Sau 1 năm vận hành, nhiều dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã được người dân đón nhận, trong đó 10 dịch vụ công trực tuyến có số lượng giao dịch lớn nhất là các dịch vụ phục vụ các hoạt động của doanh nghiệp và các dịch vụ thuận tiện cho người dân khi làm TTHC.
Theo đó, dịch vụ "Cấp mới từ lưới điện hạ áp" có 283.000 người dân, doanh nghiệp sử dụng; "Thông báo hoạt động khuyến mại" có hơn 184.000 hồ sơ thực hiện; "Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện" có 48.000 hồ sơ thực hiện...
|
Sự thuận tiện của Cổng DVCQG là người dân ngồi nhà "kích chuột" để thực hiện TTCH. Ảnh: VGP |
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định là địa phương sớm triển khai dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” đến các xã và thị trấn, đi đôi với việc sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được kết nối liên thông các cấp để luân chuyển hồ sơ thủ tục hành chính điện tử, giải quyết có hiệu quả thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (hay còn gọi là dịch vụ công trực tuyến).
Anh Trần Xuân Tùng (thôn Vĩnh Thọ, xã vùng cao Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) cho biết: “Trước đây tôi muốn nộp lý lịch tư pháp là phải đến trung tâm phục vụ hành chính công tại TP. Quy Nhơn, đi lại khó khăn, còn bây giờ qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tôi thấy rất nhanh chóng và thuận tiện, chỉ cần qua smartphone hoặc máy tính thực hiện được nhiều dịch vụ khác nhau”.
Dịch vụ công số 725: “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai cung cấp trên Cổng DVCQG từ ngày 1/7/2010. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các bản sao chứng thực điện tử để nộp hồ sơ thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVC của tỉnh, hoặc Cổng DVCQG.
“Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” đến nay đã có 4.500 người dân, doanh nghiệp thực hiện thành công.
Trước đây, khi chưa có dịch vụ này, người dân và doanh nghiệp scan giấy tờ thành file điện tử để nộp hồ sơ trực tuyến; sau đó phải mang bản chứng thực (là bản giấy) hoặc mang bản chính đến trực tiếp cơ quan nhà nước để bổ sung hoặc đối chiếu. Sau khi có Dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính”, người dân, doanh nghiệp không phải làm việc này vì quy định về bản sao chứng thực điện tử có giá trị pháp lý như bản chính.
Dịch vụ công số 725 là dịch vụ quan trọng, có vai trò thúc đẩy số hóa, với giá trị sử dụng của bản sao điện tử đã được chứng thực có giá trị thay cho bản chính… sẽ giúp đưa hầu hết các thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên môi trường điện tử (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4), cũng như tạo điều kiện để thực hiện các giao dịch số trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.
|
Dịch vụ công cung cấp trên Cổng DVCQG tăng trưởng trong 1 năm. |
Dứt tình trạng ‘1 nhân viên chuyên làm thủ tục’
Theo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, năm 2018 trong một cuộc khảo sát cùng Bộ Công Thương, có phỏng vấn 1 doanh nghiệp (DN) kinh doanh siêu thị tại Cà Mau về việc thực hiện thủ tục thông báo khuyến mãi. Doanh nghiệp này cho biết, họ liên tục phải tiến hành thủ tục này vì siêu thị có rất nhiều mặt hàng, quay vòng khuyến mãi liên tục. Vì thế, họ đã bố trí riêng 1 nhân viên gần như ngày nào cũng tới Sở Công Thương để nộp 1 tờ thông báo.
Năm 2019, trong 1 đợt khảo sát khác, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đã lắng nghe ý kiến của nhiều doanh nghiệp có hoạt động thương mại diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố rằng dù thông báo khuyến mãi là 1 thủ tục hết sức đơn giản nhưng họ vẫn mất nhiều công sức thực hiện bởi phải đăng kí với nhiều tỉnh thành cùng lúc khi có chương trình khuyến mại…
Từ thực tiễn doanh nghiệp nêu, ngay thời điểm khai trương, một trong 8 dịch vụ công được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) là dịch vụ: “Thông báo khuyến mại”.
Chia sẻ về trải nghiệm của người dùng, bà Vũ Thị Tuyến, Phó Ban Nghiên cứu thị trường và phát triển Dịch vụ, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone cho biết khi sử dụng Cổng DVCQG để đăng ký các chương trình khuyến mãi đã tiết kiệm được thời gian, nguồn lực, tài chính. Chỉ cần 3 bước đơn giản khi sử dụng dịch vụ, đó là: DN đăng ký cấp chữ ký số, truy cập website dichvucong.gov.vn và khai báo thông tin khuyến mãi.
"Thời gian chúng tôi thao tác chỉ mất tối đa 15 phút. Việc này giúp DN hạn chế đi lại rất nhiều. Trước kia DN phải chuyển fax đến Sở Công Thương các tỉnh, còn bây giờ chỉ khai báo điện tử và dùng chữ ký số, nộp hồ sơ duy nhất 1 lần với 63 Sở Công thương.
