Bài 2: Để có hàng triệu doanh nghiệp hiệu quả 

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã xác định các mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp”.

 

Nhiều hộ kinh doanh tại Việt Nam có quy mô rất lớn. - Ảnh minh họa

Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động.

Thực tế giữa số liệu đăng ký kinh doanh và số DN thực tế hoạt động có một khoảng cách khá chênh lệnh. Theo thống kê thì chỉ có khoảng 50- 60% DN đăng ký kinh doanh đang hoạt động, số còn lại là các DN có hoặc không có đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, chờ giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể, nghĩa là muốn có 1 triệu DN đang hoạt động thì cần có 1,5 – 1,6 triệu DN đăng ký.

Theo Sách trắng DN Việt Nam 2019 tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Như vậy để đạt mục tiêu 2020 có 1 triệu DN hoạt động thì chúng ta phải phấn đấu có thêm gần 300.000 DN hoạt động (khoảng 450.000 DN đăng ký); để đạt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu DN hoạt động thì cần có thêm 800.000 DN hoạt động (1,2 triệu DN đăng ký) và để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu DN hoạt động thì cần có thêm 1,3 triệu DN hoạt động (gần 2 triệu DN đăng ký). Đây là mục tiêu hết sức khó khăn nếu căn cứ vào tốc độ phát triển DN hiện nay (khoảng 9-10%/năm đối với DN hoạt động).

Câu hỏi đặt ra là làm cách nào có thể  đạt được mục tiêu phát triển DN theo Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và thậm chí hoàn thành vượt mức các mục tiêu trên?

Câu trả lời là các mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 5 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 35 của Chính phủ hoàn toàn có thể thực hiện được và thực hiện vượt mức nếu chúng ta có các giải pháp đột phá về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện đơn giản nhất để người dân có thể lập nghiệp, khởi nghiệp

Mặc dù thủ tục đăng ký DN đã đơn giản, thông thoáng nhưng là đơn giản, thông thoáng so với các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh trước đây, còn trong quan hệ so sánh với các nước trên thế giới thì còn khoảng cách khá lớn. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018 chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh ở Việt Nam đứng thứ 104/190 nền kinh tế với 8 thủ tục, 17 ngày và chi phí bằng 5,9% thu nhập bình quân đầu người. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong ASEAN Việt Nam đứng thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, và Brunei.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, tiếp theo các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 với mục tiêu: “Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân… nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN”.

Để thực hiện được mục tiêu này cần có các cải cách mạnh mẽ, chỉ đạo quyết liệt để nâng hạng các chỉ tiêu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các Tổ chức quốc tế như WB, WEF, WIPO, UN, trong đó chỉ số Khởi sự kinh doanh phải nâng lên từ 20- 25 bậc. Nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện được với việc sửa đổi căn bản pháp luật, cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, khởi sự DN theo hướng thuận lợi và đơn giản nhất có thể.

Sửa đổi Luật DN, xây dựng khung pháp lý cho hộ kinh doanh

Khung khổ pháp lý chủ yếu cho việc thành lập DN hiện nay là Luật DN. Luật DN 2014 với các quy định đơn giản hóa thủ tục thành lập DN đã tạo ra bước phát triển đột phá về số lượng thành lập DN trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển DN trong giai đoạn mới, Luật DN còn bộc lộ những hạn chế cần được tiếp tục sửa đổi, trong đó sửa đổi quan trọng nhất là khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh.

Ngoài các DN thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật DN, hộ kinh doanh là một mô hình tổ chức kinh doanh khá phát triển tại Việt Nam. Theo thống kê hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 1,8 triệu hộ kinh doanh được cơ quan thuế đưa vào diện quản lý đóng góp khoảng 30% GDP của quốc gia.

Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh hiện tại đang hoạt động trong môi trường thiếu bình đẳng, gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, họ không nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo, xúc tiến thương mại, ưu đãi vay vốn… như các DN.

Khó khăn lớn nhất là hộ kinh doanh khó vay vốn từ ngân hàng và các quỹ tín dụng do các quy định pháp luật về đại diện của hộ kinh doanh trong Bộ luật dân sự và Luật DN không rõ ràng. Vì vậy hộ kinh doanh buộc phải sử dụng vốn vay từ các nguồn phi chính thức. Đây là mảnh đất màu mỡ cho “tín dụng đen” phát triển, gây nhiều rủi ro cho các chủ hộ kinh doanh và hậu quả xã hội rất lớn.

Ngoài ra, do không rõ ràng về địa vị pháp lý, trách nhiệm dân sự, hộ kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đăng ký nhãn hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ, giải quyết tranh chấp. Hộ kinh doanh còn bị hạn chế về không gian hoạt động, chỉ được kinh doanh trong địa bàn quận, huyện cấp phép và chỉ được sử dụng dưới 10 lao động thường xuyên.

Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù có số lượng đông đảo, có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng các hộ kinh doanh không được đối xử bình đẳng với các DN và loại hình kinh doanh khác, thiếu khung khổ pháp lý để hoạt động, chưa nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy đa số các hộ kinh doanh không muốn phát triển để đăng ký kinh doanh như các loại hình DN quy định trong Luật DN, trong đó có những hộ kinh doanh ở quy mô lớn về doanh thu.

Có một số lý do, trong đó lý do chính là thủ tục đăng ký kinh doanh đổi với các hộ kinh doanh rất đơn giản, chi phí tuân thủ pháp luật không đáng kể.

Hộ kinh doanh được áp dụng hình thức thuế khoán nên mức độ đóng thuế thấp và có thể thỏa thuận được với cơ quan thuế về mức thuế phải nộp. Hộ kinh doanh không phải là đơn vị kế toán theo Luật Kế toán nên không bắt buộc phải có bộ máy kế toán, lập báo cáo tài chính. Hộ kinh doanh cũng không thuộc đối tượng của Luật Phá sản.

Nếu chuyển sang khu vực đăng ký kinh doanh theo Luật DN các hộ kinh doanh sẽ lập tức đối mặt với hàng loạt quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bảo hiểm xã hội, chế độ chính sách với người lao động, môi trường, phòng cháy chữa cháy, chính sách thuế, kế toán… với các chi phí tuân thủ pháp luật cao. Việc thỏa thuận đóng thuế và các điều kiện kinh doanh đơn giản, không được quy định cụ thể cũng là mảnh đất tốt để phát sinh tham nhũng, tiêu cực giữa chủ hộ với các cơ quan thuế, công an, quản lý thị trường, quản lý hành chính…

Từ thực tiễn Việt Nam và thế giới có thể nhận thấy mặc dù có một số ưu điểm và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế hộ đã bộc lộ những bất cập, bất hợp lý, bất bình đẳng cần được quan tâm giải quyết triệt để.

Trước hết, cần coi hộ kinh doanh cũng là một loại hình DN vì xét về bản chất các hộ kinh doanh chính là các DN tư nhân đích thực, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ để tạo ra lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm cho chính chủ hộ, các thành viên gia đình và xã hội. Cần sớm sửa đổi Luật DN theo tinh thần này để bảo đảm cho hộ kinh doanh có khung khổ pháp lý thuận lợi, bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác, chẳng hạn dưới hình thức DN 1 chủ.

Theo tinh thần này, cá nhân muốn kinh doanh đều phải thành lập DN theo quy định của Luật DN thống nhất cho mọi loại hình kinh doanh. Đối với các hộ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh trước đây, Nhà nước cho phép 1 thời gian nhất định để chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới.

Để bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng, các DN nhỏ, siêu nhỏ, DN 1 chủ (hộ kinh doanh trước đây) cần phải tuân thủ chế độ kế toán, thuế, BHXH… theo quy định chung của Nhà nước. Các hình thức thuê dịch vụ kế toán, kiểm toán cần được khuyến khích phát triển để phục vụ các loại hình DN này.

Nhà nước cần hướng người dân, DN chuẩn bị cho xu thế một xã hội hiện đại, văn minh (như nhà thông minh, du lịch thông minh, thành phố thông minh…), đón trước các nhu cầu phát triển của xã hội trong kỷ nguyên số. Xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng thông tin hiện đại, thực hiện chuyển đổi số quốc gia và hỗ trợ chuyển đổi số cho DN; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chẳng hạn việc thực hiện chế độ kế toán có thể trên các thiết bị điện thoại thông minh, chủ DN có thể dễ dàng kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh, thực hiện các chi phí tuân thủ pháp luật dễ dàng, minh bạch. Bên cạnh đó nhu cầu xã hội làm phát sinh ngành nghề mới như “kế toán thuê”, quyết toán thuê,…và theo đó, mọi việc sẽ trở nên đơn giản và bình thường.

Các biện pháp, quy định nêu có ý nghĩa chính là tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho việc đăng ký kinh doanh và để khuyến khích các các DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành các DN lớn khi hội tụ đủ điều kiện và có mong muốn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc người dân lựa chọn loại hình kinh doanh nào, loại hình DN nào đều dựa trên các nguyên tắc của thị trường và quyền tự do kinh doanh của họ.

Nếu thực hiện bài bản, quyết liệt các biện pháp nêu trên chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nhiều hơn hộ kinh doanh có đăng ký đang nộp thuế trở thành DN và nhiều hộ kinh doanh, DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành DN ở quy mô lớn hơn. Mục tiêu có 2- 3 triệu DN không phải là mục tiêu khó thực hiện.

CEO Đặng Đức Thành
Chủ nhiệm câu lạc bộ Các Nhà Kinh Tế (VEC)
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

297 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1048
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 1050
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87227186