Bài 2: Công khai, minh bạch: Vấn đề lớn và khó trong PPP 

(Chinhphu.vn) – Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cần cởi mở, thông thoáng để thu hút nguồn lực tư nhân, song cũng cần bảo đảm công khai, minh bạch.

 

Thời gian qua, đã có nhiều công trình hợp tác công tư trong nhiều lĩnh vực được xây dựng tại các địa phương.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Chí Dũng (Đoàn Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng sự minh bạch, bình đẳng và chia sẻ rủi ro là vấn đề rất lớn nhưng cũng rất khó. Trên thực tế, có nước có luật, nước lại không có luật về hợp tác công tư. Có những nước đánh giá rất cao hợp đồng PPP và xử lý tất cả những vấn đề xung quanh hợp đồng bằng luật dân sự chứ không hề có luật riêng.

Trong bối cảnh của Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng rất cần có một Bộ luật và nên cụ thể hoá bằng hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, hoàn chỉnh và tạo được niềm tin giữa các nhà đầu tư khi hợp tác với Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư.

Bản chất của dự án đầu tư PPP có rất nhiều đặc thù như đây là toàn bộ các dự án công, mục đích công nhưng lại có sự tham gia của đầu tư tư, quản lý tư và quan hệ giữa Nhà nước với nhà đầu tư là quan hệ đối tác. Do đó, cần có sự minh bạch, bình đẳng, chia sẻ cả mặt được cũng như rủi ro.

”Theo tôi, Nhà nước chỉ tham gia một phần, tập trung vào giải phóng mặt bằng còn chủ yếu nhà đầu tư bỏ tiền và bóc tách dự án riêng. Dự án luật nếu không tạo được sự công bằng, bình đẳng sẽ không thể đạt được mục tiêu xã hội hoá nhằm thu hút tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công  nghiệp Việt Nam, cho rằng thời gian qua, một phần nguyên nhân rất quan trọng khiến một số dự án PPP bị người dân, dư luận xã hội phản đối là chúng ta đã không có một cơ chế lấy ý kiến cộng đồng.

“Nếu người dân trong khu vực được biết thông tin sớm về vị trí đặt trạm thu phí từ khi dự án còn trên giấy thì chắc chắn họ sẽ có ý kiến, khi đó thì cơ quan nhà nước sẽ nhận được thông tin từ phía người dân để điều chỉnh dự án cho phù hợp. Chứ để đến khi dự án xây xong hết rồi, lúc đó người dân mới biết thông tin rồi phản đối thì hậu quả xã hội là rất lớn. Dự án BOT Cai Lậy là một ví dụ điển hình của việc không nhận được sự đồng thuận xã hội từ đầu nên giờ tiến thoái lưỡng nan”, ông Lộc nói.

Do đó, đại biểu đề nghị nhất thiết phải bổ sung một điều khoản về việc lấy ý kiến cộng đồng trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP. Chẳng hạn, cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và cách thức tiếp nhận ý kiến góp ý trên website của mình ít nhất 60 ngày trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư…

Điều 11 của dự thảo đã quy định nhiều nội dung thông tin của dự án phải công bố, tuy nhiên, vẫn cần công bố thêm nhiều thông tin nữa để bảo đảm quyền giám sát của người dân, đại biểu kiến nghị.

Dự thảo Luật cần giải quyết 5 vấn đề

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, phải giải quyết được 5 vấn đề trọng tâm trong dự thảo Luật.

Thứ nhất, phải quy định rõ xem những dự án nào được thực hiện theo hình thức PPP, tránh tình trạng lẫn lộn giữa các hình thức đầu tư và các tiêu chí cho quy định này cần phải được thể hiện rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, khi xác định một dự án cần đưa vào triển khai theo hình thức PPP thì phải có được hình hài của dự án đó từ khâu khảo sát, thiết kế, điều tra, thẩm định... để đảm bảo rằng dự án này được nhiều người biết và nắm được rằng khi đầu tư dự án này thì phải làm cái gì, chi phí bao nhiêu, hiệu quả như thế nào?

Và như vậy, khâu lập dự án cần phải làm thật kỹ để tránh tình trạng như thời gian vừa qua có nhiều dự án đã đầu tư theo hình thức PPP xong, nhưng khi kiểm toán lại thì giá trị đầu tư lại không đúng như dự toán ban đầu. Hoặc là khi triển khai các hạng mục, kỹ thuật, lợi ích không được như dự toán.

Một vấn đề nữa, để thu hút được các nhà đầu tư tư nhân thì cần phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi, tránh rủi ro cho nhà đầu tư. Đây chính là nội dung chia sẻ lợi ích và rủi ro, đây cũng là nội dung trọng tâm của Luật PPP.

Đồng thời Luật cũng cần phải đưa ra các quy định, tiêu chí để lựa chọn được đúng nhà đầu tư có tiềm lực về nguồn vốn, kinh nghiệm để đẩy nhanh được các dự án cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, khi có dự án rồi thì cần phải có cơ chế giám sát quá trình đầu tư và vận hành dự án. Bởi đây thực chất là một dự án đầu tư công và mang lại lợi ích công cho người dân. Khi người dân trả tiền để hưởng dịch vụ đó thì người dân cũng có quyền tham gia giám sát.

Trong khi đó, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại hội trường Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, còn có quan điểm khác nhau trước những vấn đề mới tại dự thảo. Một trong số đó là việc lựa chọn nhà đầu tư với các dự án PPP.

Theo dự thảo luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư ngoài đấu thầu rộng rãi còn có đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Cơ quan thẩm tra cho rằng cần thận trọng với việc chỉ định thầu đối với các dự án PPP. Bởi lẽ, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định có nguồn lực hạn chế, dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. 

Thành Đạt

511 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1231
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1231
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177953