Bác sỹ truyền bia “giã rượu”: Người dân tuyệt đối không tự ý áp dụng tại nhà 

Liên quan đến thông tin một bệnh nhân ở Quảng Trị bị ngộ độc methanol được bác sỹ cứu sống bằng cách truyền bia vào dạ dày, Bộ Y tế cho biết: Liệu pháp lọc máu vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu, người dân không được tự ý dùng bia “giải rượu” vì việc truyền ethanol (có trong bia) phải có chỉ định chặt chẽ.

Biện pháp chính vẫn là lọc máu thải độc methanol

ThS-bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Trong ngày 24 và 25-12-2018, BVĐK tỉnh Quảng Trị lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân có triệu chứng ban đầu là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ. 3 bệnh nhân này đều uống chung 1 loại rượu. Đây là dấu hiệu quan trọng để phát hiện bệnh nhân ngộ độc methanol.

Trong số đó có 1 bệnh nhân được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc methanol, chuyển đến BV Trung ương Huế điều trị do bệnh tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn N có hàm lượng methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. BV đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc methanol.

Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2-1.

“Bộ Y tế hoan nghênh sáng kiến của BVĐK Quảng Trị đã áp dụng an toàn vì tính được liều lượng. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định đây là hỗ trợ chứ không phải biện pháp chính, không phải ưu tiên số một. Chính vẫn là lọc máu, loại methanol ra khỏi cơ thể”, ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.

Theo hướng dẫn xử trí ngộ độc methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải methanol ra khỏi cơ thể người bệnh.

bac sy truyen bia gia ruou nguoi dan tuyet doi khong tu y ap dung tai nha
Thạc sỹ-Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo: Sau khi uống rượu nếu mọi người cảm thấy mệt nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. (Ảnh: T.A)

Rượu hay bia đều có thể gây ngộ độc!

Thạc sỹ-Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Truyền 15 lít bia theo như thông tin được nêu thì rất dễ gây hiểu lầm. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với methanol có trong máu.

Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ. Người dân không bắt chước, không tự ý dùng tại nhà.

“Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng”, ông Nguyễn Trọng Khoa cảnh báo.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Trong hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế nêu rõ, được phép sử dụng ethanol nồng độ pha loãng 20% có truyền giọt vào dạ dày và phải có chỉ định rất chặt chẽ. Thời gian vừa qua có ý kiến cho rằng, cứ uống rượu khoảng 1 thời gian nhất định có thể nghỉ hoặc uống bia cầm chừng rồi uống tiếp.

“Mặc dù về nguyên lý sử dụng rượu bia có chứa cồn, gan có thải độc trong vòng 1 giờ khoảng 1 đơn vị cồn tức là tương đương 10 gam cồn nguyên chất trong một dung dịch uống. Nhưng cần lưu ý, thói quen sử dụng rượu bia của người dân thì không ai chờ hết 1 giờ mới uống thêm 1 đơn vị cồn (tương đương khoảng 15ml rượu vang, gần 2/3 lon bia 330ml). Hầu hết người ta uống cấp tập, thậm chí trong 1 giờ có thể uống hàng chục lon bia và lượng cồn cao, gan không chuyển hóa chất nên ethanol sẽ chuyển hóa thành chất độc.

Dù bia hay rượu quy ra nồng độ cồn đều chứa cồn ethanol và đều gây hại như nhau nên không có chuyện uống rượu xong rồi uống bia thì không có hại cho cơ thể được”- bà Trang nhấn mạnh.

Người dân khó để nhận biết ngộ độc methanol

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, cho biết thêm: “Methanol hay ethanol khi ngộ độc lúc đầu giống nhau là hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, sau đó nếu là ngộ độc ethanol sẽ có cách điều trị khác. Còn ngộ độc methanol quá trình diễn tiến nửa ngày sau 1, 2 ngày sau mới có biểu hiện lúc này do acidfomic gây ra bệnh nhân thấy mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, chậm chạp thậm chí hôn mê, có thể có nôn ọe lúc này quá muộn. Người dân rất khó để biết ngộ độc methanol.

Trong chai rượu mua về uống có thể bị pha lẫn cả ethanol và methanol nó làm chậm quá trình ngộ độc hơn. Uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc luôn luôn có nguy cơ ngộ độc. Thứ hai là uống phải các sản phẩm có cồn methanol như dung môi pha véc-ni, dung môi pha thuốc bảo vệ thực vật, cồn sát trùng mang danh cồn sát trùng nhưng trong đó chứa methanol. Rượu không rõ nguồn gốc uống vào mà 1-2 ngày đến viện thì quá muộn. Vì vậy, nếu người dân uống rượu nhiều, cảm thấy bất thường, mệt cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, không tự uống rượu thêm sẽ rất nguy hiểm”.

Người ngộ độc rượu tốt nhất là không điều khiển phương tiện giao thông. Nếu bệnh nhân còn nói, còn đứng được thì ủ ấm cho bệnh nhân, cho ăn thực phẩm có đường, tinh bột. Trường hợp bệnh nhân chậm chạp, nằm, bệnh nhân không nói được, lạnh, vã mồ hôi, có đờm dãi thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Lưu ý, cho bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên để tránh tắc nghẽn đường thở, bác sỹ Nguyên đưa ra lời khuyên..

Thịnh An

749 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 745
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 745
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87042993