Lợi ích thấy rõ nhất là tiết kiệm được thời gian, nguồn lực và công sức. Cụ thể, giảm việc đi lại nộp hồ sơ theo phương thức trực tiếp (0,5 ngày làm việc) và thời gian chuẩn bị hồ sơ (tối thiểu 02 giờ làm việc). Tiết kiệm nguồn nhân lực tham gia đi nộp hồ sơ, lái xe, nhân lực văn phòng chuẩn bị hồ sơ, đóng phong bì… tạo điều kiện tăng năng suất lao động ở các công việc khác.
“Trong 1 năm chúng tôi thực hiện 300 chương trình khuyến mãi thì tiết kiệm được 200 triệu một năm. Như vậy, DN trên toàn quốc sẽ tiết kiệm được hơn 1.500 tỷ/năm", bà Tuyến thông tin.
Chính vì sự thuận tiện cho DN, dịch vụ công: “Thông báo hoạt động khuyến mại” đến nay đã có 184.000 hồ sơ hoặc giao dịch được thực hiện, đứng thứ 2 trong 10 dịch vụ công được người dân, DN sử dụng nhiều nhất.
Bên cạnh thủ tục thông báo hoạt động khuyến mãi, thủ tục nộp BHXH là 1 trong những nhóm thủ tục trọng tâm đã hoàn thành tích hợp với Cổng DVCQG để mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho các DN.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam cho biết, mỗi năm BHXH có khoảng 50 triệu lượt hồ sơ liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được DN gửi lên Cổng dịch vụ của BHXH thì việc kết nối, liên thông trên Cổng DVCQG đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp.
BHXH Việt Nam đã dùng Cổng DVQG để triển khai nhiều dịch vụ công như: Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệm; giải quyết chế độ ốm đau; thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm, đau…
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Cổng DVCQG chính là thực hiện một kết nối với nhiều tiện ích. Chỉ với 1 tài khoản đăng nhập trên Cổng DVCQG, DN có thể thực hiện rất nhiều dịch vụ công của BHXH Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương; tra cứu thông tin về thủ tục hành chính và các thông tin liên quan khác. Đồng thời gửi phản ánh kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương.
“Nhờ Cổng DCVQG, ngành chúng tôi đã nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ với doanh nghiệp và thông qua những phản ánh, kiến nghị trên Cổng DVCQG, chúng tôi đã có chỉ đạo kịp thời để địa phương thực hiện”, ông Phương cho biết.
Theo lộ trình, BHXH Việt Nam sẽ cung cấp dần tất cả các dịch vụ công hiện có lên Cổng DVCQG, triển khai kết nối liên thông bảo đảm tất cả các DN đều có thể sử dụng DVC ngành BHXH trên Cổng DVC Quốc gia; đồng thời triển khai các dịch vụ công liên quan có sử dụng thanh toán điện tử trên Cổng DVCQG.
“Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế, đóng BHXH tự nguyện, đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc” đến nay có 18.500 hồ sơ/giao dịch trên Cổng DVCQG.
Đã có hàng chục tỷ đồng thanh toán trực tuyến
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết, đến nay, Cổng DVCQG cung cấp hơn 2.500/6.798 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có hơn 1.290 thủ tục dành cho công dân, hơn 1.370 thủ tục dành cho doanh nghiệp (đạt 35%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 5%).
|
Số giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. |
"Với mục tiêu trong năm 2020 tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trên Cổng DVCQG thì chắc chắn các Bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Ngô Hải Phan cho biết.
Để mang lại tiện ích cho người dùng, hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG được đưa vào vận hành từ tháng 3/2020. Đến ngày 07/9/2020, sau 6 tháng đưa vào hệ thống thanh toán trực tuyến đã có hơn 3.799 hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến. Thời điểm hiện tại, hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG có 38.000 hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến.
Bên cạnh lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc nơi đông người, góp phần phòng, chống dịch COVID-19, khi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn mang lại nhiều lợi ích khác như: tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ thủ tục hành chính; tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công, góp phần vào tiến trình cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy giấy tờ, thay đổi thói quen giao dịch kiểu cũ chỉ qua hồ sơ giấy; đồng thời mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm cho chính doanh nghiệp và xã hội.
10 Dịch vụ công được sử dụng nhiều nhất trên Cổng DVCQG:
1. Cấp mới từ lưới điện hạ áp: 283.000 hồ sơ hoặc giao dịch được thực hiện
2. Thông báo hoạt động khuyến mại: 184.000 hồ sơ/giao dịch
3. Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện: 48.000 hồ sơ/giao dịch
4. Thay đổi thông tin đã đăng ký (EVN): 30.000 hồ sơ/giao dịch
5. Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế, đóng BHXH tự nguyện, đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc: 18.500 hồ sơ/giao dịch
6. Thanh toán tiền điện: 5.755 hồ sơ/giao dịch
7. Thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: 5.000 hồ sơ/giao dịch
8. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính: 4.500 hồ sơ/giao dịch
9. Thủ tục đăng ký khai sinh: 3.000 hồ sơ/giao dịch
10. Thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại: 2.076 hồ sơ/giao dịch
|
(còn nữa)
Gia Huy-Hoàng Giang