Bài 1: Tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ 

Là huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Trị, những năm gần đây, công tác giảm nghèo của Đakrông đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên. Tuy nhiên, để đưa Đakrông ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước trước năm 2030 còn rất nhiều vấn đề đòi hỏi sự quyết liệt, nỗ lực hơn nữa của chính quyền, người dân.

Được thành lập tháng 1.1997 trên cơ sở chia tách từ huyện Hướng Hóa, ĐaKrông có hơn 80% là đồng bào Pa Kô và Vân Kiều, hộ nghèo chiếm hơn 70%... Xuất phát điểm thấp song thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Người dân tiếp cận tốt hơn với các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Tháng tám, nắng vàng rải xuống những con đường xanh tươi rợp màu cờ đỏ. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh về thị trấn Krông Klang, chúng tôi dừng chân tại xã A Ngo. Từ một xã vùng sâu vùng xa khó khăn nhất Đakrông, những năm qua, công tác giảm nghèo của A Ngo đã đạt được những kết quả tích cực. Anh Hồ Văn Lam (thôn A Rồng Dưới) chia sẻ, nhờ tận dụng lợi thế đất đai để chăn nuôi và trồng trọt, gia đình đã có một cánh rừng tràm hơn 2ha, 4 con bò, 4 con dê. “Gia đình đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo với suy nghĩ rất tích cực, làm gương cho những người khác phấn đấu”, anh Lam tâm sự.

Hay như với xã Mò Ó, nếu như trước đây người dân chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy “tự cung, tự cấp”… thì nay nhiều hộ đã chủ động khai hoang đất, làm ruộng nước 2 vụ, áp dụng thâm canh, tăng năng suất, trồng rừng; phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, không còn phải sống trong cảnh “ăn bữa hôm, lo bữa mai”, có không ít hộ đã thoát nghèo… Đơn cử như với hộ ông Hồ Cum, gia đình ông có khoảng 10 con lợn bản vừa để bán, vừa làm giống, thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm.

Như nhiều địa phương khác của Đakrông, khi nhắc đến A Bung hẳn nhiều người sẽ nghĩ và liên tưởng đến sự cách trở, nghèo khó. Nhưng A Bung giờ đây là một trong những xã đi đầu trong công tác giảm nghèo của huyện. Với phương châm tạo đột phá giảm nghèo bền vững, xã đã xây dựng nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó khuyến khích bà con phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ vay vốn… Chị Hồ Thị Lan cho biết, nhờ Chương trình 135 hỗ trợ nuôi dê sinh sản nên sau một năm đàn dê của gia đình đã tăng từ 10 con lên 20 con. Mô hình nuôi dê này đã giúp gia đình thoát nghèo bền vững và đặc biệt là thích nghi với điều kiện chăn nuôi tại địa phương.

Những ngày ở ĐaKrông, chúng tôi cũng đã tìm hiểu một số mô hình sản xuất tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gia súc kết hợp trồng rừng kinh tế của ông Lê Quang Thức (xã Hải Phúc). Hơn 30 năm nay, chuồng trại gia đình ông lúc nào cũng có vài chục con trâu, bò… Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thức còn nhiệt tình tham gia các hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với những hộ dân khác.

Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Đakrông, trên địa bàn ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Trồng lúa nếp than, chuối, ngô, lạc, sâm bố chính; chăn nuôi lợn, dê, bò, hươu sao… Đặc biệt, nhiều hộ có việc làm và thu nhập từ các mô hình bảo vệ, phát triển rừng. “Tỷ lệ giảm nghèo của huyện hàng năm đều đạt hơn 5%. Qua đó, phản ánh chủ trương, chính sách giảm nghèo hiệu quả của Đảng và Nhà nước cũng như nỗ lực của huyện trong mục tiêu giảm nghèo bền vững”, lãnh đạo huyện cho biết.

Huyện Đakrông đã có nhiều nỗ lực, từng bước vượt khó

Huyện Đakrông đã có nhiều nỗ lực, từng bước vượt khó

Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nhóm dân cư

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể, huyện Đakrông đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đến các đơn vị và Nhân dân trên địa bàn… Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; lồng ghép nhiều chương trình, dự án... Tính riêng năm 2020, huyện đã dành gần 58.087,5 triệu đồng từ chương trình 30a hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân phát triển sản xuất; đồng thời, dành gần 14.669 triệu đồng từ chương trình 135 để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn…

Bên cạnh đó, huyện còn huy động tối đa nguồn lực trong xã hội nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, chú trọng đồng bộ các chương trình, chính sách. Nhiều hộ nhờ được thụ hưởng các chính sách, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng, xã hội đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Với những bước đi cụ thể, đến nay 100% địa phương trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã; có điện lưới quốc gia để sinh hoạt, phục vụ sản xuất; có trường mầm non, tiểu học được xây dựng kiên cố. Những khu đồi trọc đã phủ kín màu xanh bạt ngàn của rừng tràm và rừng nguyên liệu. Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh là những trường học cao tầng, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 56,5% (năm 2016), xuống còn 29,1% (năm 2020) và còn 24,5% vào cuối năm 2021.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trí Tuân, một trong những vấn đề huyện hết sức quan tâm là tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây chính là điều kiện tiên quyết thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như tạo cơ hội cho người dân vươn lên. “Kết quả giảm nghèo của huyện đã góp phần giúp đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện; dần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, nhóm dân cư…; qua đó, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội”, ông Tuân chia sẻ.

 
Diệp Anh
394 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 451
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 451
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86338150