Năm 2024, chúng ta kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến công vẻ vang, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mang tính chất quyết định đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta. Để nhìn lại chiến thắng này và góp phần đưa giá trị, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm, niềm tự hào dân tộc của chiến thắng thấm nhuần sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, không thể không nhắc tới vai trò của công tác tuyên truyền.
Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:
- Đại tá Tống Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Đại tá, TS. Lê Thanh Bài – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam;
- ThS. Hoàng Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương.
|
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trao đổi với các vị khách mời về chủ đề tuyên truyền sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
|
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Tống Văn Thanh, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về tầm vóc, giá trị lịch sử, ý nghĩa của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Xin đồng chí cho biết, Cục Tuyên huấn đã có sự chuẩn bị, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể như thế nào để tuyên truyền cho sự kiện này?
Đồng chí Tống Văn Thanh: Thưa các đồng chí, với quân đội, trên cơ sở quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, cụ thể là Hướng dẫn số 135-HD/BTGTW, ngày 08/01/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Cục Tuyên huấn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, tham mưu với lãnh đạo Bộ Quốc phòng ban hành một kế hoạch tổng thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với việc triển khai hiệu quả các hoạt động kỷ niệm cấp quốc gia, đó là chủ trì tổ chức diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm và chủ trì tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia, Bộ Quốc phòng triển khai nhiều hoạt động cho quân đội, trọng tâm là hoạt động tuyên truyền giáo dục, hoạt động thi đua khen thưởng, hoạt động hội thao, tọa đàm, triển lãm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật,… Trong đó, Cục Tuyên huấn tham mưu với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, xác định công tác tuyên truyền là công tác quan trọng hàng đầu và phải làm trước tiên.
|
Đồng chí Tống Văn Thanh cho biết, Cục Tuyên huấn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, tham mưu với lãnh đạo Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch tổng thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
PV: Với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, xin đồng chí Lê Thanh Bài cho biết, Viện đã có các hoạt động cụ thể như thế nào để phục vụ cho việc tuyên truyền sự kiện quan trọng này?
Đồng chí Lê Thanh Bài: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tham gia cung cấp các cơ sở và luận cứ khoa học để phục vụ công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất.
Trong đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với chủ đề “sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại”, chúng tôi tập trung làm rõ quá trình thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc, để cho một đất nước vừa mới trải qua nạn đói, một nhà nước vừa mới được thành lập, một quân đội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “quân đội thơ ấu, tinh thần dũng cảm có thừa nhưng thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt” nhưng tại sao chúng ta lại chiến thắng được đế quốc? Và bài học của quá trình xây dựng nội lực, phát huy tiềm lực của kháng chiến để giành lấy chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị hiện nay như thế nào? Đây là một bước tiếp, tạo ra dòng chảy lịch sử và chúng tôi đã cung cấp những dữ liệu để thứ nhất tiến hành hội thảo cấp quốc gia, thứ hai, để cho các cơ quan báo chí tuyên truyền có dịp được tiếp cận, làm rõ hơn chủ đề mà Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề ra. Còn về vấn đề thời đại, không phải là thời đại của thập niên 50, 60 của thế kỷ trước mà vấn đề thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ trong giai đoạn hiện nay.
Đó là trong một xã hội mặc dù toàn cầu hóa nhưng giá trị của quốc gia, dân tộc vẫn được khẳng định. Và khẳng định Việt Nam, Điện Biên Phủ đã trở thành một tên gọi thân thương, quen thuộc trên thế giới. Khẳng định giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ để chúng ta kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, bảo vệ thành quả của cách mạng Tháng Tám, mà giá trị đó chúng ta đóng góp vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
|
Theo đồng chí Lê Thanh Bài, trong đợt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tập trung làm rõ quá trình thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc. |
PV: Theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ đề tuyên truyền về sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”. Theo đồng chí Hoàng Thanh Hải, chúng ta cần tập trung, nhấn mạnh vào những nội dung nào trong công tác tuyên truyền?
Đồng chí Hoàng Thanh Hải: Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 135 ngày 8/1/2024 về tuyên truyền kỷ niệm sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó chúng tôi đã xác định chủ đề là “Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”. Đây là chủ đề vừa mang tính khái quát nhưng cũng mang ý nghĩa rất sâu sắc về sự kiện đó.
