Năm 1911, khi mới 21 tuổi Người đã nghiệm ra rằng "Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ, thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc". Với suy nghĩ đó, Người đã ra đi tìm đường để về cứu nước, cứu dân ra khỏi áp bức, nô lệ. Và 34 năm sau, Người đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời, lỡ đất, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Để có được kết cục vĩ đại đó, từ tháng 6/1925 Người đã lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà nồng cốt là thanh niên cộng sản đoàn. Sau đó, Người lập ra Báo Thanh niên (cơ quan ngôn luận của Hội). Điều đó, cho thấy, Bác rất coi trọng vai trò của Thanh niên và công tác thanh niên. Tháng 8/1947, trong thư gửi thanh niên Người viết: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nuớc nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên".Và để thanh niên làm tròn nhiệm vụ của mình với Tổ quốc, Bác Hồ đã chăm lo, ân cần chỉ giáo và theo dõi, động viên mỗi bước trưởng thành của Thanh niên. Người đã đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm đến thanh niên. Ngay trước khi về với cõi vĩnh hằng Bác không quên dặn lại" Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết"
Tuân theo di huấn của Người, trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận các đoàn thể chính trị- xã hội đã không ngừng quan tâm đối với công tác thanh niên. Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, chương trình... để lãnh đạo công tác thanh niên. Trách nhiệm của chính quyền đối với tổ chức đoàn và phong trào Thanh niên trong việc đảm bảo các điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các phong trào của đoàn, của thanh niên (việc làm, thu nhập, phòng chống các tệ nạn xã hội...) ngày càng cao. Mặt trận các đoàn thể chính trị- xã hội, các lực lượng xã hội ủng hộ, chăm lo nhiều hơn công tác thanh niên.
Đáp lại sự quan tâm của Đảng, sự tin yêu của nhân dân, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam 67 năm qua từ ngày thành lập (1956-2023) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Qua các thời kỳ cách mạng, lớp lớp thanh niên với trái tim rực lữa, bằng lòng nhiệt huyết cách mạng đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sức sáng tạo cho Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào chiến công, thành tựu của đất nước trong sự nghiệp giải phóng cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với tuổi trẻ cả nước, các thế hệ thanh niên Quảng Trị đã góp phần không nhỏ cán bộ và nhân dân tỉnh nhà giải phóng quê hương và xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp. Chỉ tính riêng phong trào Thanh niên tình nguyện của tỉnh ta từ năm 2017 đến 2022, đã xây dựng 24 công trình thanh niên cấp tỉnh[1], 129 công trình thanh niên cấp huyện[2], 7.403 công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng. Các hoạt động tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng với nhiều nội dung thiết thực, khẳng định rõ nét vai trò, dấu ấn của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp bộ Đoàn triển khai thực hiện Đề án công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê” chiều dài 350 km với tổng trị giá 5,5 tỷ đồng; xây mới 04 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp, sửa chữa, phát quang 207 km đường giao thông nông thôn; khai thông 110 km hệ thống kênh mương nội đồng; phối hợp tổ chức 25 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 1.500 thanh niên, chủ các mô hình phát triển kinh tế; đăng ký xây dựng 80 “Con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới” kiểu mẫu; thành lập và duy trì 35 đội hình phòng chống tệ nạn xã hội. Các hoạt động tình nguyện tham gia xây dựng đô thị văn minh được triển khai với các nội dung cụ thể, phù hợp, góp phần cải tạo cảnh quan, xây dựng nếp sống đô thị văn minh với 820 công trình, phần việc thu hút hơn 14.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai và nhân rộng như: mô hình “Bảng quảng cáo rao vặt miễn phí”, “Hệ thống trang trí điện tử”, “Cột điện nở hoa”, “Tuyến đường hoa thanh niên”, “Nhà chờ xe buýt”. Các mô hình, đội hình, hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đa dạng, phong phú; huy động thanh thiếu niên tham gia trồng mới và chăm sóc hơn 1,6 triệu cây xanh; tổ chức chương trình “Hãy làm sạch biển” hàng năm; đăng ký đảm nhận 135 tuyến đường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”. Hoạt động “Ngày Thứ 7 tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh” được tổ chức thường xuyên, đồng loạt đã trở thành nét đẹp của tuổi trẻ có sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong thanh thiếu nhi và Nhân dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phong trào phòng, chống rác thải nhựa được các cấp bộ Đoàn - Đội triển khai có hiệu quả với nhiều mô hình hay, sáng tạo như: Mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa”, “Đổi vỏ chai nhựa - Nhận bút, vở”, “Vườn hoa nhựa tái chế”, “Bao vở bằng bìa giấy”, “Phân loại rác trong trường học”, “Đổi chai nhựa lấy cây xanh”.
