Lúc này, đất nước ta có rất nhiều quân đội nước ngoài với danh nghĩa quân đồng minh đã tràn vào Việt Nam, có đến gần 30 vạn quân chính quy của các nước Anh, Pháp, Nhật và quân Tưởng Giới Thạch, trong đó có 20 vạn quân Tưởng, 6 vạn quân Nhật, hơn 2 vạn quân Anh - Ấn… Theo sau bọn đế quốc là một lũ tay sai với nhiều loại đảng phái phản động lăm le lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập lại chính quyền tay sai và cướp lại nước ta lần nữa.
Cách mạng vừa thành công, chính quyền nhân dân vừa ra đời, Nhân dân ta chưa đủ thời gian xây dựng lực lượng vũ trang chính quy để bảo vệ nền độc lập đã giành được. Nền kinh tế của đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu, đã bị kiệt quệ nặng nề do chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật; tài chính cạn kiệt, nạn đói, thiên tai, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng. Vận mệnh Tổ quốc ta lúc đó đứng trước một tình thế đặc biệt hiểm nghèo "ngàn cân treo sợi tóc".
Sau khi quân Nhật tan rã, quân Tưởng rút đi, quân Anh cũng lùi dần về phía sau, quân Pháp được tập hợp lại và bổ sung thêm lực lượng, ngày càng lấn dần, lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta.
Bác Hồ nhận biết rõ ý đồ xâm chiếm của Pháp. Nhưng Bác vẫn kiên trì với một giải pháp hòa bình ở nước ta, đòi phía Pháp tiến hành thương lượng, giải quyết vấn đề Việt Nam bằng con đường hòa bình.
Song, với mưu toan muốn chiếm lại nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã trì hoãn, bội ước Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Bọn chúng liên tục khiêu khích xâm phạm chủ quyền và tìm mọi cách đánh chiếm nước ta.
Dân tộc Việt Nam đã từng chịu nhiều đau khổ nay luôn ao ước sống trong hòa bình và công lý. Nhưng "Cây muốn lặng, gió chẳng ngừng", bởi vì thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa nên chúng đã cắt đứt mọi nẻo đường hòa bình để đến với độc lập và thống nhất. Nhân dân ta không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng để tự vệ là sự lựa chọn bất đắc dĩ của dân tộc Việt Nam.
Đêm 18/12/1946, Bộ chỉ huy Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước khí giới lực lượng vũ trang của ta, đòi chiếm Sở Công an Hà Nội và công khai tuyên bố sẽ hành động vào sáng ngày 20/12/1946. Đây là tối hậu thư của bọn xâm lược đầy láo xược khiến sự phẩn uất của Nhân dân ta đến đỉnh điểm. Nhất quyết phải trừng trị thích đáng quân xâm lược.
Đất nước ta đứng trước một tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sự lựa chọn lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy. Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng. Vào hồi 20 giờ ngày 19/12/1946, quốc dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.
Sau một đêm chiến đấu, sáng ngày 20/12/1946, với khẩu khí hào hùng như lời Hịch tướng sĩ năm nào trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:
"Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp để cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!"
Nhà in báo Cứu quốc cũng kịp thời in hàng nghìn bản để chuyển về các nơi, trong số báo ra ngày hôm sau, lời hịch của Bác được in hết sức trang trọng và đầu đề "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến".
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức mạnh diệu kỳ, sánh vai cùng "Nam quốc sơn hà", Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo… vì đây là tiếng gọi, tiếng kèn xung trận, ngọn cờ tư tưởng của thời đại Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử của dân tộc ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp như một bản anh hùng ca của dân tộc. Hơn nữa thế kỷ đi qua, ngày 19/12/1946 mãi mãi ghi vào lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Toàn dân tộc ta nhất tề đứng dậy theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thời gian càng lùi xa, âm hưởng hùng tráng của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến càng vang vọng trong muôn thế hệ người Việt Nam.
Phát huy tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng ta mãi mãi tự hào về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nguyễn Thanh Hoàng