Vụ lúa này, tỉnh Quảng Bình gieo cấy 30.049 ha, đạt 101 % kế hoạch, dự tính năng suất bình quân là 60,81 tạ/ha, trong đó có những xã trọng điểm của huyện Lệ Thủy đạt năng suất 70 tạ/ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương cho biết, toàn huyện gieo 10.160 ha, hiện thu hoạch khoảng 50% diện tích, năng suất lúa ước đạt 66 tạ/ha, tăng bốn tạ/ha so với vụ đông xuân trước. Anh Nguyễn Văn Thanh, xã viên HTX Lộc Hạ (xã An Thủy) đang thu hoạch 2 ha lúa bên con đường liên xã, cho biết: Năng suất lúa đạt hơn 70tạ/ha. Các khâu từ làm đất đến thu hoạch đều dùng cơ giới hóa. Lúa thu hoạch xong được làm sạch ngay tại ruộng và đóng vào bao tải thuê xe chuyển về nhà. Dự tính sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 30 triệu đồng. Chị Phan Thị Ba ở xã An Thủy cho biết, cơ bản giá lúa năm nay có nhỉnh hơn so với năm ngoái. Giá mỗi tấn đạt 6,3 đến 6,6 triệu đồng. Tuy vậy, giá công thuê gặt lúa cao hơn so với năm trước, đẩy chi phí sản xuất cao hơn so với cùng kỳ.
Đồng chí Nguyễn Văn Vương cho biết, thời tiết trong vụ đông xuân 2016 - 2017 diễn biến không thuận lợi, đầu vụ rét đậm và triều cường đã làm chết gần 1.000 ha lúa, phải gieo cấy lại hai lần. Sau các đợt rét đó, nông dân đẩy mạnh việc chăm sóc lúa, cho nên toàn bộ diện tích lúa đông xuân sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Không khí được mùa đang lan ra toàn tỉnh Quảng Bình. Về cánh đồng lúa ven triền sông Gianh, vốn là rốn lũ trong những trận lũ lớn cuối năm 2016, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên từng khuôn mặt nông dân. Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn Phạm Quang Long thông báo: Năng suất lúa bình quân của thị xã đạt 56,5 tạ/ha, tăng một tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái. Có những địa phương đạt năng suất cao như Quảng Trung 60,5 tạ/ha, Quảng Hải 60 tạ/ha, Quảng Tiên 58 tạ/ha. Có được kết quả đó là nhờ chính quyền thị xã có chính sách trợ giá từ 4.000 đến 10.000 đồng/kg giống lúa chất lượng cao; sửa chữa kịp thời các công trình phục vụ sản xuất hư hỏng sau lũ để sử dụng; chủ động các biện pháp bảo vệ mùa màng, hạn chế sâu bệnh gây hại. Với chủ trương thu hoạch lúa đông xuân đến đâu, tiến hành làm đất, xuống giống vụ hè thu đến đó, thị xã Ba Đồn đang triển khai sản xuất vụ hè thu với yêu cầu cao nhất.
Giữa tháng 5 cũng là thời điểm thu hoạch của nông dân tỉnh Quảng Trị. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Quảng Trị Trần Thanh Hiền cho biết, vụ đông xuân 2016 - 2017, toàn tỉnh gieo cấy hơn 25.700 ha lúa, với các giống chủ yếu là HT1, HC95, Thiên Ưu 8, Khang Dân, Ma Lâm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm hơn 17.000 ha, đạt 68% diện tích gieo trồng. Năm nay, năng suất lúa bình quân đạt 58 tạ/ha, cao hơn hai tạ so với cùng kỳ năm trước, trong đó địa phương có sản lượng lúa cao nhất là huyện Hải Lăng, đạt 62,5 tạ/ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Nguyễn Giáp cho biết, để nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện chỉ đạo gieo cấy các giống lúa chất lượng cao với hơn hai phần ba tổng diện tích, trong đó có nhiều cánh đồng lớn để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Nhờ vậy, Hải Lăng luôn là địa phương dẫn đầu về năng suất lúa của tỉnh Quảng Trị. Bà Nguyễn Thị Khuyên ở thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng nói: "Gia đình gieo cấy bảy sào lúa, vừa gieo thì gặp rét đậm, phải gieo lại, nhưng nhờ chăm sóc chu đáo, cho nên lúa phát triển tốt và được mùa, năng suất đạt 63 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Lúa chúng tôi gặt buổi sáng phơi đến cuối buổi chiều là có người đến thu mua ngay với giá cả phù hợp”.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cho biết, để có được vụ lúa đông xuân bội thu, trước hết là nhờ các địa phương đổi mới cơ cấu bộ giống bằng các giống lúa chất lượng cao như HT1, P290, P6, Thiên Ưu 8… tạo đột biến về năng suất. Mặt khác, việc đẩy mạnh dồn điền đổi thửa tạo thành cánh đồng mẫu lớn để thuận lợi trong thâm canh tăng năng suất và áp dụng cơ giới vào đồng ruộng cũng góp phần đưa lại một vụ mùa thắng lợi. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò của người nông dân bám đồng ruộng sản xuất. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị Trần Thanh Hiền nhấn mạnh: “Vụ đông xuân được mùa toàn diện, vai trò quyết định thuộc về người nông dân bởi họ là những người luôn nỗ lực, sáng tạo trong tổ chức sản xuất”.
Sau một mùa mưa lũ để lại nhiều hậu quả lớn đối với sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền trung, trong đó có những thiệt hại đến nay chưa thể khắc phục, song vượt lên khó khăn và cả thử thách, người dân các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thu được một vụ lúa bội thu và giá lúa khá cao, góp phần nâng cao thu nhập. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài chia sẻ, cùng với nghề biển đang hồi phục, sản xuất nông nghiệp thắng lợi tạo thêm động lực, góp phần ổn định tình hình và bảo đảm an sinh xã hội.