Các hoạt động tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông được các cấp bộ Đoàn quan tâm triển khai. Qua đó, toàn tỉnh đã tổ chức được 35 đợt hoạt động cao điểm tuyên truyền về an toàn giao thông; duy trì và củng cố 38 “Cổng trường an toàn giao thông”, 01 “Bến đò ngang an toàn”, 02 “Đội ứng cứu nhanh trên tuyến quốc lộ 1A”, 09 “Đội tuyên truyền ATGT”. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 1.530 hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông thu hút hơn 170.000 lượt thanh thiếu nhi tham gia. Các hoạt động tình nguyện tham gia đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục phát triển cả về quy mô, loại hình, số lượng, chất lượng, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Chương trình “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân tình nguyện”, “Tháng Ba biên giới”, “Tháng Thanh niên”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè”, Ngày hội hiến máu tình nguyện “Chủ nhật đỏ”, “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng”, “Đồng hành với thanh niên công nhân”... tiếp tục được tổ chức hiệu quả, đi vào chiều sâu với các đội hình chuyên sâu. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 27 chiến dịch tình nguyện cấp tỉnh, 50 chiến dịch cấp huyện và 750 chiến dịch cấp cơ sở. Các hoạt động tình nguyện đột xuất tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh được triển khai kịp thời, nhạy bén, có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị như: Tổ chức chương trình “San sẻ yêu thương - Hướng về Thành phố mang tên Bác”; tổ chức Chiến dịch truyền thông “Hãy đeo khẩu trang nơi công cộng”, “Trend anti COVID - Áo xanh hành động đẩy lùi COVID”; phát động hưởng ứng chương trình “Triệu túi an sinh”; mô hình “Đi chợ giúp dân”, “Shiper áo xanh” trong khu vực phong toả tạm thời. Đồng thời, thành lập 365 đội hình tình nguyện ứng phó với mưa lũ với gần 3.285 đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động cứu trợ khắc phục hậu quả lũ lụt; tổ chức trao tặng các trang thiết bị hỗ trợ cho các đội hình thanh niên tình nguyện cứu trợ người dân bị lũ lụt tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh như: Áo phao, loa cầm tay, máy xịt nước cao áp, xuồng cứu hộ... nhằm hỗ trợ bà con nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống. Toàn Đoàn đã trao tặng 58.200 suất quà và các nhu yếu phẩm cần thiết trị giá gần 25 tỷ đồng cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và dịch bệnh.
Gánh trên vai, là ngưòi chủ tương lai với nhiệm vụ lịch sử nặng nề, thanh niên luôn tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Để từ đó, không ngừng đổi mới trong giáo dục và tổ chức hành động của tuổi trẻ; động viên, khích lệ thanh niên tham gia phong trào cách mạng một cách tự giác, tâm huyết phấn đấu cùng Đảng bộ và nhân dân dân tỉnh nhà đến năm 2030 đưa trình độ phát triển của tỉnh thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Trí Ánh
[1] Tiêu biểu Công trình con đường hạnh phúc tại thôn Trấm; công trình thanh niên “Ánh sáng đường quê”; công trình đường hoa giấy tại huyện Đảo Cồn Cỏ; công trình Nhà hóa vàng tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; công trình “Điểm quét mã QR tuyên truyền quảng bá du lịch Quảng Trị” tại 10 điểm di tích lịch sử, địa danh du lịch trên địa bàn tỉnh; công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh mồ côi dân tộc thiểu số; công trình “Trường đẹp cho em”; công trình Tu sửa, nâng cấp biểu tượng Măng non Duy Viên; công trình xây dựng Nhà nhân ái, nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, cựu TNXP, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
[2] Tiêu biểu: Công trình xây dựng 21 “Sân chơi cho em” của huyện Đoàn Cam Lộ; công trình Tu sửa Bia tưởng niệm liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của huyện Đoàn Vĩnh Linh; công trình “Tuyến đường thanh niên kiểu mẫu” của Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; công trình “Công viên 26/3” của huyện Đoàn Gio Linh; công trình “Ánh sáng vùng biên” của Đoàn thanh niên BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh; công trình Pano chào mừng Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 của huyện Đoàn Triệu Phong; công trình “Sân chơi cho em” của ĐTN Công an tỉnh; công trình “Cột điên nở hoa” của thành Đoàn Đông Hà; công trình “Xây dựng nhà tránh lũ” của huyện Đoàn Hải Lăng; công trình Ngôi nhà “Thắm tình quân dân” của ĐTN BCH Quân sự tỉnh; công trình “Bồn hoa thanh niên” của Đoàn Trường CĐSP; công trình “Ánh sáng đường quê” của huyện Đoàn Đakrông, ĐTN Công ty Cao su Quảng Trị; công trình “Đảo hoa giấy” của huyện Đoàn Cồn Cỏ; Công trình Cụm pano tuyên truyền trực quan của Thị Đoàn Quảng Trị; công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” của huyện Đoàn Hướng Hoá ..