Để lan tỏa sâu rộng về sự kiện này, các cơ quan tuyên truyền cần tập trung vào một số nội dung như: Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava, sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, chủ trương của Đảng ta và sự chuẩn bị của Đảng ta trên các lĩnh vực; tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của sự kiện và những bài học, kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại, nhất là việc phát huy những bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, chúng ta cũng cần phải phân tích và làm rõ chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam được hun đúc, tiếp nối qua hàng ngàn năm lịch sử và được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh và được thể hiện ở đường lối lãnh đạo rất đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc, trong thể hiện sự lãnh đạo của Đảng ta khi xác định đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
Tiếp nữa, chúng ta cũng phải khẳng định rõ hơn về sức mạnh của nghệ thuật quân sự tài tình, cùng với sự trưởng thành, chiến đấu anh dũng kiên cường của quân đội ta. Sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, trong nước và với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế khi chúng ta xây dựng liên minh chiến đấu giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải khẳng định sự đóng góp, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các tầng lớp nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời, khi tuyên truyền về lịch sử, chúng ta phải khẳng định những thành tựu của đất nước, đồng bào, dân tộc các tỉnh Tây Bắc trong 70 năm qua, những nghị quyết, chiến lược, chương trình, dự án phát triển vùng Tây Bắc và của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới; nhấn mạnh những công việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các cơ quan tuyên truyền tập trung tuyên truyền các hoạt động được diễn ra trên khắp cả nước, trong đó chú trọng tới những hoạt động quan trọng như: Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, chương trình nghệ thuật đặc biệt, chương trình cầu truyền hình tại 5 điểm cầu gồm TP. Hà Nội, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Kon Tum; Hội thảo khoa học cấp quốc gia và một số những chương trình, sự kiện quan trọng khác.
PV: Thời gian từ nay cho tới lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ không còn nhiều. Xin đồng chí Hoàng Thanh Hải cho biết, trong thời gian còn lại của quá trình chuẩn bị, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào để đảm bảo tiến độ cũng như tổ chức sự kiện đạt yêu cầu đề ra?
Đồng chí Hoàng Thanh Hải: Từ nay đến lúc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thời gian không còn dài, do đó, cơ quan, đơn vị được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn trong Hướng dẫn 135 cần tập trung vào những nhiệm vụ đã được giao, đã được phân công một cách rất tốt, an toàn, chu đáo các hoạt động kỷ niệm. Để tổ chức những hoạt động này, cần nêu cao trách nhiệm chủ trì của các cơ quan và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị được phối hợp.
Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn. Chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với tỉnh Điện Biên xây dựng đề án kỷ niệm, phối hợp để xây dựng kế hoạch tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, lễ kỷ niệm diễu binh, diễu hành; phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng đề án tổ chức diễu binh, diễu hành, tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng các kế hoạch liên quan đến tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt và tổ chức triển lãm ảnh, giới thiệu, xây dựng phim, tài liệu về sự kiện.
Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi có sự phối hợp rất chặt chẽ. Đó là phối hợp tổ chức Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại 5 điểm cầu. Chương trình cầu truyền hình này sẽ có giá trị rất lớn trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - sự kiện sẽ lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
|
Đồng chí Hoàng Thanh Hải cho rằng, để thực hiện tốt các hoạt động phục vụ cho kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cần nêu cao trách nhiệm chủ trì của các cơ quan và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị. |
PV: Thời gian từ nay đến lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Cục Tuyên huấn tiếp tục có những kế hoạch và hoạt động thế như thế nào, thưa đồng chí Tống Văn Thanh?
Đồng chí Tống Văn Thanh: Qua ý kiến của đồng chí Hoàng Thanh Hải, tôi rất nhất trí về các hoạt động và có thể nói, thời gian còn lại để chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn quyết định.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả như mong muốn, theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung nhấn mạnh vào một số nội dung. Chúng ta phải tiếp tục làm rõ được bối cảnh lịch sử, tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, làm nổi bật tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và bản lĩnh của trí tuệ con người Việt Nam cũng như ý chí quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Thứ nữa, chúng ta cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về tinh thần đoàn kết, chiến đấu thủy chung, son sắt của quân và dân 3 nước Đông Dương và thấy rằng, sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền công lao, đóng góp to lớn của quân và dân ta, đặc biệt là các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào tỉnh Điện Biện và các tầng lớp nhân dân Tây Bắc trong cuộc kháng chiến vĩ đại này.
Chúng ta cũng phải phân tích làm rõ tác động mạnh mẽ của chiến thắng Điện Biên Phủ tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, nhất là cổ vũ các nước thuộc địa của thực dân Pháp ở châu Á, châu Phi,… vùng dậy đấu tranh, giành độc lập.
Và một việc nữa, tôi thấy cũng rất quan trọng, đó là chúng ta phải phân tích, mổ xẻ làm sao để thấy được những bài học, kinh nghiệm quý báu của chiến thắng Điện Biên Phủ, cần được tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
PV: Về phía Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện có thêm những hoạt động cụ thể nào để chuẩn bị cho sự kiện này, thưa đồng chí Lê Thanh Bài?
Đồng chí Lê Thanh Bài: Từ nay cho đến dịp kỷ niệm, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cũng đang thực hiện những nhiệm vụ được giao, nhưng nhiệm vụ trọng tâm nhất là cơ quan thường trực cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan phối hợp để tổ chức thành công hội thảo cấp quốc gia về Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, báo chí, truyền thông để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về sự kiện này./.