Bài 2: Phát triển văn hóa – Nói phải đi đôi với làm 

(Chinhphu.vn) - Là người được trực tiếp tham gia nghiên cứu, tổng kết, xây dựng một số dự thảo nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII, XI, X về tư tường, văn hóa, PGS.TS Đào Duy Quát trăn trở nhất là những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ được đưa ra rất đúng, rất sáng suốt nhưng việc đưa các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ vào cuộc sống cũng còn chậm, nhiều vướng mắc, nhiều hạn chế, bất cập.

 

PGS.TS Đào Duy Quát: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương tiêu biểu về văn hóa trong mọi hoạt động. Ảnh:  VGP/Đình Nam

• Bài 1: Sức mạnh trường tồn của văn hóa Việt Nam

Theo ông, bên cạnh sự phát triển liên tục với tốc độ khá cao, nền kinh tế -xã hội của chúng ta đã bộc lộ nhiều biểu hiện đáng lo ngại từ tác động tiêu cực của cơ chế thị trường như: Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, thực dụng, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…

Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994), Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ trước mắt là: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Sau đó trong các đại hội lần thứ VIII, IX, X, XI, XII, Đảng ta liên tục ra các nghị quyết chuyên đề để khắc phục những mặt tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường. Và việc giải quyết những bất cập, hạn chế trong xây dựng, phát triển văn hóa không đơn giản trong “ngày một, ngày hai” hay bằng 1 Nghị quyết mà là cả một quá trình nỗ lực liên tục, quyết tâm, ý chí chính trị rất lớn.

Đảng đã có một số nghị quyết rất quan trọng như nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã chỉ rõ: Trong khi tập trung sức vào nhiệm vụ kinh tế, Đảng chưa lường hết được những tiêu cực nói trên, từ đó chưa đặt đúng vị trí của văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp cụ thể.

Sau 15 năm thực hiện, năm 2014, Đảng ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với bước phát triển mới về tư duy văn hóa trong quan điểm chỉ đạo: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Nút thắt thể chế

Như ông đã đánh giá, những nghị quyết của Đảng về văn hóa trong từng giai đoạn rất trúng, rất đúng, vậy tại sao những kết quả đạt được chưa được như chúng ta mong muốn?

PGS.TS Đào Duy Quát: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển về văn hóa là vô cùng quan trọng. Nhiều nước như Nga, Hàn Quốc xây dựng hẳn một bộ luật điều chỉnh tất cả các lĩnh vực về văn hóa, trong khi ở nước ta hiện nay đang ở tình trạng chưa hoàn thiện. Đáng chú ý, còn nhiều quan điểm, chủ trương phát triển văn hóa, con người chưa được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách và một số cơ chế, chính sách đã ban hành bị thực tiễn cuộc sống vượt qua.

PGS.TS Đào Duy Quát cho biết khi còn công tác ở Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), ông đã tham gia triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và tham gia Ban chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết này năm 2015. Nhưng sau 15 năm thực hiện, mới chỉ có 15% nhiệm vụ, giải pháp nêu trong nghị quyết được thể chế hóa thành cơ chế chính sách để thực hiện. Một ví dụ khác là năm 2008 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; thành lập Ban Chỉ đạo thể chế hóa nghị quyết nhưng sau 6 năm thực hiện mới đạt được 20%.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đào Duy Quát cũng cho rằng các nguồn lực đầu tư cho văn hoá chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt những đơn vị văn hóa nghệ thuật xã hội hóa chưa được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. 

Có thể thấy rằng, dù có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hoá.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn việc chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp lãnh đạo, quản lý các cấp về văn hóa.

Sau Đại hội Đảng lần thứ XII, có sự thay đổi lớn đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp nên nhận thức của một số cán bộ mới về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa còn nhiều hạn chế. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa dành sự quan tâm chỉ đạo, nguồn lực đầu tư tương xứng cho văn hóa. Chưa kể khi đã nhận diện được những bất cập, hạn chế về văn hoá, không còn thời gian để giải quyết mà để lại cho nhiệm kỳ sau…

Làm thế nào để khắc phục được thực trạng này, để tạo bước chuyển rõ nét trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, thưa ông?

PGS. TS Đào Duy Quát: Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạng tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam.

