Bác Hồ với công tác giáo dục 

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Từ một thầy giáo ra đi tìm đường cứu nước, rồi bằng con đường cứu nước riêng có của mình, Người trở về cứu nước cứu dân, chỉ với một mục đích: Ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành. Trước khi về với thế giới người hiền, về với Các Mác, Lê nin điều Người dặn lại cho toàn Đảng, toàn dân là “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trong Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo và đọc trước quảng trường lịch sử Ba Đình đã khẳng định 3 quyền bất khả xâm phạm của con người: đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Những quyền thiêng liêng này được thể hiện tư tưởng cách mạng: Tất cả vì lợi ích con người. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”

Con người theo quan niệm của Người phải có đủ đức và tài; Đức phải có trước - đó là những giá trị làm người. Có tài mà không có đức thì sẽ nguy hiểm, dễ làm mất lợi ích của người khác, của cộng đồng, của dân tộc. Có đức mà không có tài thì không làm hại ai nhưng cũng không giúp ích gì cho xã hội. Những giá trị đức và tài đó được thể hiện trên từng con người cụ thể. Và vì thế “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt”[1].

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm của Người chúng ta thấy tư tưởng của Người về giáo dục quả là mênh mông. Có thể nói quá nhiều vấn đề được Bác nói cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Chẳng hạn như trong thư gửi học sinh nhân khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết: Các em giờ đây sẽ được hưởng một nền giáo dục làm nảy nở hoàn toàn những năng lực sẵn có, nhưng trên thực tế, cho đến năm 2019, ta vẫn giảng dạy dựa vào trí nhớ, tổ chức thi tuyển và thi tốt nghiệp dựa vào trí nhớ. Lối giảng dạy vẫn là thầy nói, trò ghi, trả lời theo khuôn mẫu v.v...

 Vài năm lại đây, khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” không chỉ được nhắc mà còn nhắc đến rất nhiều. Tại sao các nước phát triển lại ưu tiên phát triển những công nghệ hiện đại trong cuộc cách mạng lần thứ tư đến như vậy ? Câu trả lời có thể là nếu không đổi mới công nghệ, không bắt kịp với nhịp độ phát triển nhanh chóng của thời đại sẽ bị tụt hậu, bị lệ thuộc. Đối với nước ta, cách mạng công nghiệp 4.0 được bắt đầu thảo luận vào năm 2016, với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ngành. Trong bối cảnh đó, quán triệt tư tưởng của Người giáo dục phải làm gì ?

Chúng ta biết rằng, công nghệ thông tin đang từng bước thay thế dần chức năng truyền thụ kiến thức mà trước đây người thầy giáo trực tiếp làm. Giáo dục và Đào tạo là đổi mới cách thức giảng dạy truyền thống tới phổ cập hóa, cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Trước đây, đầu vào là quan trọng, cách học là quan trọng, dạy học là quan trọng. Bây giờ, chuẩn đầu ra là quan trọng. Trước đây, việc học so với chính mình. Bây giờ, việc học phải so với những người khác. Và vì thế, việc ban hành bộ tiêu chí và đo đạc, so sánh, đánh giá và công bố là quan trọng. Cái gì không đo được thì không quản lý được và không thúc đẩy được. Trước đây, học cái đã có trong sách giáo khoa. Bây giờ, học cả cái chưa có trong sách giáo khoa. Và vì thế, đại học huy động được nhiều hơn những người không phải giáo viên chính thức vào giảng dạy. Trước đây, giáo viên là thầy. Bây giờ, giáo viên là huấn luyện viên, sinh viên làm là chính. Trước đây, học cách giải quyết vấn đề là chính. Bây giờ, học cách tìm ra vấn đề là chính. Và vì thế, việc dạy và việc học cũng thú vị hơn, hữu ích hơn nhiều cho cả người học và người dạy.

Muốn vậy, vấn đề đặt ra là phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Học sinh, sinh viên phải được tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến; xây dựng cổng thư viện số  và hệ thống học trực tuyến tại các trường học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện); kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới. Và cuối cùng là triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục bao gồm: cơ sở dữ liệu giáo dục tỉnh kết nối, liên thông với hệ thống thông tin của các trường trên địa bàn tỉnh và sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để quản lý hoạt động giáo dục; triển khai hệ thống họp, hội thảo, tập huấn qua mạng. Nguyễn Trí Ánh

 

[1] Hồ Chí Minh - Thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc tháng 3/1955.

 

773 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1040
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1040
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006314