi cuốn tối đa số học sinh tham gia; tăng cường công tác phối kết hợp quản lý và giáo dục học sinh giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Luật An ninh mạng và văn hoá ứng xử trên không gian mạng; đưa nội dung không sử dụng Smartphone trong quá trình học tập nếu môn học không có yêu cầu sử dụng và trong quá trình sinh hoạt tại trường vào nội quy trường lớp.

Việc đưa các chuyên đề giáo dục vào trong nhà trường là việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt là hoạt động tham vấn học đường và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, thái độ sống cho các em học sinh. Các hoạt động đó sẽ thực sự đem lại hiệu quả nếu được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Đừng quên sứ mệnh của thầy cô giáo là quan tâm, thương yêu học trò

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết Trường Đinh Tiên Hoàng rất đặc biệt bởi trường tiếp nhận tuyển cả những học sinh cá biệt. Do đó trường đã sớm quan tâm vấn đề bạo lực học đường và có Văn phòng Tư vấn học đường. Đây là mô hình giáo dục đặc sắc, học tập theo kinh nghiệm giáo dục của các nước tiên tiến. Văn phòng hoạt động hiệu quả, trợ giúp các em học sinh có khó khăn về tâm lý học đường, đồng thời giúp đỡ cha mẹ học sinh trong quá trình "Dạy con nên người". Khi phát hiện các biểu hiện "bắt nạt" thì nhà trường sẽ sớm tiếp cận cả 2 phía để tìm hiểu và giáo dục uốn nắn các học sinh đó. Cả nhóm học sinh bạo lực và phía bị đe dọa, bắt nạt đều được chăm sóc tâm lý và tư vấn.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, câu chuyện bạo lực học đường xảy ra cũng có một nguyên nhân quan trọng, đó là ở một số trường chạy theo kiến thức khoa học mà có lúc đã quên đi sứ mệnh của thầy cô giáo là quan tâm, thương yêu học trò. Cho nên phải luôn xác định việc quan tâm chăm sóc học sinh về tâm lý cũng quan trọng như việc đào tạo kiến thức. Sớm nắm bắt tâm lý thì sẽ sẽ có biện pháp để có thể giải quyết được vấn đề.

"Quan điểm của chúng tôi là tạo ra môi trường học tập tốt để các em tự tin, yêu thích học tập cũng là một cách chống bạo lực học đường. Chúng tôi hướng cho học sinh sự tự giác, học tốt để nâng cao giá trị sống của mình, tự chủ xây dựng kế hoạch mục tiêu phấn đấu có lý tưởng. Từ đó không sa đà chơi bời và tự tin để giải quyết vấn đề của mình, tự tin vào giá trị bản thân mà không cần dùng bạo lực. Học sinh phải được giáo dục biết chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái của, tự phát hiện bản thân biết sống có đạo lý, có lương tâm chứ không phải sống bừa", TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Bà Tạ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Khê cho rằng rất cần có những chuyên đề giáo dục giới tính, giáo dục tâm lý học đường, phòng chống bạo lực học đường… đưa vào trường học, vì đây là những chuyên đề rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách học sinh, giáo dục toàn diện học sinh, để học sinh có những nhận thức đúng đắn và từ đó sẽ có những hành vi đúng đắn.

"Theo tôi, các giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm sát sao, tìm hiểu tâm sinh lý học sinh, duy trì mối liên hệ chặt chẽ với giáo viên bộ môn và phụ huynh học sinh, phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường có dấu hiệu bắt nạt, bạo lực học đường để từ đó có biện pháp phù hợp ngăn chặn, giúp đỡ các học sinh", bà Tạ Thị Thúy nói.

Ở nhóm các học sinh tại các trường kể trên khi được hỏi về bạo lực học đường, các em cũng tỏ rõ nhận thức bạo lực học đường và đồng tình với việc cần có trang bị kiến thức tâm lý để môi trường học tập tốt hơn.

Một học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết bạo lực học đường là hình thức làm tổn hại đến người khác diễn ra trong khuôn viên trường học. Nếu bị bắt nạt thì tốt nhất học sinh sẽ tìm đến phòng tham vấn của trường để hỏi các cô ở đó xem nên làm thế nào thì tốt hơn.

Theo chia sẻ của một học sinh Trường THCS Văn Khê: "Em đã từng chứng kiến cảnh bạn bè bị bắt nạt. Nếu em bị trêu chọc, bị bắt nạt như vậy, em sẽ thấy rất buồn và xấu hổ. Thậm chí khó chịu, bực tức. Theo em, để các bạn đi học vui vẻ đoàn kết, giúp đỡ và không bắt nạt nhau, chúng em cần thường xuyên được tham gia các hoạt động học tập, vui chơi cùng nhau để từ đó gắn kết hơn".

Để các bạn đi học vui vẻ đoàn kết, giúp đỡ và không bắt nạt nhau, học sinh cần tích cực rèn luyện kĩ năng sống như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người khác như ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo; tôn trọng nhân phẩm và thân thể của bản thân và bạn bè cũng như người khác, sống chân thành, thật thà và suy nghĩ tích cực…; bên cạnh đó chấp hành tốt nội quy trường lớp, tránh xa bạo lực. Khi có vấn đề về bản thân, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô hoặc với đối tượng khác thì học sinh nên chia sẻ cùng bạn bè, người thân và thầy cô để nhận được lời khuyên và giúp đỡ cần thiết kịp thời…

Minh Anh

205 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 455
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 455
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77989182