Theo quan điểm chỉ đạo này, yêu cầu bức thiết là toàn Đảng, toàn dân phải thực sự coi trọng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33 (khóa XI) về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta phải xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 (khóa XI) để khắc phục cho được những yếu kém, hạn chế, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Để văn hóa được coi trọng như chính trị, kinh tế, xã hội, chúng tôi khuyến nghị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Thống nhất, tập trung, phối hợp chỉ đạo thực hiệm dứt điểm việc thể chế hóa 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp của Nghị quyết 33 (khóa XI), hình thành hệ thống đồng bộ luật, nghị định, cơ chế, chính sách. Chúng ta phải coi đây là khâu đột phá để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới.

Ảnh minh họa: VGP/Đình Nam

 

Vậy trong phát triển kinh tế, vai trò của văn hóa được thể hiện như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đào Duy Quát: Văn hóa là động lực, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trong các thế kỷ trước, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác cá yếu tố lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Đến thời kỳ cơ khí hóa thì vốn, kỹ thuật, quản lý là những yếu tố chủ chốt của tăng trưởng kinh tế. Ngày nay, trong điều kiện bùng nổ của cuộc cách mạnh khoa học công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức thì yếu tố quyết định cho sự phát triển là trí tuệ, là thông tin, là sáng tạo đổi mới không ngừng nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của toàn xã hội.

Do đó, trong thời đại ngày nay, để trở nên giàu mạnh không chỉ phụ thuộc vào lao động, vốn, kỹ thuật, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu là khả năng phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong các yếu tố cấu thành văn hóa, nghĩa là trong ý chí tự cường, khả năng hiểu biết, trong tâm hồn, đạo lý, lối sống, trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương tiêu biểu về văn hóa trong mọi hoạt động. 

Để văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế thì mỗi chính sách phát triển đúng đắn phải làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm thấu sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người.

Nói cách khác, hàm lượng trí tuệ, hàm lượng văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống con người càng cao bao nhiêu thì khả năng phát triển kinh tế-xã hội nhanh, mạnh và bền vững càng trở nên hiện thực bấy nhiêu.

Ở tầm vĩ mô, các chính sách phát triển kinh tế, xã hội luôn phải chú trọng đến các chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế. Đặc biệt, phải thực sự xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, rất chú trọng xây dựng môi trường văn hóa và thiết chế văn hóa.

Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, văn hóa phải đóng vai trò định hướng, điều tiết để các yếu tố ngoại sinh như vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm, quản lý, thị trường nước ngoài… trở thành động lực bên trong của sự phát triển, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức, tâm hồn, lối sống của người Việt Nam.

Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng

Đảng ta luôn hết sức chú trọng đến xây dựng và phát triển văn hóa, vậy đối với Đảng, vấn đề văn hóa được đặt ra như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đào Duy Quát: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã nêu rõ “Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước”. Nội dung cốt lõi của nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

V.I.Lenin đã nói: “Đảng là trí tuệ, danh dự, lương tâm của thời đại”, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Văn hóa trong Đảng phải bao gồm những giá trị tinh thần, phẩm chất đạo đức cao đẹp của mỗi cán bộ, đảng viên luôn kiên định, vững vàng trước mọi thách thức, khó khăn. Gương mẫu trong lao động, học tập, công tác. Sống giản dị khiêm tốn, gắn bó máu thịt với nhân dân. Có đức hy sinh cao thượng. Tấm gương về lòng yêu nước. Ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, hợp tác. Lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý…

Văn hóa trong Đảng còn được thể hiện ở tính tổ chức, kỷ luật, tự giác, nghiêm minh. Mọi cán bộ, đảng viên phải nói và làm theo đúng Cương lĩnh, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng văn hóa trong Đảng, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, nội dung về văn hóa trong Đảng; cụ thể hóa các giá trị văn hóa trong Đảng thành những tiêu chuẩn phù hợp với từng đối tượng đảng viên và tổ chức Đảng. Chúng ta phải thực sự đổi mới công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, rèn luyện và quản lý đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên. Tiến hành cuộc vận động xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảng. Hướng dẫn, cổ vũ, động viên mọi cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, vươn tới các giá trị Chân-Thiện-Mỹ.

 

Đình Nam
(thực hiện)
376 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1230
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1230
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153113